Ký ức người lái đò không công đưa học sinh xã đảo đến với con chữ

20/08/2022 17:17 GMT+7

Người dân trong xóm thường gọi ông là ông hai đò. Bởi lẽ, 1/3 cuộc đời của ông là dành để lái đò đưa học sinh từ xã đảo Thạnh An sang Cần Giờ tiếp tục hành trình theo đuổi con chữ.

Gần 30 năm đưa đò không công

Gần 30 năm lái đò nhưng không lấy của đứa nào một “cắc”, ông Hồ Văn Trào (còn được gọi là ông hai Trào). Ông lão 82 tuổi gắn bó với công việc lái đò từ năm 1977 và là người đầu tiên có đò của xã đảo Thạnh An. Hành trình theo đuổi con chữ của học sinh trên đảo trước đây một phần là nhờ có ông hai Trào.

Ông hai Trào, người dành 1/3 cuộc đời để lái đò đưa học sinh xã đảo Thạnh An tới trường miễn phí

Phương Thảo

Gần đây, chúng tôi tìm đến nhà của ông hai Trào qua lời chỉ dẫn của người dân trong xóm. Vừa bước tới cổng, chúng tôi đã bắt gặp bóng dáng gầy nhom cùng mái tóc bạc phơ, nhưng dáng người vẫn còn nhanh nhạy. Ông vừa đi vừa nói từ trong nhà vọng ra “đứa nào đó bây”.

Ông hai Trào lớn lên tại một xã đảo nghèo ở huyện Cần Giờ, xung quanh bị bao bọc bởi nước biển, quanh năm sóng vỗ ào ào. Ở đây, việc đi lại rất khó khăn. Cái ghe, cái đò là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân và ông hai Trào là người lái đò tiên phong ở trên đảo.

Hồi trước, Thạnh An là một đảo nghèo, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, ngoài trường tiểu học và THCS xập xệ ra thì học sinh muốn đi học tiếp phải di chuyển qua sông Vòng Tàu sang bên Cần Giờ. Bởi lẽ đó mới có ông hai lái đò thầm lặng mà người dân ở đây thường hay gọi.

“Hai mươi mấy năm đưa qua đưa về mà có lấy cắc bạc nào đâu. Thấy tụi nó được đến trường, có được con chữ là mừng rồi”, ông hai Trào nói

PHƯƠNG THẢO

Năm 1977, ông hai Trào bắt đầu hành nghề lái đò trên dòng sông Vòng Tàu nối giữa xã đảo Thạnh An với huyện Cần Giờ. Mãi đến năm 1985, ông mới bắt đầu hành trình đưa học sinh trên đảo đến gần hơn với con chữ. Để qua được bên kia sông, học sinh phải mất 45 phút đi đò.

Khi hỏi về lý do tại sao không lấy tiền, ông hai Trào chỉ cười khà khà: “Ôi chao tiền bạc gì bây ơi, hồi xưa nghèo thấy bà, tụi nó làm gì có tiền mà lấy. Hai mươi mấy năm đưa qua đưa về mà có lấy cắc bạc nào đâu. Thấy tụi nó được đến trường, có được con chữ là mừng rồi”.

Con đò nhỏ cũng chính là công cụ mưu sinh của gia đình ông hai, nhưng chở khách thì ít mà chở chữ cho các em nhỏ thì nhiều. Và cứ như vậy, nhiều năm trôi qua, biết bao chuyến đò, bao thế hệ học sinh được tiếp tục hành trình đi tìm con chữ nhờ con đò của ông hai Trào.

Ông Hồ Đức Tiến, một trong những học sinh từng được ông hai Trào đưa đò sang Cần Giờ học tiếp cấp ba xúc động: “Nếu hồi xưa mà không có chú hai thì chắc tôi cũng chỉ học hết cấp hai rồi nghỉ về đi biển phụ gia đình chứ không có đò thì sao đi học. Mà có đò nhưng không có tiền thì cũng chịu à”.

Cực mà vui

Con đò nhỏ chông chênh giúp biết bao lứa học sinh được nên người. Theo lời kể của ông hai Trào, hồi đó khổ nên không có tiền đóng đò lớn. Đò thời đó nhỏ, mỗi lần chở được có 5-6 học sinh. Cái thân hình mảnh khảnh, dẻo dai ấy của ông hai Trào đã điều khiển con đò, chèo lái cả tương lai của biết bao thế hệ học sinh của xã đảo Thạnh An. Khi được hỏi về điều khiến ông hạnh phúc khi làm công việc này ông hai Trào vui vẻ: “Hạnh phúc chứ, nhất là nhìn tụi nó trưởng thành và thành đạt mình cũng hạnh phúc lây”.

Nghề nào cũng có cái khó cái khổ, cái “nghề” chèo lái giữa sông nước lại càng nhọc nhằn hơn! Vì mọi chuyện đều phải phó thác cho trời, cho thiên nhiên. Lúc trời yên gió lặng thì không nói làm gì, chứ trời mà giông gió thì cực trăm bề.

Khi hỏi về cái khó, cái cực trong những lần đưa đò, ông hai ngậm ngùi: “Hồi đó đò nhỏ nên gặp sự cố hoài, sương mù rồi giông gió không thấy đường nên bị lạc. Mình thì không sao, chỉ lo cho tụi nhỏ. Nhiều khi sóng lớn mấy đứa ngồi ngoài sợ bị tạt nước ướt nên cứ ngồi hết qua một bên, mà như vậy thì đò nó nghiêng sao mà lái được nên mới kêu tụi nó ráng chịu ướt một chút, lát nữa nó khô chứ ngồi vậy đò chênh nó lật. Mình thì lo vậy chứ nói bọn nó có nghe đâu. Nhiều khi cũng bực lắm”.

Cực là thế, bực bội là thế nhưng ông hai Trào không nỡ bỏ lỡ buổi học nào của mấy đứa nhóc. “Chưa bao giờ thấy nản. Vì đó là công việc của mình, trách nhiệm của mình. Chứ giờ mà mình không đi thì ai đưa sắp nhỏ đi học đây. Cực thì cực vậy chứ cũng vui lắm. Tụi nó cũng như con như cháu của mình thôi”, ông hai Trào vui vẻ nói.

Ông hai chân chất

Gần 30 năm lái đò không lấy của đứa học sinh nào một xu! Nếu trong công việc ông hai Trào luôn làm bằng cái tâm thì trong cuộc sống hàng ngày, ông là người sống ngay thẳng, phóng khoáng, cái gì ra cái đó.

Bác sĩ Luân Thanh Trường, công tác ở trạm y tế xã đảo Thạnh An, kể: “Hồi đó, ông tới mua thuốc, rồi tôi thối nhầm tiền, dư mấy trăm ngàn mà ông cũng quay lại trả tiền thừa cho tôi, chứ gặp người khác thì chắc gì người ta đã trả. Nói chung ông sống phóng khoáng, vui vẻ, cái gì ra cái đấy. Phẩm chất của một người nông dân chân chất đó, sống bằng sức lao động của mình. Sống như ổng nên ai trong xóm cũng quý”.

Là người thân thuộc, kề cận bên chồng suốt mấy chục năm nay bà Đặng Thị Nga, vợ ông hai kể thêm: “Ông mê cái nghề đò này dữ lắm, hồi trước có đau ốm gì cũng không chịu ở nhà. Khuyên ông nghỉ một hôm mà ông nhất quyết không. Đó giờ sống với ông mấy chục năm chưa thấy gây lộn, gây sự gì với ai, sống vui vẻ, chan hòa với lối xóm”.

Không chỉ đưa đò không công cho học sinh đi học, ông hai Trào còn hào phóng cho biên phòng, cán bộ, công an ở xã đảo Thạnh An quá giang qua Cần Giờ mỗi khi có việc gấp. Nhất là mỗi khi có bão, người dân trên đảo lại trông cậy vào ông hai Trào. Vì lúc trước, ở Thạnh An chưa có nhà ở kiên cố nên mỗi khi trời bão, nhờ có đò của ông mà người dân được di dời đến nơi trú ẩn an toàn.

Ông Bùi Công Lý, một cán bộ UBND xã đảo Thạnh An, cho biết ông hai Trào là một tấm gương người tốt việc tốt, một công dân đáng để học hỏi. Những việc làm của ông đã góp phần giúp ích cho bà con ở xã đảo Thạnh An.

Đến năm 2016, ông hai Trào đã gác lại công việc đưa đò của mình vì sức khỏe không còn như trước

phương thảo

Sau này khi điều kiện sống của người dân ở xã đảo Thạnh An phát triển hơn, cơ sở hạ tầng được cải thiện nên việc di chuyển bằng đò sang bên Cần Giờ cũng dễ dàng hơn nhiều. Cộng thêm việc sức khỏe không còn như trước nên đến năm 2016, ông hai Trào đã gác lại công việc đưa đò của mình. Kể từ khi ngưng lái đò, vợ chồng ông hai ở nhà tận dụng mớ tôm, mớ cá từ biển để làm mắm ruốc, nước chấm hải sản bán cho bà con trong xóm và khách du lịch để sinh sống.

Hai năm sau khi ông hai ngưng việc đưa đò cho học sinh tới trường, nhờ sự quan tâm của UBND TP. HCM, Trường THCS-THPT Thạnh An được xây dựng. Kể từ đó, con đường đến trường của học sinh trên xã đảo Thạnh An dễ dàng hơn, không còn phải vượt sông nước, đối mặt nhiều hiểm nguy như trước.

Bây giờ, mặc dù không còn làm công việc lái đò nữa, nhưng với người dân trên đảo, ông hai Trào là một phần ký ức. Với họ, ông hai vẫn là hình ảnh của một ông lái đò đáng mến, đáng quý, chân chất và giản dị.

Hạnh phúc khi được cho đi

Không chỉ là người lái đò không công, ông hai Trào còn rất mê làm việc tử tế. Hè năm nào nhà ông cũng tràn ngập tiếng cười của các cô cậu sinh viên. Theo lời kể của ông hai Trào, bắt đầu từ năm 2012 mỗi năm nhà ông đón một đoàn sinh viên chiến dịch mùa hè xanh khoảng 6-10 người. Ông cho sinh viên ăn ở, sinh hoạt miễn phí. Sinh viên xuống đây ở lại xem ông như gia đình. Ông hai cũng thương sinh viên như con, như cháu. Bên cạnh đó, đợt dịch Covid-19 năm vừa rồi khi xã đảo Thạnh An áp dụng chỉ thị 16, ông hai Trào và các thành viên trong gia đình đã nấu những suất cơm ấm lòng gửi tặng đến các y bác sĩ, các chiến sĩ phòng chống dịch tại các chốt và cả những người dân trên đảo. Với ông hai Trào, điều hạnh phúc nhất là khi được cho đi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.