“Mục tiêu của dự án ngoài việc bảo vệ hơn 2.000 ha san hô bao quanh Côn Đảo còn giúp ngư dân, khách du lịch hiểu rõ tầm quan trọng của những rạn san hô đang có nguy cơ mai một”, ông Trần Đình Huệ, Phó giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), nhấn mạnh khi nói về dự án phục hồi rạn san hô ở Côn Đảo.
San hô bị suy giảm nghiêm trọng
Vùng biển Côn Đảo đa dạng về sinh học và có độ phủ san hô rất lớn (khoảng 65%) khó có nơi nào so sánh được. Tuy nhiên nhiều năm qua, những tác động của tự nhiên và con người đã làm cho hệ sinh thái san hô biển Côn Đảo suy giảm.
Theo ông Huệ, từ thực trạng trên, năm 2016, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo báo cáo với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang tìm cách “cứu” san hô. Các chuyên gia đề xuất UBND tỉnh thực hiện dự án "Lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại Khu ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo” do PGS - TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang làm chủ nhiệm, với mục tiêu phục hồi và phát triển diện tích 40 ha san hô ở biển Côn Đảo.
|
|
Xuống đáy biển "cấy" san hô
Sau khi đề xuất, từ năm 2017 nhóm thực hiện dự án xác định có ba vùng ở Côn Đảo mà san hô phục hồi chậm: bãi Đất Dốc, Hòn Tài, hòn Bãi Cạnh. Từ đó nhóm đề ra phương án sẽ “cấy” 2.500 tập đoàn (cành) san hô trong diện tích khoảng 3 ha (mỗi vùng 1 ha) ở các địa điểm kể trên.
Sau đó hai chuyên gia với sự hỗ trợ của bình thở ôxy, máy định vị và dụng cụ chuyên môn được thuyền kéo đi dọc biến khảo sát với tốc độ 3 - 5 km/giờ để lặn, ghi chép số liệu, thông số liên quan đến hệ sinh thái san hô. Các chỉ tiêu đánh giá bao gồm độ phủ san hô cứng, san hô mềm, san hô chết theo thang bậc từ 0 - 5.
Theo ông Huệ, căn cứ trên kết quả khảo sát, nhóm thực hiện đã lựa chọn phương pháp phục hồi san hô trên nền đáy tự nhiên (từng có san hô nhưng bị suy thoái) và nền đáy nhân tạo (trước đó không có san hô). Với phương pháp phục hồi san hô trên nền đáy tự nhiên, thợ lặn sẽ cắt các cành ở nơi khác, sau đó cố định các cành san hô này trên các tấm bê tông, cọc sắt, thềm san hô chết... được cố định dưới mặt biển.
|
Còn phương pháp phục hồi trên nền rạn nhân tạo là sử dụng vật liệu đúc thành giá thể (hình dáng như bồn hoa) theo kiểu reefball (đá ngầm). Những giá thể này có hai đáy, cao khoảng 0,8 m, rộng 0,6 m, có độ dày 5 cm. Sau đó khoảng 10 cành san hô dài 10 - 20 - 30 cm sẽ được ghép vào từng bồn bê tông này rồi di chuyển, cố định dưới đáy biển ở độ sâu 7 - 8 m. Những cành san hô “cấy” đều được đeo thẻ để tiện cho việc kiểm tra theo định kì. Bảy loài san hô thuộc ba giống Acropora, Montipora, Pocilloporavà hai họ là Acroporidae và Pocilloporidae được lựa chọn để phục hồi.
Ngư dân góp phần bảo vệ "lá chắn thép"
Ông Huệ cho hay dự án sẽ thực hiện trong 3 năm, từ 2018 - 2020. Trong năm 2018, dự án thực hiện phương pháp phục hồi san hô trên giá thể nhân tạo ở hòn Bãi Cạnh với diện tích 1 ha. Tổng cộng đã có 150 bồn với 1.560 cành san hô được cấy ghép.
Đến nay tỷ lệ san hô phục hồi đạt trên 95%. Các cành san hô nhú mầm chừng 2 cm và dự kiến trong vòng một năm cao 15 - 20 cm. Sau 2 - 3 năm, những nhành san hô cấy ghép này phát triển như những nhành san hô bình thường. Những giai đoạn tiếp theo, nhóm thực hiện tập trung phục hồi rạn san hô trên nền đáy tự nhiên.
|
|
Kinh phí thực hiện toàn bộ dự án kéo dài trong 3 năm dự kiến khoảng 1,4 tỉ đồng và ở giai đoạn 1 đã chi 600 triệu đồng. Mức kinh phí trên được nhìn nhận chưa phải là cao nhưng dự án sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt cho biển Côn Đảo.
Kỹ sư Nguyễn Văn Vững, một trong những thành viên thực hiện dự án, cho biết hầu hết các loại động và thực vật biển coi san hô như là ngôi nhà, thậm chí nhiều loài còn trú ngụ trong san hô suốt cả vòng đời. Nhiều loài dù không thường xuyên ở nhưng đến mùa sinh sản chọn san hô để sinh nở, nuôi dưỡng… Nếu không có rạn san hô thì phần lớn các loài thủy sinh ở biển sẽ khó có cơ hội tồn tại, sống sót. Ngoài ra, san hô còn có vai trò điều hòa khí hậu ở vùng biển, phục vụ cho du lịch lặn biển ngắm biển.
“Những rạn san hô có tầm quan trọng như vậy nhưng đối với ngư dân, khách du lịch biển lại chưa nhận thức hết”, ông Huệ khẳng định việc triển khai dự án để bảo vệ quần thể san hô phong phú đa dạng rộng 2.000 ha san hô, với hơn 300 loài san hô cứng ở độ sâu khoảng 20 m như “lá chắn thép” bao quanh, bảo vệ biển khu vực Côn Đảo.
|
|
Quan trọng hơn, dự án này còn hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhất là ngư dân trong việc bảo vệ san hô. Ở những giai đoạn tới, ngư dân Côn Đảo cùng với nhóm thực hiện phục hồi san hô. Ngư dân sẽ được trả tiền để đi lặn lấy giống và cấy san hô cùng với các chuyên gia của dự án.
“Qua những việc làm như vậy để ngư dân thấy rằng việc bảo vệ san hô rất quan trọng và cần phải bảo vệ. Trong giai đoạn 1 đã tập huấn cho 40 ngư dân về giá trị của san hô và cách thức trồng, phục hồi”, ông Huệ cho biết về hiệu quả khi triển khai thực hiện dự án này. Ngư dân không những có thêm chi phí mà trong quá trình “cấy” san hô, họ càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm trong việc góp phần bảo vệ hệ sinh thái - bảo vệ nguồn lợi biển bao đời nay đã nuôi sống họ.
1 km2 san hô mang lại giá trị 700.000 USD Thông tin từ dự án, tuy chỉ chiếm khoảng 0,1% diện tích toàn cầu nhưng rạn san hô là hệ sinh thái có vai trò quan trọng nhất của đại dương, góp phần cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp 10% tổng sản lượng nghề cá trên thế giới. Ở Philippines, trung bình 1 km2 rạn san hô có thể mang lại 108.000 USD từ nghề cá, 400.000 USD từ du lịch, và mỗi km2 rạn sẽ tiết kiệm 190.000 USD chi phí cho việc bảo vệ vùng bờ hàng năm. Tại Việt Nam, việc cấy ghép, khôi phục san hô còn được thực hiện ở một số vùng biển như Rạn Trào (Khánh Hòa), Hòn Ngang (Bình Định), Cô Tô (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang)... |
Bình luận (0)