Cha mẹ chăm con tự kỷ: Cần cố tương tác, kế hoạch dài hạn đồng hành cùng con

14/09/2022 19:33 GMT+7

Từ câu chuyện bé 3 tuổi bị thiêu, người điều trị chữa tự kỷ chậm phát triển đang được công an điều tra, nhiều chuyên gia và ba mẹ của các bé tự kỷ đã chia sẻ thêm về hành trình đồng hành cùng con.

Người mẹ có 2 con rối loạn phổ tự kỷ chia sẻ, mỗi ngày vợ chồng chị luôn tìm cách để tương tác với con, chơi cùng con, nghe ý kiến của con thay vì nóng vội bắt con phải làm gì đó theo ý người lớn…

Tự kỷ là rối loạn suốt đời

Chị Hồ Phạm Thùy Trang (ngụ Q.4, TP.HCM) – mẹ của 2 cậu con trai rối loạn phổ tự kỷ cho biết, ngay khi nghi ngờ con có dấu hiệu tự kỷ, cha mẹ nên đưa con đi khám tâm lý, nghe theo bác sĩ để biết trẻ đang ở giai đoạn nào. Từ đó tìm trường học cho con phù hợp. Đặc biệt, với trẻ tự kỷ, cha mẹ dù gửi con ở trường nhưng cũng nên quan sát, đồng hành cùng con chứ không bỏ con vì bé cần gia đình.

“Với những bé chậm như vậy, gia đình đồng hành cùng con là bài thuốc hiệu quả nhất. Con đi học nhưng về nhà cha mẹ không chia sẻ, giao tiếp với con thì khó thấy sự tiến bộ của con. Do đó, cha mẹ cần gần gũi, tương tác trực tiếp với con mỗi ngày”, chị Trang bày tỏ.

Sự đồng hành của cha mẹ là phương thuốc tốt nhất đối với trẻ tự kỷ

ảnh minh họa: Nhật Thịnh

Thời gian đầu, chị Trang cũng gặp khó khăn khi tìm cách để con tương tác với mình. Chị đã phải cùng chơi với con, làm cùng công việc gì đó con đang làm rồi con mới chú ý đến chị, sau đó mới bắt đầu tương tác cùng mẹ. Từ 5 phút, 10 phút, dần dần thời gian cha mẹ tương tác cùng trẻ tăng lên.

Lúc đầu như bao phụ huynh khác, chị Trang chưa biết cách để thu hút sự chú ý của con nên đã nhìn cách các cô tương tác rồi học theo. Người mẹ có con rối loạn phổ tự kỷ từng trải qua cảm giác hụt hẫng, bất lực khi tương tác mà con không tương tác lại. Nhưng chị vẫn kiên trì, ngày qua ngày, dần dà cũng được đền đáp.

Chị nói: “Mình không bắt con phải theo mình mà mình phải theo con, trẻ cũng có ngày mệt mỏi, không muốn chơi với ai nên mình ép thì con dễ căng thẳng, không muốn gần, chia sẻ việc chơi cùng hay tương tác. Cha mẹ đồng hành là quan trọng nhất, quan trọng hơn cả thầy cô ở trong trường. Là cha mẹ, mình phải học cách chấp nhận con bị như vậy rồi có kế hoạch tìm trường, tìm thầy, sách vở cho con, tìm những cái gì tốt để bù đắp cái khuyết chứ không hối thúc hay mong con theo mình”.

Nhiều dự án hỗ trợ trẻ tự kỷ được cộng đồng quan tâm

ảnh minh họa: Nhật Thịnh

Bà Phạm Thị Kim Tâm, Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam, cũng là người mẹ có con bị rối loạn phổ tự kỷ chia sẻ, tự kỷ là rối loạn suốt đời. Nếu được can thiệp sớm và đúng thì trẻ phát triển khá tốt, có thể thành người có ích.

Nhưng rất ít người tự kỷ có thể sống độc lập, không cần người giám hộ, nên có thể nói việc can thiệp, hỗ trợ, giám sát người tự kỷ là việc rất dài, trải qua nhiều năm. Vậy nên cha mẹ và người thân trước hết phải hiểu và chấp nhận con.

Cả nhà sẽ cần có một kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Điều gì tốt và ổn định cho cả nhà, sẽ tốt và ổn định cho con. Cha mẹ cần can thiệp tích cực cho con, kiên quyết và kiên trì, chứ đừng ngắt quãng hoặc lơ lửng, sẽ lãng phí thời gian và tiền bạc. Cha mẹ cần học hỏi để có thể cùng các nhà chuyên môn chăm sóc, can thiệp cho con, chứ không nên giao hết cho giáo viên và nhà trường.

Làm gì để hỗ trợ trẻ tự kỷ?

Theo PGS.TS Phạm Minh Mục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, phát hiện sớm trẻ rối loạn phổ tự kỷ là quá trình sàng lọc rối loạn phổ tự kỷ của trẻ em theo độ tuổi và giai đoạn phát triển nhằm phát hiện những trẻ có nguy cơ mắc rối loạn phổ tự kỷ để gửi đi thăm khám, chẩn đoán rối loạn, mức độ rối loạn, từ đó có biện pháp can thiệp sớm phù hợp.

Cha mẹ phải học cách chấp nhận con bị như vậy rồi có kế hoạch tìm trường, tìm thầy, sách vở cho con

v.p

Rối loạn phổ tự kỷ thường biểu hiện trước 3 tuổi, nhưng thời điểm xuất hiện các dấu hiệu không giống nhau ở các trẻ. Có em xuất hiện rất sớm ngay sau khi sinh nhưng cũng có em phải 18, 19 tháng mới xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên; thậm chí có em sau 2 tuổi mới xuất hiện rõ nét các dấu hiệu đặc trưng.

Vì thế, phát hiện sớm rối loạn phổ tự kỷ không chỉ được hiểu là trẻ rối loạn phổ tự kỷ được phát hiện trước 3 tuổi mà còn có nghĩa là phát hiện ngay khi trẻ xuất hiện dấu hiệu nguy cơ rối loạn phổ tự kỷ trong sự phát triển.

PGS.TS Phạm Minh Mục cũng cho rằng, có hai hình thức được sử dụng chủ yếu khi tiến hành can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại gia đình và cộng đồng là can thiệp cá nhân và can thiệp nhóm.

Rối loạn phổ tự kỷ thường biểu hiện trước 3 tuổi, nhưng thời điểm xuất hiện các dấu hiệu không giống nhau ở các trẻ

V.P

Trong đó, can thiệp cá nhân: là hình thức can thiệp 1 người lớn với một trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Thời gian can thiệp cá nhân có thể kéo dài từ 30 – 60 phút/lần. Ngoài can thiệp cá nhân trẻ rối loạn phổ tự kỷ cần được tham gia các giờ can thiệp nhóm. Hình thức này được được tiến hành ở trường mầm non hoặc các trung tâm can thiệp cho giáo viên thực hiện. Giáo viên sẽ sắp xếp các trẻ tương đối cùng trình độ nhận thức vào cùng một nhóm. Hoạt động dạy học cho nhóm trẻ được tiến hành từ 1 – 3 buổi/tuần tùy thuộc vào khả năng và nhu cầu.

Tham gia can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ có thể là cha mẹ, người thân, người chăm sóc chính của trẻ, giáo viên, nhân viên hỗ trợ tại trường mầm non hay nhân viên y tế thôn bản,…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.