NHÌN CÂY NHỚ NGƯỜI
Hai ngày nay, thời tiết trên địa bàn Quảng Nam mưa liên tục, nhưng không ngăn được bước chân của các cựu chiến binh, du khách, người dân… tìm đến Khu di tích lịch sử căn cứ Khu ủy Khu 5 tại xã Sông Trà (H.Hiệp Đức, Quảng Nam). Ngoài tham quan, nhiều người tìm đến đây chỉ mong muốn xem lại cây đa búp đỏ do chính tay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng trong chuyến thăm, chúc tết vào ngày 13.1.2012. Tất cả mọi hành động, cử chỉ đều trong im lặng như một sự tri ân sâu sắc.
Khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, những ngày qua, rất nhiều đồng bào miền núi H.Hiệp Đức nói riêng và người dân Quảng Nam nói chung bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn đối với vị lãnh đạo hết lòng vì dân, vì nước. Ai cũng muốn lục tìm ký ức về thời điểm được đón Tổng Bí thư đến thăm, chúc tết đồng bào địa phương ngay vùng đất căn cứ địa cách mạng.
Ông Trịnh Xuân Hưng, nhân viên bảo vệ Khu di tích lịch sử căn cứ Khu ủy Khu 5, cho biết thông qua báo chí, từ chiều 19.7 ông biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Lúc ấy, cảm giác thương tiếc, xót xa dâng trào. Nói rồi, ông Hưng lặng lẽ đi ra gốc cây đa búp đỏ do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng. Sau một hồi ngắm nghía, ông cẩn thận phát quang xung quanh và hồi tưởng về lần Tổng Bí thư đến thăm. "Sau khi được chính tay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng vào ngày 13.1.2012, hơn 10 năm qua cây đa này phần lớn do chính tay tôi chăm sóc. Bây giờ nhìn cây đa này, tôi lại nhớ bóng dáng của Tổng Bí thư cách đây hơn 12 năm trước… Từ nay chúng tôi không còn cơ hội được đón tiếp Tổng Bí thư nữa rồi!", ông Hưng xúc động.
Lúc đó dù bận rộn với nhiều điểm thăm, chúc tết nhưng Tổng Bí thư vẫn dành thời gian đến chúc tết cán bộ, nhân viên Khu di tích lịch sử căn cứ Khu ủy Khu 5. Thời điểm đó, ông Hưng được phân công chuẩn bị cuốc xẻng, xô nước để Tổng Bí thư trồng cây lưu niệm. "Chuyến thăm, chúc tết năm đó lúc nào tôi cũng thấy Tổng Bí thư tươi cười vui vẻ, cảm giác rất gần gũi và hòa đồng. Tôi sẽ luôn ghi nhớ lời dặn của Tổng Bí thư lúc nói chuyện với cán bộ, nhân viên Khu di tích lịch sử căn cứ Khu ủy Khu 5, xem đó là bài học nhân cách đầy tự hào", ông Hưng chia sẻ.
Sau nhiều năm được chăm sóc, cây đa búp đỏ do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng tại đây đã phát triển tươi tốt, cao lớn, ra búp đỏ rất đẹp mắt. Cây đa được xem như kỷ vật, thể hiện tình cảm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho đồng bào địa phương.
"Mỗi lần có người đến tham quan di tích, chúng tôi đều dẫn ra và giới thiệu về cây đa búp đỏ. Bởi cây đa thể hiện tinh thần đoàn kết, nhắc nhớ về câu chuyện lịch sử trong kháng chiến như cây đa Tân Trào", ông Hưng nói và cho hay nhiều năm qua, Khu di tích lịch sử căn cứ Khu ủy Khu 5 cũng đã trở thành địa chỉ về nguồn quan trọng của nhiều thế hệ.
LUÔN NHỚ VỀ LỜI DẶN CỦA TỔNG BÍ THƯ
Không thể ra Hà Nội viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Hồ Thị Anh Thơ (57 tuổi, dân tộc Xơ Đăng, ở thôn Trà Va, xã Sông Trà) cũng như nhiều người dân khác chỉ biết tìm về địa chỉ cách mạng này để tưới nước cho cây đa, như một lời tri ân sâu sắc nhất.
Nhắc lại lần được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi năm 2012, bà Thơ vẫn nhớ như in nụ cười hiền từ của "người cộng sản chân chính" dành cho đồng bào địa phương. Với bà, đó là khoảnh khắc đẹp nhất. Chuyến thăm năm đó không chỉ thể hiện tình cảm mà Tổng Bí thư dành cho người dân Hiệp Đức, mà còn là niềm động viên rất lớn giúp cộng đồng người Xơ Đăng, M'nông phát triển KT-XH, ổn định cuộc sống mới. Nghe theo lời dặn của Tổng Bí thư, ngày nay rất nhiều hộ dân địa phương nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Tỷ lệ hộ nghèo được giảm hằng năm, con em đồng bào địa phương nỗ lực học tập, trở thành cán bộ chủ chốt trên địa bàn huyện. "Từ khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, rất nhiều người tập trung đến nhà tôi để xem thời sự đưa tin về sự ra đi của bác, ai cũng bày tỏ niềm tiếc thương đối với người lãnh đạo sống trọn đời vì nước, vì dân", bà Thơ tâm sự.
Từng giữ chức vụ Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Sông Trà, bà Hồ Thị Anh Thơ luôn xem tinh thần nêu gương và những chỉ đạo sâu sát của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như "kim chỉ nam" để học tập và noi theo, nhất là trong câu chuyện cuộc sống giữa người cán bộ, đảng viên cơ sở với cộng đồng địa phương.
"Dù Tổng Bí thư đã mất nhưng những dấu ấn mà ông để lại thật tinh khiết, sáng trong, thực sự là tấm gương tiêu biểu để cán bộ, đảng viên noi theo. Đồng bào các dân tộc ở H.Hiệp Đức sẽ luôn nhớ về lời dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để cùng ra sức làm ăn, phát triển kinh tế, xứng đáng với tình cảm và sự quan tâm đặc biệt mà cá nhân Tổng Bí thư đã ưu ái dành cho vùng dân tộc và miền núi thời gian qua. Với người dân chúng tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ còn sống mãi", bà Thơ bày tỏ.
Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, bà Hồ Thị Anh Thơ cũng không quên nhắc lại câu nói nổi tiếng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ. Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!".
Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1973 - 1975), Khu di tích căn cứ Khu ủy Khu 5 đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại như Đại hội lần thứ III (12.1973) của Ban Chấp hành Khu ủy Khu 5; hội nghị bàn về chiến lược quân sự nhằm đánh bại kế hoạch lấn chiếm của địch, tiến công đánh địch và mở rộng vùng giải phóng...
Trong những năm 1973 - 1975, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Khu 5 mà trực tiếp là Bí thư Khu ủy Võ Chí Công, quân và dân Khu 5 đã lập nhiều chiến công, tiêu diệt phần lớn sinh lực địch, giải phóng Tây nguyên, làm bàn đạp giải phóng các khu vực đồng bằng và những thành phố, thị xã trên địa bàn Khu 5, góp phần cùng với quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Bình luận (0)