Ngày 16.5, TAND tỉnh Phú Thọ mở phiên tòa sơ thẩm lần 2, xét xử vụ tranh chấp chia tài sản thừa kế xảy ra trên địa bàn H.Thanh Thủy (Phú Thọ).
Vụ án liên quan đến 11 người là anh chị em ruột, đều trú tại H.Thanh Thủy. Nguyên đơn là ông V.T.A (73 tuổi), bị đơn là ông V.K.B (65 tuổi).
Hồi tháng 8.2023, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm lần 1 của TAND tỉnh Phú Thọ để giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm.
Tại tòa hôm nay, cả nguyên đơn và bị đơn đều có mặt. Tuy nhiên, toàn bộ các đơn vị liên quan gồm UBND xã nơi có thửa đất đang tranh chấp, UBND H.Thanh Thủy, đại diện ngân hàng và đại diện phòng công chứng đều có đơn xin vắng mặt.
Trước khi bắt đầu, chủ tọa hỏi hai bên "có thỏa thuận, hòa giải được với nhau không?". Cả nguyên đơn và bị đơn đều đứng dậy, khẳng định "không thỏa thuận".
Tranh chấp mảnh đất cha mẹ để lại
Theo đơn khởi kiện, cha mẹ của nguyên đơn và bị đơn (cha mẹ) sinh được 11 con chung, trong đó ông A. là con cả, ông B. là con thứ tư. Năm 1962, cha mẹ nhận chuyển nhượng thửa đất 1.213 m2 từ một người địa phương, chưa được cấp "sổ đỏ".
Năm 1984, cha mẹ cho ông B. 138 m2 đất để làm nhà riêng, hơn 1.000 m2 còn lại gồm nhà, cây cối và công trình xây dựng của cha mẹ. Năm 2001 và 2015, cha mẹ lần lượt qua đời, không để lại di chúc; một trong số 11 người con cũng mất vào năm 2014.
Năm 2020, ông A. họp anh chị em bàn xây nhà từ đường của dòng họ trên phần đất hơn 1.000 m2 vì đây tài sản thừa kế chung. Tuy nhiên, ông A. "bất ngờ và sốc" khi ông B. không đồng ý và cho hay toàn bộ 1.213 m2 đất đã đứng tên ông B., được cấp "sổ đỏ" từ năm 2005.
Ông A. cho rằng em trai sử dụng thửa đất khi cha mẹ không có di chúc, gia đình không họp mặt để phân chia tài sản, cũng không ai ủy quyền làm thủ tục đứng tên, là trái quy định pháp luật. Do vậy, ông A. đại diện cho 9 anh chị em cùng khởi kiện (vợ và con trai của người đã mất ủy quyền cho ông A. khởi kiện), đề nghị hủy "sổ đỏ" đã cấp cho ông B., chỉ cho ông B. được hưởng 138 m2, phần còn lại chia đều.
Ngược lại, ông B. khẳng định từ năm 1992, cha đã tới UBND xã làm thủ tục cho ông toàn bộ 1.213 m2 đất. Suốt quá trình sử dụng, ông đã tôn tạo, trồng trọt, chăn nuôi, đóng thuế đất... đến năm 2005 thì được UBND H.Thanh Thủy cấp "sổ đỏ".
Vẫn theo lời ông B., sau khi cho ông toàn bộ 1.213 m2, cha mẹ mua một khu đất khác cùng xã để sinh sống ổn định. Đến nay, thửa đất này đã bán để lấy tiền chia cho 11 anh chị em. Ông B. cho rằng toàn bộ di sản thừa kế của cha mẹ đã được định đoạt xong, không ai có ý kiến gì, nay do "sốt đất" nên các anh chị em mới đòi quyền lợi. Ông không chấp nhận yêu cầu của phía nguyên đơn.
Tòa nhiều lần tạo cơ hội hòa giải nhưng không thành
Tháng 8.2022, TAND tỉnh Phú Thọ mở phiên tòa sơ thẩm lần 1, nhận định UBND H.Thanh Thủy cấp "sổ đỏ" cho ông B. mà không có văn bản phân chia tài sản thừa kế hoặc di chúc, không có hồ sơ về việc tách, hợp 2 thửa đất (138 m2 và hơn 1.000 m2) là không đúng quy định.
Do đó, tòa quyết định hủy "sổ đỏ" đã cấp cho ông B. để phân chia tài sản thừa kế. Ông B. hưởng 138 m2 đã được cha mẹ cho từ trước. Hơn 1.000 m2 còn lại được định giá 6,7 tỉ đồng, chia đều cho 11 người.
Không đồng ý, ông B. kháng cáo, đề nghị hủy án sơ thẩm.
Tại phiên phúc thẩm, hội đồng xét xử nhiều lần tạo thêm cơ hội để hai bên có thể tìm được tiếng nói chung, bằng việc hỏi ông A. và ông B. có thay đổi quan điểm hay không. Cả hai vẫn nhất định không hòa giải.
Sau khi đánh giá tài liệu, chứng cứ, tòa phúc thẩm nhận thấy, tháng 3.2022, vợ chồng ông B. đã thế chấp thửa đất 1.213 m2 tại ngân hàng để đảm bảo cho khoản vay theo hợp đồng tín dụng. TAND tỉnh Phú Thọ tuyên hủy "sổ đỏ" cấp cho ông B. là tài sản đang được thế chấp tại ngân hàng, nhưng ngân hàng lại không nhận được thông báo nào về ý kiến liên quan đến tài sản vừa nêu.
Theo tòa phúc thẩm, cần xác định phía ngân hàng tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, để đảm bảo quyền lợi cho bên nhận thế chấp; đồng thời cần xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ về nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng, tặng cho thửa đất 1.213 m2 để có cơ sở đánh giá toàn diện giải quyết vụ án.
Vì vậy, tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm như đã nêu.
Bình luận (0)