'Cha đẻ' cừu nhân bản vô tính Dolly qua đời ở tuổi 79

11/09/2023 22:41 GMT+7

Nhà khoa học Anh Ian Wilmut, người phụ trách nhóm nghiên cứu tạo ra cá thể động vật có vú bằng cách nhân bản vô tính đầu tiên trên thế giới, đã qua đời ở tuổi 79.

Tin tức trên được Đại học Edinburgh (Scotland, Vương quốc Anh), nơi ông Wilmut từng công tác, công bố ngày 11.9, theo AFP.

Ông Wilmut đã dẫn dắt nhóm nghiên cứu tại Viện Roslin thuộc Đại học Edinburgh trong quá trình tạo ra cừu Dolly vào năm 1996. Dolly là cá thể động vật có vú đầu tiên trên thế giới ra đời bằng phương pháp nhân bản vô tính từ tế bào trưởng thành, một bước đột phá thu hút sự chú ý toàn cầu vào thời điểm đó.

Thành tựu quan trọng này đã dẫn đến những tiến bộ mới trong nghiên cứu động vật và y học, đồng thời cũng đặt ra câu hỏi về khả năng nhân bản con người và khơi mào cuộc tranh luận toàn cầu về đạo đức của phương pháp nhân bản vô tính.

'Cha đẻ' cừu nhân bản vô tính Dolly qua đời ở tuổi 79 - Ảnh 1.

Nhà khoa học Ian Wilmut và cừu Dolly khi ông còn sống

CHỤP MÀN HÌNH FORTUNE

Công trình của ông Wilmut và cộng sự đã đặt nền móng cho nghiên cứu tế bào gốc, công nghệ giúp chữa trị nhiều căn bệnh tuổi già bằng cách cho phép cơ thể tái tạo các mô bị tổn thương. Di sản của ông là tạo ra một lĩnh vực được gọi là y học tái tạo, có tiềm năng to lớn trong việc giúp con người sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn.

Peter Mathieson, Phó hiệu trưởng Đại học Edinburgh, ca ngợi ông Wilmut là "người khổng lồ của thế giới khoa học", nói công trình nhân bản cừu Dolly "đã thay đổi tư duy khoa học vào thời điểm đó".

"Công trình đột phá này đã thúc đẩy nhiều tiến bộ trong lĩnh vực y học tái tạo mà chúng ta thấy ngày nay", AFP dẫn lời ông Mathieson.

Bruce Whitelaw, lãnh đạo Viện Roslin hiện tại, cho biết sự ra đi của ông Wilmut là "tin buồn". "Khoa học đã mất đi một tên tuổi mà ai cũng biết đến", ông cho biết.

Ông Wilmut đã nghỉ hưu tại Đại học Edinburgh vào năm 2012. Năm 2018, ông tuyên bố ủng hộ nghiên cứu mới về bệnh Parkinson, tiết lộ rằng ông đã được chẩn đoán mắc căn bệnh này. Đây là một chứng rối loạn não tiến triển, không thể chữa khỏi, có thể gây ra những cử động không thể kiểm soát như run rẩy.

"Có một cảm giác rõ ràng, ít nhất bây giờ chúng ta đã biết và chúng ta có thể bắt đầu làm mọi việc để giải quyết vấn đề đó... Cũng rõ ràng như vậy là sự thất vọng vì căn bệnh này có thể sẽ rút ngắn tuổi thọ của tôi một chút, và đặc biệt hơn là nó sẽ làm thay đổi chất lượng cuộc sống", ông nói với BBC vào thời điểm đó.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Parkinson là bệnh thoái hóa thần kinh phổ biến thứ hai sau Alzheimer và ảnh hưởng đến hơn 8,5 triệu người trên toàn thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.