CEO Hiệp hội mắc ca thế giới khuyên Việt Nam mở rộng diện tích, tăng sản lượng

12/08/2022 13:01 GMT+7

Việt Nam cần mở rộng diện tích vùng trồng mắc ca để nhanh chóng gia tăng sản lượng và tập trung vào chế biến sâu sản phẩm từ mắc ca đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của thị trường thế giới .

Đó là lời khuyên từ bà Jillian Laing, Giám đốc (CEO) của Hiệp hội Mắc ca thế giới (WMO-World Macadamia Organization) với ngành mắc ca tại Việt Nam sau chuyến khảo sát tại Lâm Đồng từ ngày 4 - 5.8.

Bà Jillian Laing, CEO VMO (đứng thứ 4 từ bên trái qua) và ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam (đứng thứ hai từ bên phải qua) dự lễ ra mắt VMO tháng 5.2022, tại Dubai, UAE

Phan Hậu

Chế biến sâu, đa dạng sản phẩm từ mắc ca

Chuyến thăm của bà Jillian Laing nối tiếp sau chuyến công tác Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lootah, Ibrahim Lootah (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE) tháng 6 vừa qua cho thấy, ngành mắc ca Việt Nam thu hút sự quan tâm đặc biệt của doanh nghiệp nước ngoài.

Trong 2 ngày ở Lâm Đồng, bà Jillian Laing đi khảo sát nhiều vùng trồng mắc ca của nông dân, doanh nghiệp; đến thăm cơ sở chế biến, kinh doanh mắc ca: Công ty TNHH Mắc ca Mai Thao (H.Di Linh); Công ty TNHH Hoàng Anh Maca (xã Ka Đơn, H.Đơn Dương) và vườn ươm cây giống Công ty TNHH MTV Him Lam Mắc ca.

Chia sẻ sau chuyến đi, đại diện WMO rất ấn tượng với sự phát triển của ngành mắc ca Việt Nam khi các vườn ươm, cơ sở sản xuất giống ghép chất lượng, đây là cơ sở mở rộng vùng trồng. Cơ sở chế biến mắc ca tại Lâm Đồng có tư duy sáng tạo trong thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm đẹp mắt, hấp dẫn khách hàng. Sản phẩm mắc ca đã được giao dịch kinh doanh trên nhiều sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng online.

Bà Jillian Laing thăm quan vườn ươm cây giống của Công ty TNHH Him Lam Mắc ca tại Lâm Đồng

Phan Hậu

Nhưng theo bà Jillian Laing, sản phẩm mắc ca Việt Nam phổ biến hiện nay là hạt sấy khô, nhân sấy, ép dầu. Trong khi trên thế giới, mắc ca được chế biến đa dạng, phong phú thành các sản phẩm như nhân hạt mắc ca tẩm các loại gia vị, snack, bột dinh dưỡng, creamer…

Một điểm chung được bà Jillian Laing ghi nhận là nhiều cơ sở chế biến phản ánh, sản lượng nguyên liệu mắc ca đầu vào không đáp ứng nhu cầu đặt hàng, công suất sản xuất. Chất lượng hạt mắc ca chưa đồng đều khi các cơ sở chế biến thu gom từ người trồng nhỏ lẻ.

Theo đó, đại diện VMO khuyến nghị, Việt Nam cần đầu tư mở rộng diện tích trồng mắc ca trong những năm tới, để gia tăng nhanh chóng sản lượng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao trên thị tường thế giới. Hiệp hội mắc ca Việt Nam và các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đầu tư công nghệ chế biến sâu, nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm chế biến sâu từ mắc ca.

“WMO đã xây dựng tiêu chuẩn chất lượng nhân hạt mắc ca cho thành phẩm thương mại và xuất khẩu. Thời gian tới, WMO sẽ xây dựng các tiêu chuẩn khác như sản phẩm dầu mắc ca, tiêu chuẩn hạt mắc ca khi thu mua làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến”, bà Jillian Laing.

Khảo sát tại Công ty TNHH Mai Thao, bà Jillian Laing rất ấn tượng khi sản phẩm mắc ca có bao bì đẹp mắt, hấp dẫn khách hàng

Phan Hậu

Sẽ thành lập Viện khoa học nghiên cứu mắc ca

Không phải ngẫu nhiên Tập đoàn Lootah và VMO quan tâm đến mắc ca Việt Nam. Sau một thời gian dài khảo nghiệm và quá trình phát triển bước đầu, cây mắc ca chứng minh có thể sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao và có thể giúp nông dân vùng sâu vùng xa, miền núi làm giàu. Nhiều mô hình trồng mắc ca ở Tây Bắc, Tây Nguyên và các tỉnh nam Trung bộ đạt giá trị kinh tế vượt trội so với nhiều cây lâm nghiệp khác. Mắc ca được Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) xác định là cây trồng tái cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp theo hướng bền vững, phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, trong tháng 3.2022, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt đề án: Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để xây dựng thành ngành hàng phát triển bền vững, theo chuỗi giá trị sản phẩm từ trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, sản lượng mắc ca chế biến đạt khoảng 130.000 tấn và đạt khoảng 500.000 tấn vào năm 2050. Đến năm 2030, sản lượng xuất khẩu mắc ca đạt khoảng 400 triệu USD và đến năm 2050 đạt 2,5 tỉ USD.

Trong thời gian ở Lâm Đông, bà Jillian Laing trực tiếp đi thăm nhiều vùng trồng mắc ca tập trung của người dân và doanh nghiệp

Phan Hậu

Ông Nguyễn Lân Hùng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cho biết, để có đội ngũ nhân sự phát triển bền vững ngành mắc ca đã được Chính phủ phê duyệt, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã có thảo luận, thống nhất với Đại học Thái Nguyên xây dựng chương trình đào tạo khoảng 1.000 kỹ sư lâm nghiệp chuyên sâu về cây mắc ca. Sau khi tốt nghiệp, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam kết nối, giới thiệu đội ngũ này về làm việc tại các doanh nghiệp thành viên.

“Chúng tôi đang nghiên cứu để thành lập Viện khoa học chuyên nghiên cứu về mắc ca từ chọn giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh cho đến chế biến sâu các sản phẩm mắc ca. Dự kiến sau 2025 khi có nhiều vùng trồng mắc ca tập trung với diện tích lớn bắt đầu cho thu hoạch, các doanh nghiệp của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam sẽ đầu tư nhà máy chế biến hiện đại để sản xuất các sản phẩm mắc ca tinh chế, cao cấp có giá trị kinh tế cao”, ông Hùng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.