Hành trình gian truân của cô gái “không chân”
Những ngày cuối tháng 8 này, Nguyễn Thị Thùy (ngụ thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc, H.Hậu Lộc, Thanh Hóa), học sinh Trường THPT Hậu Lộc 4, đang chuẩn bị hành trang để nhập học ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Hà Nội.
Hành trình đầy gian truân của cô bé "không chân" bước vào giảng đường đại học |
Minh Hải |
Căn nhà 50 m2 lọt thỏm trong con hẻm rộng chưa đầy sải tay ở xã Ngư Lộc - nơi có mật độ dân số lớn nhất Việt Nam, là nơi trú ngụ của 5 người trong gia đình Thùy.
Dù bị chứng cứng đa khớp, đôi chân bị co quắp không thể đi lại, nhưng hằng ngày Thùy vẫn dùng đôi tay để thay chân di chuyển giúp mẹ quét nhà, nhặt rau, nấu cơm.
Cô bé khuyết tật ngày ngày được mẹ chở bằng xe đạp đến trường nay đã sắp bước vào giảng đường đại học, nhờ nghị lực vượt qua khó khăn của số phận để vươn lên học tập.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Thùy đăng ký khối C00 với ước mơ làm cô giáo và đã đạt tổng điểm 25,5 (môn văn 8,75 điểm, lịch sử 8,5 điểm và địa lý 8,25 điểm). Tuy nhiên, mới đây Thùy thay đổi nguyện vọng, đăng ký xét tuyển học bạ và trúng tuyển vào ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Hà Nội.
Hằng ngày, Thùy vẫn giúp mẹ những việc nhẹ nhàng như quét nhà, làm rau |
Minh hải |
"Em sinh ra đã không được như các bạn cùng trang lứa, không thể đi lại bằng chân được, nhưng càng lớn, em thấy cảnh bố vất vả đi biển triền miên, mẹ nắng mưa đi mổ cá thuê khiến em càng quyết tâm học tốt để có công việc, thu nhập ổn định. Các năm học cấp 2, cấp 3 em đều là học sinh khá và giỏi. Em biết chương trình đại học sẽ khó khăn và vất vả hơn nữa, nhưng em sẽ quyết tâm học thật tốt để không phụ công mọi người”, Thuỳ chia sẻ.
Hành trình học tập của Thùy thực sự là một kỳ tích. Thùy không học tiểu học như các bạn cùng trang lứa, mà tham gia lớp học tình thương do một giáo viên ở xã dạy. Lên 11 tuổi, Thùy được đặc cách vào học lớp 6 ở Trường THCS Ngư Lộc. Kể từ đó, Thùy luôn là học sinh khá, giỏi.
Đầu gối của Thùy chai sạn do tiếp đất mỗi khi di chuyển |
Minh hải |
Bà Bùi Thị Tới (52 tuổi, mẹ của Thùy) cho biết, khi Thùy lên 8 tuổi gia đình chỉ nghĩ cho Thùy đi học lớp học tình thương để cho con vui, biết được chữ nào hay chữ đó chứ không nghĩ tới chuyện theo học hết cấp này đến cấp khác.
“Đến bây giờ, sau 10 năm đưa đón, cháu nó đã học xong cấp 3 và sắp đi học đại học rồi. Nghĩ lại như một giấc mơ vậy. Bây giờ vừa mừng lại vừa lo, ra ngoài trường đại học chắc tôi sẽ không theo cháu suốt hành trình học tập được. Tôi cũng dự định mấy hôm nữa đi cùng cháu ra trường, ở cùng cháu thời gian đầu cho quen trường, quen bạn, rồi sau đó nhờ nhà trường hỗ trợ để cháu có thể ở lại học tập một mình”, bà Tới nói.
Mong muốn có nghề nghiệp ổn định, tự nuôi sống bản thân
Gia đình Thùy thuộc diện hộ cận nghèo ở xã. Trong gia đình, không chỉ Thùy không may mắn, mà người anh trai cả của em cũng không được như người khác, không thể lao động kiếm sống dù đã trưởng thành. Người anh thứ hai đang phải đi làm thuê ở Hà Nội.
Thùy mong muốn sớm học xong đại học, có việc làm ổn định, tự kiếm tiền nuôi sống bản thân để bố mẹ đỡ vất vả |
Minh Hải |
Gánh nặng gia đình bao năm qua dựa vào người bố nay đã 57 tuổi, nhưng hằng ngày vẫn phải đi biển thuê. Còn bà Tới, vừa phải lo cơm nước chăm sóc các con, nên mỗi tháng chỉ tranh thủ được ít thời gian đi mổ cá thuê kiếm thêm được từ 1 - 2 triệu đồng/tháng.
Vì thế, mong muốn của Thùy là học xong đại học, có việc làm ổn định, có thu nhập để tự nuôi sống bản thân.
“Trước em mong muốn làm cô giáo, nhưng em mới quyết định học ngành công nghệ thông tin để sau này có thể làm công việc văn phòng, ít phải di chuyển, phù hợp với em hơn. Em chỉ mong sao sớm kiếm được tiền để bố mẹ đỡ vất vả thôi”, Thùy nói.
Nghị lực vượt qua số phận của cô bé Thùy nơi xã đảo Ngư Lộc đã là tấm gương sáng để cho các bạn trẻ noi gương. Hành trình phía trước của Thùy sẽ còn nhiều gian truân, rất mong cộng đồng có sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ của để cô bé “không chân” vững vàng hơn trên giảng đường đại học.
Bình luận (0)