Cha mẹ dạy gì cho con?: Giúp con sống nhân ái

20/10/2018 09:09 GMT+7

Các bậc cha mẹ nên lắng nghe con, tôn trọng ý kiến của con, tạo cho con thói quen dám quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Khi đó, các con lớn lên trở thành người sống có trách nhiệm với chính bản thân mình, với người thân, bạn bè, cũng như trong công việc và xã hội.
Tôn trọng ý kiến của con
Hồi học lớp 2, có lần My Lan từ trường về và bảo: “Bố mẹ thật không tốt, chẳng bao giờ nhắc con phải làm bài và không ngồi học cùng con. Bố mẹ các bạn khác trong lớp tối nào cũng kiểm tra và ngồi làm bài cùng các bạn”. Tôi cười và nói: “Mẹ tin là con luôn chủ động ôn bài nên cần gì phải nhắc. Con học là tích lũy kiến thức cho con chứ đâu phải học cho mẹ. Nhưng có gì khó khăn thì mình có thể cùng trao đổi”.

Từ khi hai con gái bắt đầu đi học, tôi xác định sẽ không bao giờ thúc ép và ngồi kèm các cháu học, mà tạo cho các con niềm tin vào khả năng tự lập của các cháu, luyện cho các cháu thói quen phải chủ động sắp xếp thời gian và chịu trách nhiệm về việc học tập của mình, nhưng khi có vấn đề gì thì cả nhà trao đổi rất thoải mái. Có lần qua học bạ điện tử, tôi biết Ly Anh bị điểm 3 môn toán, môn mà cháu học rất tốt. Tôi quyết định không hỏi gì nhưng để ý quan sát thấy cháu không vui mà cũng không nói gì. Mấy hôm sau, cháu nói với tôi: “Con bị điểm 3, nhưng con đã viết bài lại và được điểm 5, nhưng sao không thấy mẹ hỏi khi bị điểm 3?”. Tôi nói: “Mẹ nghĩ con học quan trọng là vì kiến thức chứ không phải vì điểm, nên nếu con bị điểm kém, bản thân con sẽ thấy kiến thức của mình chỗ nào đó chưa tốt thì con sẽ tự biết để chú trọng hơn”.
Khi My Lan nhận được lời mời tham gia đội tuyển quốc gia bơi nghệ thuật của Hungary, vợ chồng tôi thực ra không muốn cháu tham gia vì lo sẽ ảnh hưởng đến việc học tập. Nhưng cháu nói cháu tin sẽ làm tốt cả hai việc. Mặc dù không muốn điều đó nhưng vợ chồng tôi tôn trọng quyết định của cháu và hỗ trợ cháu hết sức. Khi giải vô địch thế giới tới gần, My Lan có những lúc căng thẳng và khóc vì áp lực việc tập luyện và học tập quá lớn. Tôi nhẹ nhàng bảo cháu: “Con đã quyết định như vậy và bố mẹ luôn đứng cạnh con. Mẹ biết khối lượng công việc và áp lực của con là rất lớn so với các bạn cùng lứa khác. Suốt mấy năm qua con đã làm rất tốt, nhưng nếu bây giờ con cảm thấy không thể thực hiện được tiếp và muốn rời bỏ đội tuyển, bố mẹ sẽ tôn trọng quyết định của con và không trách cứ một điều gì”.
Chính sự tôn trọng đã giúp My Lan cảm thấy có trách nhiệm với quyết định của mình, trách nhiệm với đồng đội trong đội tuyển, với đất nước và đã lấy lại được cân bằng và nghị lực để thi đấu thành công tại giải vô địch thế giới cũng như đạt kết quả xuất sắc kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học.
Sống biết quan tâm người khác
Tôi luôn khuyến khích hai con gái tham gia các hoạt động xã hội, các cuộc thi mang tính đồng đội. Sau một cuộc thi về bơi nghệ thuật, Ly Anh than thở đội của con chỉ được giải ba vì một bạn thực hiện động tác không đều. Tôi nói đó không phải là lỗi của chỉ bạn ấy mà của cả đội. Các con phải xem bạn đó yếu ở điểm nào để giúp bạn. Chỉ một mình làm tốt chưa đủ mà cần quan tâm đến người khác, khi đó hiệu quả công việc chung sẽ tốt hơn.
Có dịp đến thăm một gia đình có hai con học rất giỏi, bằng cấp cao ở Anh và Mỹ nhưng có quan niệm sống không quan tâm đến người khác, My Lan bảo tôi: “Bố mẹ luôn nói phải cố gắng học để trang bị kiến thức tốt cho cuộc sống sau này. Nhưng con thấy không thích cách sống của các anh chị này”. Tôi nói với hai cháu: “Đúng, kiến thức là vô cùng quan trọng. Đó mới là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Quan trọng hơn là mình phải biết sống nhân ái, biết quan tâm đến người khác”.
Dịp hè vừa rồi về VN, hai chị em tặng học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Nghệ An. Sau buổi lễ, hai chị em nói với tôi: “Mẹ ơi lần sau mình về ngoài học bổng bằng tiền mặt, nên kèm thêm một quà gì đó nhỏ thôi nhưng bản thân các em sẽ sử dụng được. Tiền rất quan trọng và thiết thực vì sẽ giúp bố mẹ các em mua sách vở hay đồ dùng cần thiết. Nhưng món quà sẽ làm các em thêm vui vì cảm nhận được nó dành trực tiếp cho các em”. Tôi rất mừng khi thấy các con mình đã biết quan tâm, đặt mình vào vị trí người khác để suy nghĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.