Ngày 16.12, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM tổ chức hội nghị khoa học kỹ thuật. Hội nghị có 36 bài báo cáo khoa học, trong đó có 3 báo cáo liên quan đến việc cấy ốc tai điện tử.
Theo TS-BS Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, bệnh viện đã cấy ốc tai điện tử cho gần 600 ca sau 25 năm triển khai kỹ thuật này.
Người được chỉ định cấy ốc tai điện tử là từ 12 tháng tuổi trở lên, có tình trạng nghe kém hoặc điếc sâu (trên 90dB) ở 2 tai, trước hoặc sau khi biết nói; người đã sử dụng máy trợ thính nhưng không có hiệu quả hoặc hiệu quả kém; não không có tổn thương, dây thần kinh số 8 bình thường; cấu trúc ốc tai bình thường không có dị dạng, không bị vôi hóa toàn bộ…
Quá trình phẫu thuật, theo dõi và thực hiện nghiên cứu, các bác sĩ tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM nhận định, sau cấy ốc tai điện tử, chất lượng cuộc sống, nhận biết âm thanh và cảm nhận âm thanh của người bệnh được nâng cao; phát âm và tâm lý của bệnh nhân được tốt hơn.
Theo TS-BS Lê Trần Quang Minh, nghe kém là một trong những khiếm khuyết về mặt giác quan thường gặp nhất, ảnh hưởng rất nhiều tới khả năng hòa nhập cuộc sống của bệnh nhân. Đặc biệt ở trẻ em, những trẻ em nghe kém mức độ nặng, sâu nếu không được hỗ trợ sức nghe đầy đủ, ngôn ngữ và trí tuệ không phát triển sẽ trở thành gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.
Có rất nhiều thiết bị hỗ trợ cho công tác phục hồi chức năng nghe kém cho cả người lớn và trẻ em. Tùy thuộc vào mức độ nghe kém, dạng nghe kém mà sẽ có những thiết bị hỗ trợ nghe khác nhau như máy trợ thính, thiết bị cấy ghép đường xương; máy trợ thính đường xương, ốc tai điện tử…
Tuy nhiên, việc cấy ốc tai điện tử cũng không khỏi tránh được một số biến chứng đã được nghiên cứu và báo cáo tại hội nghị.
Nghiên cứu ở 372 trẻ dưới 16 tuổi được phẫu thuật cấy ốc tai điện tử trong 13 năm (2010 - 2023) tại Trung tâm Tai mũi họng và phẫu thuật cấy ốc tai (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) và Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
Kết quả cho thấy có 15% trẻ bị biến chứng sau cấy ốc tai điện tử. Biến chứng thường gặp nhất là hỏng thiết bị hoặc thiết bị không hoạt động phải thay thế. Biến chứng thường gặp thứ hai là viêm tai giữa dai dẳng rất khó điều trị. Nghiên cứu nhận định, vấn đề dị dạng tai trong làm tăng độ khó khi phẫu thuật và có khả năng biến chứng sớm hơn so với tai trong bình thường...
Bình luận (0)