TÌNH CỜ MÀ BÉN DUYÊN HÀI
Bảo Quốc là con của nghệ sĩ Năm Nghĩa và bà bầu Thơ nổi tiếng của gia tộc Thanh Minh - Thanh Nga. Thế hệ con cái nối tiếp có NSƯT Thanh Nga làm rạng danh dòng họ, và Bảo Quốc là em của Thanh Nga cũng lẫy lừng danh tiếng. Nhưng thời Bảo Quốc còn trẻ, không ai nghĩ ông sẽ thành nghệ sĩ hài, bởi bà bầu Thơ có gánh hát riêng nên ông Năm Nghĩa chú tâm đào tạo cậu con trai thành kép đẹp, kép mùi. Thật sự Bảo Quốc rất đẹp, xứng làm kép chứ đâu ai nghĩ làm "hề". Nhưng Bảo Quốc lại mê đá banh hơn mê hát, dù cha ông kèm cặp thế nào ông cũng tranh thủ ôm trái bóng chạy đi. Mãi đến khi cha mất, ông mới tỉnh ngộ và chuyên tâm vào sân khấu. Nhưng đoàn Thanh Minh - Thanh Nga lúc bấy giờ đang có một loạt kép lẫy lừng như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường…, làm sao Bảo Quốc chen chân nổi. May lúc ấy vở Hiệp sĩ mù ra đời và Bảo Quốc được giao vai chính, rồi đoạt luôn giải Thanh Tâm 1968. Đó cũng là vai kép mùi duy nhất trong đời ông.
Rồi chiến tranh lan tràn, gánh hát bấp bênh, sau 1975 mới gượng dậy với hàng loạt vở: Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Bóng tối và ánh sáng… Khi đó đoàn Thanh Nga lại có NSƯT Thanh Sang luôn giữ vai kép chánh, với NSƯT Thanh Nga thành một cặp tuyệt vời. Thế là Bảo Quốc được phân công đóng vai Chương Hầu, Vô Đạo, Y xì ke - những vai trở thành bệ phóng cho ông đi theo con đường diễn hài, thành công ngoài tưởng tượng.
Bảo Quốc hay nói: "Ở đời có cái duyên, đâu ai lường trước được. Tốt nhất mình nên đón nhận vui vẻ, rồi tận tâm với vai trò của mình, thì trời không phụ, tổ không phụ. Kêu làm "hề" thì tôi cứ làm, miễn sao cả vở, cả đoàn thành công là được. Nhưng đóng hề riết cũng thích lắm, thế là theo luôn". Hồi đó vai hài trong gánh cải lương được gọi là "hề", có khi thấy nhẹ, nhưng có khi cũng được trọng vọng, như hề Văn Hường lãnh lương gần bằng kép chánh. Bảo Quốc đóng hề mà không ngờ khán giả yêu mến quá xá, từ đó ông nổi tiếng và được mời sang đóng kịch, đóng phim, được gọi là "danh hài" một cách xứng đáng.
HÀI SẠCH, HÀI DUYÊN
Bảo Quốc có gương mặt tròn tròn, bụ bẫm, trông rất phúc hậu, đó cũng là lợi thế của ông. Ông luôn toát ra vẻ thơ ngây, hồn nhiên, hiền lành, nên diễn hài trông rất dễ thương. Câu "tâm hiện tướng" đúng với con người của ông. Hiếm thấy ông đóng kiểu chanh chua, đanh đá, cà chớn cà cháo. Cứ những nhân vật tồ tồ mà thành hài, hoặc nếu có "thấy ghét" đi nữa thì cũng là cái vỏ bên ngoài, còn nội tâm vẫn phúc hậu. Ngay cả nhân vật Chương Hầu trong Tiếng trống Mê Linh, là một tên phản quốc, theo xu nịnh quân Hán, chống lại nghĩa quân của Trưng Trắc, thì khán giả cũng thấy tội nghiệp hơn là căm thù. Chương Hầu xấu thật, nhưng cốt lõi vẫn là con thỏ đế, chạy mất dép khi gặp nguy. Bảo Quốc tạo hình cho Chương Hầu cứ co ro cúm rúm không dám đứng thẳng lưng trước mặt Tào Quyên, Mã Tắc, còn khi gặp Hai Bà Trưng thì tự nhiên ễnh ngực ra vô cùng tức cười, tưởng khí phách ai ngờ rất "hề". Vài chi tiết vậy thôi đủ thấy Bảo Quốc dụng tâm cho nhân vật.
Vở Bên cầu dệt lụa, Bảo Quốc và Hùng Minh tạo thành một cặp công tử bột Hiếu Danh - Vô Đạo chuyên ăn hiếp Trần Minh. Bảo Quốc vai Vô Đạo khôn lỏi, đứng ngoài đốc xúi Hiếu Danh đánh Nhuận Điền, giọng rất "anh chị", ai ngờ cũng chạy mất dép. Xuất hiện không nhiều, nhưng Bảo Quốc gây ấn tượng rất mạnh. Đến Y xì ke trong Bóng tối và ánh sáng, Bảo Quốc lại chứng minh tài năng đóng tuồng xã hội, rất giản dị, chân thật, nhưng giấu bên trong là sự điêu luyện. Một anh chàng nghiện ngập, bụi đời, quay về nhà tìm ông bố tư sản và chôm chỉa đồ nhà. Chỉ vậy thôi, mà Bảo Quốc gây thích thú cho khán giả bằng cái vẻ lè nhè, nhừa nhựa, và không kém xéo xắt. Trong cảnh tranh tối tranh sáng sau 1975, Y xì ke càng dễ nhận ra bản chất của ông bố, nên không ngại bóc phốt, hù dọa ông. Nhưng người xem vẫn thấy nhân vật rất dễ thương.
Từ đó Bảo Quốc được mời đóng phim và kịch tới tấp, chưa kể ông còn lập nhóm tấu hài tung hoành khắp nơi. Trên Đài truyền hình TP.HCM - HTV ông chuyên đóng vai Ngọc hoàng của Trong nhà ngoài phố, vì gương mặt thánh thiện. Với kịch, khán giả nhớ nhất vai người chồng trong vở Mướn chồng (sân khấu Phú Nhuận) đóng cặp với NSND Hồng Vân, một nhân vật hiền lành, chân chất, dí dỏm đã thay đổi được trái tim bà chủ, rồi họ yêu nhau. Với Cánh đồng gió, Bảo Quốc là ông Sáu nông dân tưng tửng kiểu miền Tây Nam bộ khiến khán giả cười lộn ruột, nhưng trái tim thì quắt quay với mối tình đơn phương mấy chục năm làm người ta phải nhói lòng.
Bảo Quốc tâm sự: "Tôi rất sợ mình lên sân khấu mà vô tình nói hoặc diễn gì đó khiến khán giả hiểu lầm. Diễn xong, về nhà tôi thường "kiểm" lại xem có sơ suất gì không, hôm sau phải bỏ ngay. Tôi không muốn mình lấy tiếng cười khán giả bằng bất cứ giá nào. Diễn hài "nguy hiểm" ở chỗ mình thấy khán giả cười rồi mình cứ làm tới. Cười có muôn kiểu, không khéo thì mình trượt đi lúc nào không hay". (còn tiếp)
Bình luận (0)