"Không!!! Chúng tôi là start-up (khởi nghiệp) mới 2 năm, Trung Quốc họ đã làm được 10 năm. Về giá cả, hiện chúng tôi chưa đủ cạnh tranh, đó là thực tế. Tuy nhiên, tôi nghĩ là những doanh nghiệp có tầm và có tâm tham gia vào ngành công nghiệp xanh này đều phải đi đường dài. Tùy vào công ty lâu năm hay start-up nhưng ở mỗi giai đoạn phát triển họ đều có chiến lược khác nhau bao gồm cả chúng tôi. Có những công ty phải trong giai đoạn đánh đổi, đầu tư trước, tập trung vào phát triển sản phẩm. Có công ty lại ở giai đoạn tập trung phát triển thị trường, có công ty đã ở giai đoạn tìm kiếm lợi nhuận, lúc này họ quay lại tối ưu giá thành.
Khách hàng của VinES rất đa dạng và tất nhiên ai cũng khắt khe về giá thành nhưng tôi nghĩ ngoài câu chuyện giá, chất lượng pin cũng quan trọng không kém trong mắt họ. Việc đưa giá pin về mức cạnh tranh vẫn cần có một quá trình, nó phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu của khách hàng lẫn quy mô của chúng tôi", bà Phạm Thùy Linh - CEO VinES chia sẻ khi được PV Thanh Niên hỏi về khả năng cạnh tranh giá bán với các công ty pin Trung Quốc vốn đã chiếm ưu thế trong việc cung cấp pin xe điện cho các hãng xe có quy mô lớn trên toàn cầu.
Quả thực, việc một công ty còn non trẻ như VinES có thể tự tin cạnh tranh được về giá với các công ty Trung Quốc là điều không thể ở thời điểm hiện tại, trừ khi họ có đột phá lớn trong việc nghiên cứu công nghệ lõi giúp giảm giá thành sản xuất và tăng mật độ, tuổi thọ pin. Nhưng rõ ràng, chuyện này không hề dễ dàng.
Bản thân các công ty Trung Quốc có được sự lớn mạnh về công nghệ như vậy ở thời điểm này phần lớn nhờ vào cú hích từ chính sách ưu tiên xe điện nhằm giảm ô nhiễm ở đô thị trong thập kỷ qua do những biến đổi khí hậu từ hậu quả của việc phát triển kinh tế thần tốc trước đó.
Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn nhu cầu xe điện tại đây tăng vọt cả về lượng lẫn chất, kéo theo ngành công nghiệp phụ trợ bao gồm ngành cung ứng pin. Bằng chứng là 6/10 công ty pin lớn nhất thế giới thuộc về Trung Quốc, điển hình là CATL khi đứng đầu liên tiếp trong 6 năm, vượt qua các công ty gạo cội như Panasonic (Nhật Bản), LG Chem/Samsung SDI (Hàn Quốc) dù mới thành lập vào năm 2011.
Không chỉ mạnh về sản lượng, các công ty đến từ Trung Quốc có nhiều đột phá về công nghệ trong những năm gần đây, cân bằng với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là pin thể rắn nhưng đáng chú ý hơn hẳn là công nghệ thay thế lithium bằng natri - nguyên liệu phổ biến hơn nhiều nhưng lại an toàn, bền bỉ và giá rẻ hơn đáng kể. Theo một thống kê, Trung Quốc hiện chiếm hơn 50% bằng sáng chế liên quan tới pin natri-ion trên thế giới với 7/10 hãng đóng góp nhiều bằng sáng chế nhất thuộc về nước này.
Có thể thấy với ưu thế cực lớn về nguồn nguyên liệu, sản lượng, hậu thuẫn hết mình từ chính phủ và những đột phá về công nghệ của các hãng pin Trung Quốc gần đây bản thân các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc có thâm niên nhiều thập kỷ cũng đang gặp khó chứ đừng nói tới một công ty có tuổi đời chưa tới 2 năm như VinES có thể cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, dù không tự tin cạnh tranh về giá nhưng CEO VinES vẫn tự tin công ty có những lợi thế nhất định so với các hãng pin Trung Quốc trong mắt đối tác.
Những lợi thế đó là gì sẽ được Thanh Niên đề cập trong bài tiếp theo…
Bình luận (0)