Cây thước kẻ và những cái chết ‘bình thường’

14/01/2015 08:52 GMT+7

Giáo dục bằng đòn roi là đúng hay sai? Cô giáo dùng thước đánh học trò, có tội hay là không có tội? Những vấn đề thật nóng hổi, cấp bách và đầy tính nhân văn. Chẳng trách cộng đồng mạng cứ tranh luận hoài chưa dứt.

Giáo dục bằng đòn roi là đúng hay sai? Cô giáo dùng thước đánh học trò, có tội hay là không có tội? Những vấn đề thật nóng hổi, cấp bách và đầy tính nhân văn. Chẳng trách cộng đồng mạng cứ tranh luận hoài chưa dứt.

Hình ảnh cô giáo V. đến thắp nhang tại đám tang của học trò vẫn là vấn đề gây tranh luận trong cộng đồng mạng - Ảnh: Ngọc Lê
 
Chỉ có điều, trong lúc chúng ta còn đang cãi nhau thì một đứa trẻ nữa lại vừa tử vong ngay trong giờ học. Không cần đến ngọn roi, hay bất kỳ lời mắng nhiếc nào.
Tôi đang muốn nói đến y tế học đường - sự đảm bảo tối thiểu cho con cái chúng ta được an toàn khi ở trường.
Trên lý thuyết, lũ trẻ được bảo vệ bởi Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Giáo dục, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cùng với hàng tá văn bản pháp quy liên quan tới công tác y tế học đường. Chúng ta có ngành y tế, ngành giáo dục, các bộ, ngành liên quan và UBND các cấp cùng tham gia triển khai. Chúng ta có rõ ràng 3 nhiệm vụ của y tế học đường. Chúng ta có quy định về sổ sức khoẻ, hồ sơ bệnh tật, phiếu khám sức khoẻ định kỳ để chuyển theo học sinh, sinh viên khi chuyển cấp, chuyển trường - cũng trên lý thuyết.
Nhưng trong số các bậc phụ huynh sẵn sàng đạp đổ cổng trường để nộp đơn xin học cho con, có bao nhiêu người từng bước chân vào phòng y tế? Bao nhiêu người từng cầm trên tay hồ sơ sức khỏe của con khi chuyển trường? Bao nhiêu người từng ghé mắt, hơn một lần, vào những dòng chữ trên tờ phiếu khám sức khỏe đầu năm?
Tờ phiếu đó là để đảm bảo các em đều có đủ sức khỏe học tập, đồng thời tìm ra những em có tiền sử bệnh lý để khuyến nghị chế độ giáo dục phù hợp, như miễn tham gia một số môn thể dục, tránh những hoạt động gây áp lực lên hệ tim mạch, thần kinh... Nhưng chúng ta, nhà trường, phụ huynh, học sinh, cơ quan y tế đều coi đó chỉ là một thủ tục qua loa cho xong chuyện. Thị lực học sinh được ghi theo độ kính, tiền sử bệnh tật được ghi theo lời khai của những đứa trẻ, và rất thường xuyên, được bỏ qua.
Những số liệu đó rồi đi đâu, về đâu? Hẳn là chúng có mặt đầy đủ trong các thống kê, báo cáo. Và chỉ thế thôi. Ít cô giáo nào khi nhận lớp được nhận kèm theo một bản hồ sơ sức khỏe học sinh; càng không có chuyện cô giáo chủ nhiệm họp cùng các giáo viên bộ môn để cập nhật tình hình sức khỏe học sinh trong lớp; và một hồ sơ sức khỏe qua các cấp học mới chỉ là kỳ vọng nằm trên giấy. Nếu đủ quan tâm, các cô cũng chỉ biết về bệnh tình của các em qua những cuộc chia sẻ giữa cô trò, giữa phụ huynh với giáo viên, hay vài dòng vắn tắt có thể ghi, có thể không trong cuốn sổ liên lạc. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên nếu một giáo viên thể dục không biết học sinh mình bị suy tim, một giáo viên dạy kỹ thuật không biết trong lớp có học sinh mắc bệnh.
Tất cả những việc ấy, có nhiêu khê và tốn kém đến nỗi phải ca bài ca “yếu và thiếu" như một lời bao biện hay không?
Nếu là một nhà nghiên cứu y tế giáo dục, tôi sẽ có nhiều hơn các chứng cứ để đưa ra. Nhưng ngay cả bây giờ, khi không có số liệu nào trong tay, thì bạn, tôi, chúng ta hẳn đều chẳng xa lạ gì với những cuốn sổ với chỉ toàn hai chữ “bt” (bình thường). Bình thường đến mức quên rằng, qua loa đại khái trong bất cứ việc nào cũng là tắc trách, nhưng qua loa trong y tế là một sự nhẫn tâm. Bình thường đến mức quên rằng, bệnh hình thức có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, nhưng hình thức trong cả việc quan tâm đến sinh mệnh trẻ con, thì đó là một tội ác.
Thế mà chúng ta, những người lớn tràn đầy lòng nhân hậu, không bao giờ dám đánh trẻ con dù chỉ bằng một cây thước, khi nhìn những cuốn sổ “bình thường” ấy, lại hoàn toàn cảm thấy... bình thường.
Để rồi đến một lúc nào đó, khi những sự bình thường giết chết con em chúng ta, chúng sẽ không thể bị kết tội, không thể bị định danh. Bởi chúng không mang dáng hình, như một cây thước kẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.