|
Mới đây, trên mạng xuất hiện bức thư của một học sinh lớp 3 gửi bố để mong bố mẹ đừng giận nhau nữa, đã khiến nhiều bậc phụ huynh xúc động.
Bức thư của cô bé tên Chíp đã được đăng tải trên trang Facebook của một thành viên tên Thái Thi. Cô bé viết: “Kính gửi bố yêu! Bố ơi, mấy ngày qua bố và mẹ giận nhau, con buồn lắm, bố đã không chở con đi học và không chở con về, con thấy mẹ cô đơn, tủi thân khóc, con rất thương mẹ”. Sau đó, cô bé nhắc sắp đến ngày sinh nhật của mình và bày tỏ “con muốn bố mẹ làm lành và muốn gia đình hạnh phúc của bố mẹ em và con trở về. Con không thích bố mẹ giận nhau. Bố hãy mang lại hạnh phúc cho gia đình”. Và tỏ ra rất người lớn, Chíp còn động viên bố: “Con chắc chắn bố sẽ làm được. Nếu làm được con sẽ rất vui”.
Sau khi đọc bức thư này, chị Hoàng Kim Liên (Q.Tân Phú, TP.HCM) - phụ huynh có con học lớp 4, không khỏi xúc động, chia sẻ: “Tôi nhớ lại hồi còn bé, mỗi lần bố mẹ tôi cãi nhau và không ai nói với ai câu nào, tôi thường chạy vào toilet khóc, ngồi lì trong đó. Đến bữa tối cũng không muốn ăn cơm. Trong lòng lúc nào cũng chỉ mong bố mẹ lại cười đùa vui vẻ”.
Cũng từ chuyện cha mẹ giận nhau, chị Hoàng Thúy Kiều (Q.3, TP.HCM) kể: “Tôi từng khó khăn rất nhiều khi bố mẹ ngày xưa hay cãi nhau vì tài chính khó khăn. Lòng nhủ thầm sau này lập gia đình sẽ hạn chế cãi nhau, nhất là trước mặt con cái”.
Tiến sĩ tâm lý Trần Thị Phương, Trưởng khoa Sư phạm mầm non Trường ĐH Sài Gòn, đánh giá: “Hành động viết thư của cô bé tên Chíp chắc chắn sẽ làm người bố phải suy nghĩ. Khi cha mẹ cãi nhau, xung đột thì trẻ sẽ rất lo sợ, buồn bã, xúc cảm phát triển theo hướng tiêu cực. Từ đó dẫn đến chán ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe rồi sinh lý. Không những thế, những ngôn ngữ và thái độ, nét mặt của bố mẹ trong trận cãi vã sẽ ảnh hưởng rất lớn tới ngôn ngữ và thái độ ứng xử của trẻ sau này”. Bà Phương nói thêm, nếu bố mẹ văng tục trong lúc xung đột, thì nguy cơ con cái cũng sẽ sử dụng những ngôn từ đó mỗi khi tức giận. Ngược lại, không khí gia đình luôn đầm ấm, thương yêu thì sau này trẻ lớn lên cũng sẽ yêu thương bố mẹ và có thái độ ứng xử tốt đẹp với mọi người xung quanh.
Từ đó, tiến sĩ Phương đưa ra lời khuyên, mỗi lần bực tức nhau, cha mẹ cần biết kiềm chế để tránh xung đột trước mặt con trẻ. “Nếu bức xúc quá không thể không tranh luận, thì hãy đợi lúc con đi học, lúc con ngủ để trao đổi. Hoặc có cách khác là gửi thư cho nhau, ra quán cà phê nói chuyện… mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn” - tiến sĩ Phương nói.
Mỹ Quyên
>> Cha mẹ nghiện ngập, con dễ trầm cảm
>> Con cái say xỉn, cha mẹ có thể sẽ bị phạt
>> Cha mẹ sống thọ, con giảm nguy cơ ung thư
>> Tăng tế bào não nhờ sống cùng cha mẹ
>> Cho con học cách yêu thương cha mẹ
>> Cha mẹ già thời @
>> Chậm nói do “xa” cha mẹ
>> Trẻ ngoan hơn khi cha mẹ "mềm dẻo
>> Cha mẹ chúng ta mong gì?
>> Cha mẹ “đội mưa” đưa con đi thi
>> ‘Tâm thư’ của thầy Văn Như Cương gửi cha mẹ học sinh
Bình luận (0)