1. Rừng cao su mùa nào cũng đẹp. Vẻ đẹp của thiên nhiên xoay vần cùng thời gian. Trong đó, chủ đạo là màu xanh của cành lá tốt tươi từ độ tháng 3 đến tháng 11. Những ngày cuối thu, khi tiết trời se lạnh cũng là lúc cây cao su bước vào mùa thay lá. Thú vị ở chỗ, lá cao su không chuyển vàng một lúc mà lần lượt thay đổi với nhiều màu sắc khác biệt. Đây cũng là khoảng thời gian những cánh rừng cao su khoác lên mình chiếc áo rực rỡ nhất trong năm.
Từng lớp lá vàng, đỏ, nâu, xanh xen kẽ với nhau khiến bước chân người lữ khách thoáng chút ngập ngừng vì ngỡ mình đang lạc giữa rừng lá phong ở xứ lạnh. Có dịp dạo quanh dưới những tán cao su vào lúc bình minh, khi ánh ban mai xuyên qua kẽ lá, bạn mới có thể cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp lộng lẫy của rừng cao su đang mùa thay lá.
Những ngày cuối đông, chỉ cần một cơn gió thoảng qua cũng đủ làm những chiếc lá trên cành chao lượn tựa vô số cánh bướm rập rờn rồi nhẹ nhàng đáp trên thảm lá khô giòn. Tán cao su sum suê hôm nào giờ chỉ còn lại những cành cây trơ trọi như bức tranh thủy mặc giữa đất trời.
Khi mùa xuân về, những chồi non xanh biếc đua nhau khoe sắc, đánh dấu mùa thu hoạch mới.
2. Từ cuối thế kỷ 19, những cây cao su đầu tiên do người Pháp mang đến đã nhanh chóng thích nghi với vùng đất đỏ bazan nơi đây. Rễ ăn sâu vào lòng đất giữ cho thân cây vững vàng, đồng thời chắt chiu dưỡng chất thành nguồn sống. Dù được trồng ven đường hay giữa rừng sâu, những cây cao su không cần ai biết đến, luôn cần mẫn vươn cao, đón lấy ánh mặt trời. Để dâng hiến cho đời dòng nhựa trắng tinh khôi, cả đời cây phải trải qua đớn đau với vết thương trên thân bị khoét sâu hơn từng ngày.
Từng cây cao su với tán lá vươn rộng, đan lấy nhau tạo thành những cánh rừng vững chãi trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Đến lúc già cỗi, thân cây tiếp tục được tận dụng làm nên những sản phẩm có giá trị. Gỗ cao su bền chắc, có vân đẹp, được xem là loại gỗ thân thiện với môi trường bởi chỉ được khai thác khi cây không còn sản sinh ra nhựa.
Quá trình sinh trưởng, thích nghi và phát triển của cây cao su đâu đó phản ánh tính cách của những con người nơi miền Đông Nam bộ cần cù, nghĩa tình, bất khuất, kiên trung. Ngược dòng thời gian, nhiều thế hệ dân cư đã đến và định cư trên miền đất này. Họ đã phải đối mặt với vô vàn hiểm nguy của nước độc, rừng thiêng; của sự áp bức, bóc lột của bọn cường hào ác bá. Tuy nhiên họ đã cùng nắm tay nhau đoàn kết để phản kháng lại sự bất nghĩa, bất công đang tròng trên cổ họ. Để rồi chiến thắng, lẽ phải đã thuộc về những người lao động chân chính.
3. Em kể tuổi thơ mình đã gắn liền với cây cao su, từ lúc còn nhỏ đã thấy quanh mình hàng hàng, lớp lớp cây cao su trải dài như vô tận. Những tán cao su xanh rì luôn chở che và là sinh kế cho gia đình em cũng như nhiều người khác đến đây lập nghiệp.
Người lớn bắt đầu công việc từ lúc 2-3 giờ sáng nên những đứa trẻ như em ngay từ nhỏ đã quen tự lập, quán xuyến mọi thứ trong nhà. Lớn hơn một chút thì phụ ba mẹ xách thùng tới từng gốc cây để trút mủ vào hoặc mang cơm nước từ nhà ra lô. Dưới tán rừng cao su là biết bao trò vui gắn liền với tuổi thơ. Mùa nắng thì rủ nhau nhặt hạt cao su để bán cho những người lấy tinh dầu. Còn mùa mưa thì nhờ đi đào nấm mối, hái rau rừng mà tụi nhỏ có được chút tiền để dành mua sách vở.
Ba mẹ em về đây lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Chính mảnh đất miền Đông Nam bộ tràn đầy sức sống và những người hàng xóm tốt bụng đã rộng lòng đón nhận và nâng đỡ. Người miền Đông nhiệt tình, phóng khoáng đón nhận tất cả, không loại trừ, kỳ thị hay soi mói quá khứ của bất cứ ai khi đặt chân đến đây. Kẻ ở trước chỉ bảo cho người đến sau, đối đãi nhau như là người thân, họ hàng. Tất cả cùng làm ăn, sinh sống, cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi trên mảnh đất thắm đượm tình người.
Giữa rừng cao su, tuy vẫn còn khó khăn nhưng cuộc sống luôn đầm ấm, tươi vui của nghĩa xóm tình làng. Để rồi giờ đây gia đình em cũng đã trở thành những con người miền Đông chính hiệu, luôn rộng mở vòng tay với hết thảy mọi người.
4. Cây cao su còn mang trong mình câu chuyện lịch sử hào hùng của giai cấp công nhân, với Phú Riềng Đỏ - một trong những phong trào công nhân đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện bởi các công nhân cao su tại đồn điền Phú Riềng, đây là nơi thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên của khu vực Đông Nam bộ.
Hơn thế nữa, trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, những cánh rừng cao su là nơi chở che cho quân ta và chẳng khác nào "thiên la địa võng" ngăn bước quân thù, góp phần làm nên những chiến công vang dội.
Hòa bình lập lại, cao su thiên nhiên là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước. Cây cao su góp phần thay đổi diện mạo, làm nên sự trù phú trên quê hương hôm nay cùng cuộc sống đủ đầy cho hàng chục ngàn công nhân lao động.
Ở miền Đông đất đỏ, cây cao su không chỉ là cây mà còn là câu chuyện dài gắn liền với tình đất, tình người…
Bình luận (0)