Sáng 19.3, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ "đại án" xảy ra tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (gọi tắt là Tập đoàn Tân Hoàng Minh).
Hàng ngàn nhà đầu tư được triệu tập tới tòa
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, 15 bị cáo cùng bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Đỗ Hoàng Việt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, con trai ông Dũng.
Ngoài ra còn có Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (gọi tắt là Công ty Ngôi Sao Việt); Trần Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil (gọi tắt là Công ty Soleil); Nguyễn Khoa Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Cung Điện Mùa Đông…
Ghi nhận của Thanh Niên, ngay từ sớm, an ninh xung quanh khu vực trụ sở TAND TP.Hà Nội được siết chặt. Rất đông lực lượng bảo vệ, cảnh sát hỗ trợ tư pháp được huy động, nhằm bảo đảm trật tự.
Do vụ án có tới 6.630 nhà đầu tư được xác định là bị hại, tòa án dựng một rạp lớn ngoài trời, với sức chứa khoảng 500 chỗ ngồi. Một màn hình lớn kèm theo hệ thống âm thanh được lắp đặt, truyền dữ liệu từ hội trường xét xử ra ngoài, để phục vụ những người tham gia tố tụng.
Xét xử vụ Tân Hoàng Minh: Bị cáo Đỗ Anh Dũng khai chưa từng nghĩ lừa tiền nhà đầu tư
Khoảng 6 giờ 30, một số nhà đầu tư đã có mặt tại trụ sở TAND TP.Hà Nội làm thủ tục tham dự phiên xét xử. Được biết trong số 6.630 bị hại, nhiều người có đơn xin xét xử vắng mặt.
Đến khoảng 7 giờ 30, các bị cáo lần lượt được dẫn giải tới tòa, nhanh chóng di chuyển vào hội trường xét xử. Theo bố trí của tòa án, phóng viên báo chí ngồi tại phòng riêng, theo dõi diễn biến và đưa tin thông qua màn hình tivi.
Phiên tòa xét xử vụ án Tân Hoàng Minh dự kiến kéo dài trong vòng 20 ngày. Hội đồng xét xử gồm 5 thành viên, do thẩm phán Nguyễn Xuân Văn làm chủ tọa. 5 kiểm sát viên được phân công đại diện Viện KSND TP.Hà Nội thực hiện quyền công tố tại tòa. Có gần 30 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.
Chiếm đoạt hơn 8.600 tỉ đồng của 6.630 nhà đầu tư
Tài liệu điều tra xác định, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường bất động sản "đóng băng", Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn về tài chính, dư nợ tín dụng rất lớn.
Để giải quyết vấn đề, ông Dũng chỉ đạo con trai Đỗ Hoàng Việt tìm phương án huy động vốn cho tập đoàn. Hai cha con thống nhất chủ trương sử dụng các pháp nhân thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu riêng lẻ, sau đó hợp thức trái chủ, sử dụng pháp nhân của tập đoàn, bán cho nhà đầu tư.
3 công ty được lựa chọn gồm Ngôi Sao Việt, Soleil và Công ty CP Cung Điện Mùa Đông. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của 3 pháp nhân này đều không đủ điều kiện. Bị cáo Việt chỉ đạo cấp dưới chỉnh sửa thông tin trong các báo cáo tài chính không đúng với thực tế. Nhờ vậy, 3 công ty phát hành 9 gói trái phiếu, với tổng trị giá 10.300 tỉ đồng.
Cùng thời điểm, ông Dũng ủy quyền cho cấp dưới ký hợp đồng giả cách, "chạy dòng tiền" mua lại 9 gói trái phiếu mà nhóm công ty con đã phát hành.
Xem nhanh 12h ngày 19.3: Xét xử cha con Chủ tịch Tân Hoàng Minh
Tin tưởng các gói trái phiếu được phát hành đúng quy định, Tập đoàn Tân Hoàng Minh lại là doanh nghiệp lớn và có thương hiệu, hàng ngàn nhà đầu tư (phần lớn không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp) đã ký hợp đồng đầu tư để trở thành chủ sở hữu 9 gói trái phiếu.
Viện KSND tối cao xác định, Tập đoàn Tân Hoàng Minh thu về gần 14.000 tỉ đồng. Bị cáo Đỗ Anh Dũng chỉ đạo sử dụng số tiền này để trả nợ, mua cổ phần, chi tiêu cá nhân… không đúng mục đích, phương án phát hành trái phiếu. Trong đó, hơn 5.100 tỉ đồng là tiền của nhà đầu tư sau được dùng để trả cho nhà đầu tư đến hạn trước.
Hậu quả, 6.630 nhà đầu tư bị chiếm đoạt hơn 8.600 tỉ đồng. Đến nay, các bị cáo cùng gia đình và pháp nhân liên quan đã nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra tổng số tiền hơn 8.600 tỉ đồng, đủ khắc phục toàn bộ hậu quả.
Bình luận (0)