"Con là một cô gái lanh lợi, khỏe mạnh; nhưng sau tai nạn xe máy, con hôn mê 24 ngày và được về nhà sau 6 tháng giành giật sự sống, nhưng vẫn như người thực vật…", đoạn clip kể về những biến cố ập đến với gia đình anh Phạm Văn Long (34 tuổi, ngụ TP.Bà Rịa, Bà Rịa-Vũng Tàu) nhận hơn 3 triệu lượt xem.
Clip: Xúc động hành trình cả gia đình cùng con gái vực dậy sau tai nạn giao thông
VÌ CON KHÔNG BỎ CUỘC
Ngày 3.8.2020, anh Long chở bé N.U (3 tuổi, con gái đầu) cùng đi mua bỉm cho em. Cách nhà 500 m, hai cha con bất ngờ bị tai nạn giao thông. Choáng váng sau cú ngã, anh lấy điện thoại gọi về nhà. Vợ hỏi con thế nào, do hoảng loạn anh trả lời không chở con đi cùng. Lúc này, người đi đường mới giành lấy điện thoại báo địa điểm để người nhà ra gấp kèm câu nói: "Cháu bé rất nặng". Anh Long gãy chân, bể bánh chè xương vai được chuyển lên Bệnh viện (BV) 115 (TP.HCM), còn con gái được chuyển đến cấp cứu tại BV Nhi đồng 2. "Bác sĩ kết luận tiên lượng của bé xấu, có thể không qua khỏi, nếu qua khỏi cũng sống thực vật suốt đời", nhận tin nhắn từ người nhà, anh xin di chuyển đến BV con nằm cấp cứu, thấy con dây nhợ chằng chịt, anh gục đầu vào tường khóc bất lực.
"Sau 24 ngày hôn mê bé mới mở mắt nửa tròng nhưng không biết gì. Thời điểm đó dịch Covid-19 rất căng thẳng. Sáu tháng tôi túc trực bên con ở trong viện, vợ tôi đang có bầu bé út nên ở nhà. Vài tháng sau tai nạn, công an lên làm việc, tôi ký giấy bãi nại khi biết người tông hai cha con đã mất 3 ngày sau đó", anh nghẹn ngào kể.
Bé U. được chuyển về BV Bà Rịa. Vẫn không thể cai được thở máy, gia đình đã mua máy ô xy và cho bé về nhà trong vô vọng. Hai năm liên tiếp sau đó, vì di chứng của tổn thương sợi trục và phổi, bé U. liên tục sốt, ho phải nhập viện. Thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà, nhưng vợ chồng anh Long chưa một phút giây nào bỏ cuộc. Sau thời gian dài rơi nước mắt, anh chị học cách chấp nhận sự thật và thuê người về nhà tập vật lý trị liệu cho bé.
"Từ người thực vật, con gái tôi giờ đã biết ba, mẹ, các em, nhìn theo tay ba mẹ chỉ giúp cả nhà có thêm hy vọng. Khoảng 1 tháng rưỡi trở lại đây, con có thể ăn bằng miệng thay vì bằng ống. Con không bỏ cuộc nên không có lý do gì để vợ chồng tôi phải nản chí. Sự tiến bộ nhỏ thôi nhưng cũng là niềm hạnh phúc, động viên của gia đình", người cha nói.
CẢ GIA ĐÌNH CÙNG CHĂM LO
Từ ngày biến cố ập đến, kinh tế gia đình kiệt quệ. Vợ chồng anh Long trang trải phần lớn nhờ vào sự hỗ trợ của cha mẹ ruột. Gần đây, nghề tài xế của anh Long ít việc, nhưng hằng tháng vẫn tốn gần 20 triệu đồng để lo thuốc men, tã sữa cho con, anh lại cùng vợ bán hàng online, chăm con.
Trên trang cá nhân, anh chị chia sẻ nhiều clip về cuộc sống của gia đình sau biến cố. Nhiều người xem đã gửi lời chúc tốt đẹp đến gia đình. Anh Long cũng khẳng định: "Vợ chồng tôi vừa chăm con vừa livestream bán hàng là để kiếm tiền trang trải chứ không phải đưa con ra câu view hay kêu gọi giúp đỡ. Nghe nhiều về nỗi đau sau tai nạn và đang là gia đình trải qua những vất vả này, giờ đây thấy CSGT làm nghiêm nồng độ cồn tôi rất ủng hộ", anh chia sẻ.
Chị Lê Thị Thu Thảo (30 tuổi, vợ anh Long) cho hay gia đình lúc nào cũng phải có người ở bên trông bé U. vì bé hay bị gồng người, tay chân rút hoặc bé có thể huơ tay vào ống khí quản dẫn đến suy hô hấp.
Theo lời chị Thảo, U. là cháu đầu trong nhà, bé rất lanh lợi nên khi tai nạn xảy ra, cả nhà suy sụp. "Sáu tháng trong viện, chồng tôi chưa phục hồi nhưng vẫn một mình chăm con. Tôi làm clip về con chỉ muốn lưu giữ lại hành trình phục hồi của con, làm động lực cho các ba mẹ có con bại não có động lực chiến đấu cùng con và luôn nhắc mọi người đã uống rượu bia đừng lái xe".
Bình luận