Cha mẹ ở TP.HCM không muốn làm 'gánh nặng' cho con, U.50 để dành tiền về già vào viện dưỡng lão

04/01/2024 09:52 GMT+7

Năm mới 2024 vừa sang, bước qua tuổi 43, vợ chồng chị Hoàng My bàn nhau để dành tiền khi về già vào viện dưỡng lão vì không muốn làm gánh nặng cho cô con gái duy nhất.

Không muốn làm gánh nặng cho con!

Quan điểm con cái phải hiếu thảo, chăm sóc cha mẹ già đang dần có sự thay đổi từ cách nghĩ của các ông bố, bà mẹ.

Không giống như 20 – 30 năm trước, phần lớn mỗi gia đình hiện nay có từ 1 – 2 con, nhất là các gia đình ở thành thị vì cuộc sống nhiều áp lực từ công việc, chi tiêu hằng ngày đến nhà cửa, sự nghiệp. Cuộc sống càng thay đổi, viện dưỡng lão tư nhân cũng dần phổ biến, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Đang trải qua cuộc sống chăm sóc cha mẹ già, một số người độ tuổi U.50 có con nhỏ đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc sống tuổi về già để không bị áp lực về tài chính, tinh thần, quan trọng hơn là không để mình trở thành gánh nặng của con trong tương lai.

Thăm dò ý kiến

Khi về già bạn sẽ vào viện dưỡng lão?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Tự chuẩn bị cuộc sống tuổi xế chiều

Quê ở miền Trung, chị Hoàng My (43 tuổi) vào TP.HCM học đại học, lấy chồng và ở lại lập nghiệp. Tiết kiệm, vay mượn khắp nơi hai vợ chồng mới mua được một căn nhà ở huyện ngoại thành.

"Chồng tôi là con một nên nhà cửa vừa ổn định là đón mẹ chồng vào chăm sóc. Chúng tôi thấy cuộc sống còn nhiều nỗi lo, tiền nợ ngân hàng 25 năm vẫn trả đều hàng tháng nên chỉ sinh một con để bớt áp lực", chị My kể.

Khi bước qua tuổi 40, vợ chồng chị bàn nhau mỗi tháng trích ra một khoản tiền tiết kiệm lo cho cuộc sống của mình tuổi xế chiều. Cặp đôi U.50 bắt đầu lên mạng tìm hiểu về viện dưỡng lão ở TP.HCM và nhắm đến các cơ sở tư nhân với quảng cáo về nghiệp vụ chăm sóc của điều dưỡng.

Cha mẹ ở TP.HCM không muốn làm 'gánh nặng' cho con, U.50 để dành tiền về già vào viện dưỡng lão- Ảnh 1.

Cuộc sống của các cụ già tại một viện dưỡng lão tư nhân

Vũ Phượng

Chị chia sẻ: "Mẹ chồng tôi có lương hưu, chi tiêu cá nhân của bà không áp lực với hai vợ chồng. Cháu được ở gần bà, con gần mẹ thì vui là điều đương nhiên. Nhưng nhiều khi đi làm về, tôi có mệt cũng phải tiết chế, ưu tiên lo cơm nước, chu toàn nhà cửa. Khi muốn đi đâu tôi vẫn phải xin phép, cân nhắc. Nói chung được cái này thì mất cái kia".

Chính vì vậy, vợ chồng chị tính đến chuyện vào viện dưỡng lão vì không muốn vô tình trở thành gánh nặng cho con mình sau này. Vợ chồng U.50 dự tính chọn một viện dưỡng lão tư nhân ở thành phố để ở gần con, thuận tiện đi lại thăm nom hay về nhà khi có công việc.

Tâm sự về dự định này với đồng nghiệp, chị My nhận nhiều phản ứng trái chiều vì cho rằng tuổi già không minh mẫn, vào viện dưỡng lão có thể bị quát tháo hay đối xử tệ bạc.

"Con mình còn chẳng chăm được mình huống gì người không máu mủ ruột rà - đồng nghiệp ý kiến vậy. Nhưng tôi cho rằng khi mình trả tiền để sử dụng dịch vụ nó sẽ rất khác, vài năm nữa có thể mô hình viện dưỡng lão ở Việt Nam sẽ còn đa dạng hơn nữa", chị nói.

Tuổi già không khỏe sẽ vào viện dưỡng lão

Lập gia đình trễ, chị Thanh Thảo (50 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM) vẫn đang nuôi con học năm 2 đại học, chăm mẹ ruột ở cùng nhà. "Con tôi học 2 năm nữa, tới đó tôi qua 50 tuổi. Lương theo hệ số nhà nước, như trường hợp của tôi thì chưa kịp tích lũy gì đã tới tuổi hưu. Không biết có đủ tiền đóng viện dưỡng lão không", chị Thảo nói.

Theo chị Thảo, khi lớn tuổi, nhu cầu ăn uống của mẹ chị khác đi, thất thường. Ở nhà, đôi khi chị nấu món cá nhưng mẹ lại thèm ăn thịt, nấu cơm mẹ thèm cháo… Nhiều lần gia đình đi du lịch, đưa bà đến khách sạn 4 – 5 sao bà cũng không thoải mái mà chỉ muốn về nhà, ở trong không gian quen thuộc.

Đang ở độ tuổi cống hiến cho công việc với bề dày kinh nghiệm, cộng với những áp lực từ nhiều phía, có những ngày về đến nhà chị Thảo có cảm giác mệt mỏi. Cũng chỉ có 1 con, chị Thảo dự liệu tương lai sẽ tự sống nếu còn sức khỏe, đến khi không tự chăm mình được thì vào viện dưỡng lão để an toàn, không là gánh nặng cho con.

"Thực ra vào viện dưỡng lão hay không vẫn phải chuẩn bị tài chính cho tuổi già của mình. Chi phí viện dưỡng lão hiện nay đang cao so với lương hưu của công chức như tôi. Nếu tính vào viện dưỡng lão thì phải có phương án thu nhập ngoài lương hưu", chị Thảo nêu ý kiến.

Cha mẹ ở TP.HCM không muốn làm 'gánh nặng' cho con, U.50 để dành tiền về già vào viện dưỡng lão- Ảnh 2.

Tuổi già trong viện dưỡng lão giúp nhiều người vơi đi nỗi cô đơn

Vũ Phượng

Anh Nguyễn Minh Mẫn (46 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) đang nuôi con học lớp 10 và nhẩm tính còn 8 năm nữa phải lo, tương đương tới năm anh 53 tuổi. Xác định sẽ không ở cùng con khi về già nên anh đã chuẩn bị một nơi riêng để tự sống khi về già.

"Định kiến sao con cái không lo được cho cha mẹ mà đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão sẽ thay đổi theo thời gian khi nhóm người cao tuổi ngày càng nhiều. Khi người cao tuổi không có ai chăm sóc thì viện dưỡng lão là giải pháp mang yếu tố nhân văn giải quyết vấn đề xã hội. Người cao tuổi ở nhà một mình, con cái đi làm hết không để ý đến thì cũng khó đảm bảo an toàn", anh nhận xét.

Dù vậy, anh Mẫn đã có sự chuẩn bị cho tuổi già của mình bằng cách mua để dành và dự kiến sẽ dành để dưỡng già nếu điều kiện sức khỏe cho phép.

Cha mẹ ở TP.HCM không muốn làm 'gánh nặng' cho con, U.50 để dành tiền về già vào viện dưỡng lão- Ảnh 3.

Bác sĩ chăm sóc sức khỏe, tập vật lý trị liệu cho các cụ già trong viện dưỡng lão tư nhân tại TP.HCM

Vũ Phượng

Theo chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, người cao tuổi là người từ 60 trở lên, bắt đầu trải qua giai đoạn "xuống cấp" về thể chất và hoạt động nhận thức. Trước đây họ thường là trụ cột gia đình hoặc có thể tự lo cho bản thân thông qua việc làm ngoài xã hội. Một số người cảm thấy mình trở thành gánh nặng cho con cháu, không sản sinh ra giá trị tài sản, chỉ luẩn quẩn ở nhà, thiếu vắng các giao tiếp bên ngoài.

Thăm dò ý kiến

Bạn có sẵn sàng đưa cha mẹ khi về già vào viện dưỡng lão?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Từ thực trạng hiện nay, một số gia đình con cái làm việc trên thành phố lớn muốn đón cha mẹ lên để tiện bề chăm sóc hoặc hỗ trợ trong việc trông cháu. Chuyên viên tâm lý cho hay, sự thay đổi môi trường từ dưới quê - rộng rãi, thoải mái, thoáng đãng lên môi trường chung cư thành phố chật hẹp, khói bụi, đơn lẻ, càng khiến sự cô đơn này được khuếch đại hơn.

Theo chuyên viên tâm lý Tâm An, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện tài chính và thời gian để đưa ông bà đi du lịch hoặc liên tục bầu bạn tâm sự. Tuy nhiên, cần loại bỏ quan điểm ông bà là "bảo mẫu" hoặc "người giúp việc" trong gia đình, vì điều này vô tình đặt thêm gánh nặng không đáng có lên vai người cao tuổi và kích hoạt những xung đột thế hệ trong gia đình.

Theo số liệu điều tra của Viện Dân số - Sức khỏe và Phát triển vào năm 2020, thực hiện với hơn 6.000 người cao tuổi trên cả nước cho thấy, một nửa nghĩ rằng nên có nhà dưỡng lão cho người cao tuổi. Điều này có thể cho thấy vẫn còn sự gắn kết trong các gia đình Việt Nam khi nhiều thế hệ sống trong một gia đình, và con cháu có trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi.

Mặc dù hầu hết người cao tuổi nghĩ rằng nhà dưỡng lão là một ý tưởng tốt thì hơn hai phần ba không muốn sống ở đó. Những người muốn sống trong nhà dưỡng lão khi ở trong các tình huống sau: nếu con cái không muốn chăm sóc cha mẹ già, bị bỏ rơi, không có con hay cháu, con cái không đối xử tốt với cha mẹ…

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.