Triệu Bấc Thiên (25 tuổi), trú P.4, Q.8, TP.HCM làm nhân viên kinh doanh trong một công ty dầu ăn năm nào cũng có hành trình đi bộ khám phá cùng 5 người bạn khác của mình. 6 bạn trẻ từng chinh phục cung đường trekking (đi bộ xuyên rừng) đẹp nhất VN là Tà Năng - Phan Dũng và “phượt bộ” tới Tà Đùng và nhiều chuyến đi khác. Mới đây, hồi cuối tháng 3.2022, họ đi bộ khoảng 16 km từ chợ Đầm Môn tới Mũi Đôi, Khánh Hòa, cực Đông trên đất liền của đất nước.
Đi cực đông - cực đông, cực vui!
Anh Hồ Nhật Hà (cầm gậy) trên cung đường “phượt bộ” |
“6 anh em chúng tôi biết nhau từ trong nhà thờ Nam Hải, Q.8, chơi thân với nhau từ nhỏ tới lớn, cứ mỗi năm một lần phải cùng nhau đi phượt một chuyến và phải đi bộ mới chịu. Chuyến này, cả nhóm đi xe giường nằm từ TP.HCM tới chợ Đầm Môn để tập trung rồi đi bộ tới cực Đông, tổng cộng là 12 người, tính cả người dẫn đường có kinh nghiệm để hướng dẫn cho mọi người”, Thiên kể.
Chuyến đi bộ lần này có gì hay? Thiên cho biết đi khám phá cực Đông, nhóm của anh cực đông và cực vui! Sáng sớm, Thiên cùng mọi người tập trung ăn sáng với bún chả cá Khánh Hòa, sau đó nhâm nhi ly cà phê sáng để khởi động, bắt đầu hành trình.
7 giờ sáng, nhóm bắt đầu xuất phát từ chợ Đầm Môn, đi qua một đồi cát lớn tới một trạm dừng chân nhỏ, cấp nước đá chanh cho mọi người nạp năng lượng. Sau đó mọi người tiếp tục đi dọc bãi biển, hết bãi biển lại đi xuyên qua khu rừng, đến trưa dừng lại dưới tán cây ăn trưa nghỉ ngơi.
“Chúng tôi tiếp tục băng qua 2 quả đồi để đến với Bãi Rạng, cắm trại qua đêm. Sáng sớm hôm sau, 4 giờ mọi người thức dậy và di chuyển qua cực Đông cách đó 2 km để đón những tia nắng đầu tiên rọi tới đất liền. Đến bây giờ tôi vẫn thấy hạnh phúc vì suốt hành trình khoảng 14 km mình được chứng kiến những cảnh vật quá đẹp, bao nhiêu dạng địa hình khác nhau từ đồi cát, tới bãi biển, xuyên qua rừng, đường đồi, bãi đá... và hơn hết là được chạm tay vào cột mốc cực Đông của Tổ quốc. Sắp tới tôi sẽ chinh phục cực Tây Apachải và cực Bắc ở Lũng Cú, Hà Giang”, Thiên xúc động.
Anh Triệu Bấc Thiên và những người bạn đi bộ du lịch tới cực Đông VN |
NVCC |
Đi bộ hơn trăm cây số
Nhiều người trẻ không ngần ngại đi bộ hơn trăm cây số để được chìm đắm mọi giác quan vào với thiên nhiên xung quanh. Trần Trung Hiếu (32 tuổi), quê Hội An là một trong số này. Anh dành 7 ngày từ 18 - 24.2 vừa qua để đi bộ dọc đường quốc lộ, vượt 154 km từ Km 0 ở TP.Hà Giang tới đỉnh đèo Mã Pí Lèng. “Đi bộ du lịch là một cách để tôi “làm sạch cái đầu của mình”, để tâm hồn thật sự thư thái, chuẩn bị cho những kế hoạch trong tương lai”, anh kể.
Còn Cao Duy Thiên Thắng (24 tuổi), thợ cắt tóc ở TP.HCM, dành 6 ngày cho chuyến “phượt bộ” khoảng 300 km từ TP.HCM tới Đà Lạt đã gây sốt hồi tháng 11.2020. Nhớ lại hành trình đáng nhớ của tuổi trẻ này, Thiên Thắng nói: “Khi chọn đi bộ để khám phá, tôi tự tin vào sức khỏe và luôn có niềm tin mình sẽ thực hiện được. Tôi luôn muốn trải nghiệm cuộc sống ở gần thiên nhiên, được khám phá những gì mới lạ. Thay vì tìm hiểu thật kỹ về nơi mình sẽ tới, sắp đặt sẵn kế hoạch ăn gì, chơi gì, tôi lại thích tự do ngẫu hứng, tìm hiểu những gì bất ngờ”.
Anh Hồ Nhật Hà (phải) thích thú khi cùng bạn bè “phượt bộ” |
Anh Hồ Nhật Hà (33 tuổi), tác giả cuốn sách “Đi bộ xuyên Việt với cây đàn guitar”, người dẫn đường cho nhiều chuyến đi bộ khám phá ở VN cho hay người trẻ có sức khỏe, thích tìm tòi những cái mới, thích “check in” ở những nơi thú vị. “Phượt bộ” có đặc điểm không phải ai cũng có thể tham gia vì nó đòi hỏi sức khỏe, cần một tinh thần dám thử thách. Đồng thời, ngày càng có nhiều người trẻ muốn được kết nối thiên nhiên, muốn khám phá khả năng bản thân, muốn có những người bạn mới cùng đam mê… Do đó, số người muốn tham gia các hội nhóm để “phượt bộ”, hoặc đi bộ một mình đường dài ngày càng đông.
Làm sao để có chuyến 'phượt bộ' an toàn ?
Anh Triệu Bấc Thiên cho rằng để có hành trình trọn vẹn, đảm bảo sức khỏe, người trẻ cần luyện tập đều đặn trước chuyến đi, tập cách hít thở khi đi bộ, cách bước chân thẳng, bước đều để tránh bị trật chân, lật mắt cá, cách để khởi động xương khớp trước hành trình…
Anh Cao Duy Thiên Thắng cho hay hãy rèn luyện cơ thể thật dẻo dai trước khi quyết định “phượt bộ” và đừng quên dọc hành trình cần ăn đầy đủ, uống nhiều nước, tránh mất sức và mất nước.
Đáng chú ý, anh Hồ Nhật Hà khuyên nếu đi bộ du lịch theo đường quốc lộ có sẵn thì đơn giản hơn. Còn nếu muốn đi những cung đường mạo hiểm, xuyên rừng núi, không phải đi theo đường nhựa thì điều quan trọng đầu tiên, người trẻ phải tìm hiểu kỹ về đơn vị tổ chức xem người dẫn đoàn, họ có đủ kinh nghiệm để tổ chức chuyến đi an toàn không. Đồng thời mỗi cá nhân cần trang bị một số kiến thức tự sơ cứu cơ bản như cách cầm máu khi bị thương, xử lý côn trùng cắn, xác định hướng bằng mặt trời…
Tuy nhiên, bên cạnh sự ngưỡng mộ dành cho các phượt thủ, không ít người có những bình luận trái chiều về những hành trình đi bộ vài chục, vài trăm ki lô mét để du lịch của người trẻ. Họ cho rằng đó là “những người quá rảnh”, “không có việc gì làm thì về giúp cha mẹ việc nhà đi”.
Bình luận (0)