Về nơi hàng triệu cây đước giữa TP.HCM

15/04/2022 16:46 GMT+7

Trời TP.HCM nắng hầm hập, bước lên ca nô trên sông len lỏi giữa những thảm xanh của hàng triệu cây đước thì thấy lồng ngực căng tràn, khoan khoái lạ thường. Di tích căn cứ Rừng Sác, H.Cần Giờ đón chúng tôi một ngày tháng 4.

Hàng triệu cây đước hồi sinh ở Rừng Sác

bảo vy

Rừng Sác - nơi đón nhận hơn 4 triệu lít chất khai quang và hơn 2 triệu tấn bom đạn trong chiến tranh, từng là một vùng đất chết, cho tới hôm nay đã hồi sinh trong những màu xanh ngút ngàn của hàng triệu cây đước và hàng trăm ngàn loài động thực vật phong phú. Rừng Sác nói riêng và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ đã trở thành lá phổi xanh của TP.HCM mà bạn trẻ nên đến ít nhất một lần trong đời.

Tháng 4, nhiều người trẻ về Rừng Sác

bảo vy

60 km từ trung tâm TP.HCM tới cổng di tích căn cứ Rừng Sác với những con đường nhựa tuyệt đẹp, hai bên là những rừng cây xanh thẳm. Cái nắng tháng 4 bên ngoài có gay gắt bao nhiêu, nhưng khi chạm đất Cần Giờ, bạn đã nghe được trong gió hơi mặn mòi của nước và thấy hơi thở khỏe khoắn từ những tầng cây màu xanh đậm.

Các bạn trẻ có thể lựa chọn đi bộ giữa đảo khỉ - nơi hàng ngàn con khỉ đang được nuôi dưỡng, bảo tồn để tới căn cứ Rừng Sác, hoặc đi ca nô để ngắm nhìn vẻ kỳ vĩ của rừng đước trên sông nước. Chiếc ca nô nghiêng rạp sang một bên ở ngã ba sông, bọt nước tung trắng xóa, ai nấy trên cano đều thấy thú vị khi được khua tay xuống dòng nước mát lạnh và ngắm nhìn gần đến như thế những cây đước đan lá vào nhau, bộ rễ đồ sộ nổi trên mặt nước.

Thắp nén nhang tưởng nhớ 915 cán bộ chiến sĩ đặc công hy sinh ở Rừng Sác

bảo vy

Căn cứ Rừng Sác được tái hiện

bảo vy

“Trong chiến tranh, Rừng Sác hứng chịu hơn 4 triệu lít chất khai quang và 2 triệu tấn bom đạn, rừng cây trụi lá, nơi đây trở thành vùng đất chết. Từ năm 1978, cây đước được trồng lại toàn bộ tại đây. Từ những hạt đước đầu tiên nảy mầm, vươn cao, đan rễ, sau hơn 44 năm, thảm xanh đã trở lại với Rừng Sác. Hàng ngàn, hàng triệu cây đước ở đây được bảo tồn, cây bị sâu bệnh, chết cũng sẽ được giữ nguyên trong tự nhiên”, nam hướng dẫn viên của căn cứ Rừng Sác nói với chúng tôi.

Di tích căn cứ Rừng Sác ngày hôm nay chỉ là tái hiện một phần của Rừng Sác trong thực tế. Mô phỏng nơi làm việc của cán bộ chiến sĩ, hội trường, hầm trú ẩn, tái hiện cảnh chiến sĩ Rừng Sác chống chọi lại cá sấu, mô hình trận đánh Kho xăng Nhà Bè… Nơi này giúp những người trẻ có thể tìm thấy những bài học lịch sử sống động, để hiểu thêm về quá khứ của dân tộc.

Màu xanh hồi sinh ở Rừng Sác sau 44 năm - từ năm 1978 khi những cây đước đầu tiên được trồng lại

bảo vy

Hướng dẫn viên kể chuyện lịch sử ở Rừng Sác

bảo vy

Trước tượng đài tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh, hướng dẫn viên xúc động kể những câu chuyện lịch sử với những du khách, về những năm tháng không thể nào quên: “Đây là căn cứ của 1.000 chiến sĩ đặc công rừng Sác. Các chiến sĩ từ đại đội 4 và đại đội 6 kết hợp, còn T10 nghĩa là đoàn 10 đặc công Rừng Sác. Đặc công Rừng Sác là con em từ 36 tỉnh thành Bắc - Trung - Nam, với 1.000 cán bộ chiến sĩ”.

“Trong vòng 10 năm hoạt động, 1.000 cán bộ chiến sĩ tham gia thì 915 người đã anh dũng hy sinh. Trong đó 542 chiến sĩ không tìm được xác, các anh đã nằm lại dưới đất, nước Rừng Sác…”, người hướng dẫn viên trầm ngâm.

Cần Giờ hôm nay đổi thay không ngừng...

Những chú khỉ nghịch ngợm với cần gạt nước trên xe hơi của du khách

bảo vy

Cần Giờ đổi thay từng ngày, với hệ thống giao thông thông suốt, phà nối Cần Giờ với TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ trong 30 phút di chuyển, thay vì 3 giờ 30 phút lái xe đường bộ. Chợ Hàng Dương nhộn nhịp bước chân du khách, bãi biển vào mùa du lịch luôn tấp nập và những cung đường xanh mướt cây đước níu chân người.

Đi đâu, về đâu, tháng 4, nhiều người trẻ về Rừng Sác, nơi hàng triệu cây đước đã hồi sinh, để thắp nén nhang thơm tưởng nhớ 915 cán bộ, chiến sĩ đặc công đã hy sinh anh dũng ở nơi này. Xương máu các anh hòa tan vào đất, nước, để quê hương được hòa bình, thống nhất vẹn toàn…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.