Đó là hoàn cảnh vợ chồng ông Trần Văn Phương (45 tuổi) và bà Nguyễn Thị Minh Hiếu (41 tuổi, ngụ ấp 3A, TT.Bảy Ngàn, H.Châu Thành A, Hậu Giang). Hai người đang còng lưng để lo cho con trai là Trần Vũ Luân (18 tuổi) đang chuẩn bị là tân sinh viên Trường CĐ nghề Cần Thơ.
Ước mơ của cha mẹ là gì?
Sau 12 năm đèn sách, cánh cửa vào CĐ, ĐH dần mở ra thì có lúc Luân lại phân vân bước vào: nửa muốn làm sinh viên để sau này có tương lai xán lạn, nửa muốn làm công nhân để nhanh chóng phụ giúp gia đình. Không phải vì Luân không có khát vọng, đam mê được học tiếp mà vì gia cảnh em nghèo, cha mẹ đã và đang nhiều gánh nặng mưu sinh.
Tay bà Hiếu u nần vết vì vết kim tiêm hơn 15 năm lọc thận |
THANH DUY |
Những ai trong hoàn cảnh như Luân có thể hiểu được nỗi lo lắng của em. Bà Hiếu (mẹ của Luân) bị suy thận giai đoạn cuối, mỗi tuần phải lọc thận 3 lần, mỗi lần tốn hơn 300.000 đồng tiền thuốc và thuê xe. Ông Phương (cha của Luân) làm thợ hồ quanh năm. Tài sản gia đình hiện không gì hơn ngoài căn nhà mái tôn vách lá xuống cấp. Trước kia có 3 công ruộng làm vốn thì gia đình đã sang bán để có tiền chạy chữa bệnh tình cho bà Hiếu.
Gia cảnh như vậy nên Luân từng có ý định thôi học. Song, cha mẹ em nhất quyết không đồng tình, ngược lại hết lòng khuyến khích em tiếp tục đến trường. Qua tâm sự, Luân biết cha mẹ em luôn ước mơ các con được học hành đến nơi đến chốn, có nghề lập nghiệp để đỡ tấm thân, không phải suốt đời bươn chải công việc nặng nhọc.
Gia đình Luân thuộc hộ cận nghèo, không đất đai canh tác |
THANH DUY |
Luân cho biết sau khi suy nghĩ kỹ, em quyết định theo học Trường CĐ nghề Cần Thơ vì thời gian đào tạo ngắn, học phí tầm trung. Nếu sắp xếp thời khóa biểu hợp lý, học 3 năm là có thể tốt nghiệp. “Cha mẹ rất ủng hộ quyết định của em. Cha từng động viên là đừng lo nghĩ chuyện gia đình, hãy tập trung học tập cho thật tốt. Cha mẹ sẽ luôn cố gắng làm tất cả những gì trong khả năng để làm chỗ dựa cho em”, Luân xúc động kể.
Sốt ruột vì năm học cận kề
Ngành Luân chọn là Công nghệ ô tô, học phí mỗi học kỳ 4 triệu đồng. Để tiết kiệm, Luân cho biết sẽ đăng ký ở trong ký túc xá của trường (giá khoảng 300.000 - 400.000 đồng/học kỳ - PV). Theo chia sẻ của bà Hiếu, không bao lâu nữa Luân nhập học mà gia đình chưa dành dụm được bao nhiêu tiền, bởi việc lọc thận triền miên bòn rút gần hết tiền tích cóp. Thậm chí, có những khi cháy túi, ông Phương còn phải ra chợ xin tiền hỗ trợ từ những nhà hảo tâm.
“Hồi học Luân phổ thông, vợ chồng tôi cố gắng đóng xong học phí là nhẹ lo. Luân cũng biết nghĩ lắm, sáng ăn mì gói, đem thêm bình nước học hết buổi, đến trưa chạy về nhà ăn cơm nên ít tốn kém. Chuyến này đi học xa, phải tốn phí sinh hoạt hằng ngày, gia đình chưa biết có kham nổi không”, bà Hiếu bối rối.
Mặc khó khăn, gia đình vẫn quyết tâm lo cho Luân tiếp tục học hành |
THANH DUY |
Điều lo lắng của bà Hiếu có cơ sở khi gia đình hiện chỉ có trụ cột chính là ông Phương. Thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng của ông xé nhỏ cho nhiều khoản chi, gồm: tiền lọc thận cho vợ, tiền cơm nước hằng ngày, tiền hỗ trợ cho một người con sắp vào năm 3 Trường ĐH Cần Thơ (học phí được miễn vì học ngành Sư phạm - PV), tiền học cho con út chuẩn bị vào lớp 10 và sắp tới là tiền nhập học của Luân.
Thời gian Luân đi học càng cận kề, vợ chồng ông Phương càng sốt ruột. Gần đây, ngày nào thấy trong mình khỏe, bà Hiếu lãnh bán 50 tờ vé số bán, phụ tiền ăn trong nhà. Mùa mưa, việc làm hồ hay gián đoạn nên thu nhập của ông Phương cũng bấp bênh. Bà Hiếu kể, mấy hôm mưa dầm, ông Phương cứ đứng ngồi không yên vì nóng lòng đi kiếm tiền đóng học phí cho Luân. Có ngày bị cảm lạnh, sốt nhẹ ông cũng không dám nghỉ vì sợ quá thời gian đóng học phí, trường không nhận nữa thì tội nghiệp cho con.
Thấu hiểu nỗi vất vả của cha mẹ, hè này, Luân bận rộn với việc ra đồng cắm câu, bắt cá; thỉnh thoảng đi làm ‘cu li’ khi chỗ cha làm thiếu nhân công. Luân cho biết khi lên Cần Thơ em sẽ cố gắng sắp xếp đi làm thêm để phụ giúp gia đình tiền sinh hoạt phí, học thêm, mua tài liệu…
“Để em được trở thành tân sinh viên, cha mẹ phải chịu quá nhiều nhọc nhằn. Em tự nhủ phải cố gắng học thật tốt, chăm chỉ rèn luyện tay nghề để trở thành người thợ giỏi. Sau này làm việc tử tế, thu nhập ổn định và có thể sống tự lập, em nghĩ đó là món quà ý nghĩa nhất để đền ơn công sức và tấm lòng của cha mẹ”, Luân chia sẻ.
Bình luận (0)