Cây đỏ trên cao nguyên Vân Hòa

Đức Huy
Đức Huy
18/06/2021 06:11 GMT+7

Người dân địa phương gọi cây dâu đất hoặc cây dâu da đất là cây đỏ vì trái có màu đỏ. Loại cây này mọc nhiều trên cao nguyên Vân Hòa, trở thành cây hái ra tiền cho người dân địa phương.

Vùng cao nguyên Vân Hòa gồm các xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân của H.Sơn Hòa và một phần H.Tuy An (Phú Yên) bỗng dưng nổi tiếng nhờ cây đỏ. Ở vùng đất này đã hình thành những vườn đỏ xanh mượt và người dân ở đây biến chúng thành những khu vườn du lịch, thu hút du khách mọi miền, đem lại thu nhập cao.

Độc đáo vườn đỏ hơn 100 năm tuổi

Vùng đất cao nguyên Vân Hòa có khí hậu mát mẻ quanh năm vì ở độ cao 400 m so với mặt nước biển. Ở cao nguyên này, cây đỏ tập trung nhiều nhất ở xã Sơn Xuân, H.Sơn Hòa. Cây đỏ trưởng thành có chiều cao khoảng 5 - 7 m. Đây là loại cây tự nhiên sống trong rừng. Trước đó, khu vực xã Sơn Xuân là rừng nhưng được khai hoang, người dân đã chừa lại những cây đỏ để đến mùa thu hoạch thì họ hái trái đem đi bán. Vì thế, chúng mọc xen kẽ với các cây ăn trái khác trồng sau này như mít, xoài…
Bây giờ, cây đỏ mọc thành vườn và có nhiều cây đã hàng chục năm tuổi, thậm chí có cây đã hơn 100 năm tuổi. Do có tuyển chọn nên những cây đỏ có vị chua bị chủ vườn đào thải, chỉ để lại những cây trái ngọt. Vào mùa, trái chín đỏ từng chùm xum xuê, nặng trĩu, trải dài từ ngọn đến tận gốc.
Hiện có gần 15 vườn đỏ của người dân ở xã Sơn Xuân kinh doanh du lịch. Vườn đỏ của ông Nguyễn Văn Bình rộng chừng 2,5 ha, có hơn 35 cây. Chúng đều đã ngoài 40 năm tuổi, đặc biệt trong vườn ông có cây hơn 100 năm tuổi. “Cây đỏ này có từ lâu rồi, từ đời ông nội của tôi lên đây lập nghiệp. Và từ đó đến nay, hễ đến mùa thì nó ra trái sai lắm, có khi hái cả tấn. Khi phong trào chơi cây đỏ nổi lên, nhiều người cũng hỏi mua cây đỏ cổ thụ với giá cao nhưng nhất định tôi không bán. Bởi lẽ, cây đỏ này đã chứng kiến quá trình lớn lên, trưởng thành của cả 4 thế hệ trong gia đình tôi”, ông Bình chia sẻ.
Năm trước, các vườn đỏ ở đây bị “hạn” nên trái rất thưa thớt. Thế nhưng năm nay, đỏ vùng này lại được mùa. Vườn đỏ nhà ông Bình cây nào cũng trĩu quả. Gần đó là vườn của ông Võ Điền Phương. Ông Phương thứ bốn trong gia đình, và là chủ vườn đỏ nên du khách gọi “chết” cái tên vườn đỏ Bốn Phương.
Theo ông Phương, ngày xưa, vùng đất này vốn là một rừng đỏ. Cây đỏ mọc khắp nơi. Với người dân địa phương, cây đỏ tượng trưng cho sự may mắn, sung túc đủ đầy. “Người dân ở đây quan niệm vậy nên khi xây dựng nhà cửa, họ đều giữ lại cây đỏ trong vườn. Ở đây, mỗi nhà có vườn đỏ ít nhất cũng từ 5 - 40 cây. Trong đó, nhiều cây to bằng người ôm. Một số khu vực lân cận cũng có cây đỏ, nhưng không tập trung như ở đây”, ông Phương nói.
Cây đỏ trên cao nguyên Vân Hòa1

Rượu ủ từ trái đỏ

Lộc trời cho

Theo người trồng đỏ, mỗi năm, vào cuối tháng chạp, trên thân cây bắt đầu xuất hiện các cục u, rồi từ đó các chùm bông màu đỏ, vàng bơ hoặc xanh lá đâm ra tua tủa từ thân cây rất đẹp mắt. Theo thời gian, các chùm hoa bé xíu đậu thành các chùm trái nhỏ xinh, sai chi chít. Nhiều tháng sau, các chùm đỏ lớn dần lên và chuyển sang màu đỏ sẫm. Đến cuối tháng bảy âm lịch, trái đỏ mới bắt đầu đỏ rộ và đến sau Tết Trung thu mới vào độ to tròn, căng mọng. Quá trình từ khi cây đơm hoa, kết trái mất gần 10 tháng. Thế nhưng, chỉ 2 tháng sau khi thu hoạch, cây đỏ lại cần mẫn cho ra đợt quả mới.
Trước đây, cây đỏ chỉ đơn giản là một loại cây rừng gắn liền với đời sống người dân miền núi, không có nhiều giá trị kinh tế. Mùa hè, người ta thường hái trái mang đến các chợ xã, chợ huyện bán, như một loại quả đặc sản của xứ núi, với giá 10.000 - 30.000 đồng/kg tùy mùa vụ. Thế nhưng, từ năm 2017 - 2018, sau khi một số người đi du lịch “bụi” chụp và chia sẻ hình ảnh của những cây đỏ sai trĩu quả, đỏ mọng đầy sức sống thì đột nhiên các vườn đỏ được khách du lịch trong và ngoài tỉnh, thậm chí khách nước ngoài cũng tìm đến. Dần dà, những hộ dân có vườn đỏ bắt đầu nghĩ đến việc tận dụng lợi thế của vườn cây này để khai thác du lịch. Vườn đỏ trở thành những khu vườn “hái ra tiền” của nhiều người dân ở xã Sơn Xuân.
Bà Nguyễn Thị Điệp, vợ ông Bốn Phương, nhớ lại: “Lúc đầu, khách đi ngang qua nhà tôi thấy cây đỏ ra trái đẹp nên chụp hình, quay phim, rồi hái trái để ăn. Họ khen trái đỏ ngọt thanh. Khi về nhà, họ đăng hình, clip lên mạng xã hội. Và cũng từ đó, người dân đổ xô về đây để chụp ảnh”.
Sau đó, khách du lịch không chờ đến lúc trái đỏ chín mà ngay từ lúc cây ra hoa cũng đã đến tham quan, chụp ảnh. “Từ đầu năm, vườn đỏ của gia đình tôi đã đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan. Riêng trong dịp lễ 30.4, vườn đỏ đã đón khoảng hơn 1.000 du khách. Với 10.000 đồng/lượt người tham quan, mỗi năm vườn đỏ cho gia đình tôi nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng. Thêm vào đó, gia đình tôi cũng khai thác thêm một số dịch vụ đi kèm như phục vụ nước uống, nấu ăn, bán đặc sản… nên nguồn thu nhập từ vườn đỏ cũng đủ nuôi sống cho gia đình”, bà Điệp bộc bạch.
Cây đỏ trên cao nguyên Vân Hòa2

Gốc đỏ hơn 100 năm tuổi trong vườn ông Bình

ẢNH: ĐỨC HUY

Thương hiệu đỏ Vân Hòa

Sau một thời gian bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm, đến nay, người dân xã Sơn Xuân đã được định hướng trong việc khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch từ vườn đỏ. Bên cạnh việc bảo vệ cây, người dân đã biết sắp xếp, tổ chức vườn cây hợp lý, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch để thu hút du khách trở lại. Mỗi chủ vườn đỏ ở cao nguyên Vân Hòa đều có cách nghĩ và cách làm khác nhau để tạo ra đặc trưng riêng, nhằm níu chân du khách.
Để có vườn đỏ đẹp, sau năm đầu tư khai thác tự phát, gia đình ông Bốn Phương quyết định đầu tư hơn 300 triệu đồng để cải tạo vườn đỏ, rồi trồng thêm nhiều loại hoa, cây cảnh, cây ăn trái và tạo thêm nhiều tiểu cảnh, nuôi thêm gà để phục vụ các đoàn khách có nhu cầu nghỉ ngơi, ăn uống tại chỗ.
Không những thế, ông Bốn Phương còn nghĩ ra cách chăm sóc cho trái đỏ trong vườn vừa to, vừa đỏ mọng. “Tôi mong muốn khách đến với vườn đỏ không chỉ để chụp một vài tấm ảnh khoe chơi, mà còn được trải nghiệm không gian của một vùng núi trong lành và thưởng thức những món ăn đặc sản dân dã, chân chất của xứ cao nguyên Vân Hòa”, ông Bốn Phương tâm sự.
Còn ông Bình cũng đã đầu tư, cải tạo lại khu vườn đỏ rộng hơn 2,5 ha của gia đình để có thêm nhiều chỗ cho khách đến tham quan, nghỉ ngơi. Ông Bình mạnh dạn đăng ký xây dựng vườn mẫu nông thôn mới nên quy hoạch, phát dọn, phân khu từng vị trí trong vườn. Ông Bình cũng dựng thêm một số chòi nghỉ, trồng cây ăn quả… để có nhiều dịch vụ đi kèm hơn cho các đoàn khách.
Quả đỏ không chỉ để ngắm, khi chúng chín thì cũng là lúc kết thúc mùa du lịch nên chủ vườn thu hoạch, ngâm muối để làm sạch quả đỏ, rồi ủ vào chậu đất để chúng thành rượu. Rượu đỏ có màu đỏ mận khá đẹp mắt, uống có vị chua nhẹ, hơi nồng, rất phù hợp với phái nữ, nhất là uống với đá lạnh. Bà Điệp chia sẻ kinh nghiệm: “Người dân vùng cao nguyên Vân Hòa hay uống rượu đỏ vào dịp đầu năm, với hy vọng sẽ có một năm nhiều may mắn, thuận lợi. Khách đến tham quan vườn đỏ thường mua rượu đỏ làm quà để dành đến tết lấy may đầu năm”.
Bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Xuân, H.Sơn Hòa (Phú Yên), cho biết: “Sau một thời gian chấn chỉnh, định hướng, chủ các vườn đỏ đã chỉnh trang, khai thác vườn đỏ rất hiệu quả, hợp lý. Bà con biết khai thác du lịch đúng hướng; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ. Năm nay đỏ được mùa, các chủ vườn đang rất phấn khởi. Thế nhưng, do tình hình dịch bệnh phức tạp, địa phương đã động viên, yêu cầu các chủ vườn tạm đóng cửa, không cho khách vào tham quan để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.