Cha mẹ Việt không dám rời mắt khỏi con hay cho con tự do?

16/07/2017 09:34 GMT+7

Đối với các bậc cha mẹ, một nỗi đau sẽ không gì bù đắp nổi, không bao giờ nguôi ngoai, khiến cho tâm can bị dằn vặt và chà xát, đó là nỗi đau mất con trong những tình huống 'mất tích' hay bị sát hại, tai nạn thương tâm như những vụ gần đây.

Mới nhất là vụ hai bé Trần Phúc Toàn (8 tuổi) và Trần Nhật Tấn Quốc (4 tuổi, ngụ ấp 1, xã Đức Hòa Đông) nằm chết trên cánh đồng lúa cách nhà khoảng 600 m, với nhiều dấu hiệu bất thường, gây rúng động khắp Long An.
Bầu chọn
Bạn có dám rời mắt khỏi con khi chúng dưới 10 tuổi
Sự việc tương tự cũng xảy ra ở Quảng Bình cách đây không lâu. Theo đó, bé trai chơi trong khu vực xung quanh nhà bỗng dưng mất tích nhiều ngày trước khi được người dân phát hiện thi thể của bé ở gần nhà. Những thông tin thương tâm xuất hiện liên tục này khiến cho các bậc cha mẹ rùng mình.
Thú thực là tôi chỉ dám đọc những cái tít trên báo sau khi có tin cậu bé nghi bị sát hại, chứ không dám vào bài coi chi tiết. Tôi sợ mình bị ám ảnh.
Trước đó, bé gái người Việt ở Nhật, một đất nước nổi tiếng an bình, bị mất tích rồi sát hại, trong một diễn biến chẳng bao giờ ngờ tới, cũng khiến tôi suy nghĩ và trằn trọc nhiều đêm. Tôi sợ đến run người khi đặt mình vào tình huống của những người cha người mẹ đó.
Ngay cả trước khi biết đến những trường hợp ấy, thì điều mà tôi luôn sợ hãi mỗi lần đưa con đi chơi, đi siêu thị… cũng vẫn là những cụm từ “bắt cóc”, đi lạc”. Vì thế, từ lúc con trai biết nhận thức về xung quanh (chừng 2, 3 tuổi), tôi đã luôn dặn dò con là mỗi lần đến nơi công cộng, con phải luôn đi bên cạnh mẹ không rời, người lạ cho con bất cứ thứ gì hấp dẫn đến đâu, con cũng phải từ chối.
Hiện trường vụ bé trai bị sát hại ở Quảng Bình Ảnh: C.T.V

Và cứ trước khi đi ngủ, tôi lại hỏi con: “Chị Bống là người lạ hay quen?”, “cô Ánh, cô Bích là người lạ hay quen?”, “chú áo xanh chiều nay mẹ con mình gặp ngoài đường là người lạ hay quen?”, “cô tóc xù ở siêu thị là người lạ hay quen?”… Những câu hỏi đó nhằm giúp con thêm một lần nữa nhận biết, thế nào là người quen, thế nào là người lạ, đồng thời, để mình thấy an tâm khi con trả lời chính xác tất cả.
Rồi tôi tiếp tục đưa ra những tình huống, nếu cô Bích cô Ánh cho con kẹo thì con có nhận không? À, cô Bích cô Ánh là bạn mẹ nên con nhận được. Thế cô tóc xù đưa ipad cho con, hoặc nói con đi theo cô ấy, cô sẽ mua mặt nạ siêu nhân, con có đi theo không? Ồ con không đi theo đâu, vì cô là người lạ… Tôi còn mua những phần mềm dạy kỹ năng về cài vào ipad, điện thoại cho con xem, trong đó có tình huống đi lạc hoặc bị người lạ bắt cóc. Thật may mắn, họ thiết kế những đoạn phim hoạt hình rất sinh động, sau mỗi tình huống lại đưa ra các câu trắc nghiệm để trẻ trả lời, nếu đúng thì được vỗ tay khen ngợi, nên con tôi rất thích xem, xem đi xem lại nhiều lần và chắc chắn nó sẽ ít nhiều trở thành bài học áp dụng vào thực tế.
Thế nhưng, tôi nghĩ tất cả những điều đó vẫn không đảm bảo rằng con mình được an toàn chốn công cộng. Điều quan trọng nhất vẫn phải ở sự cẩn trọng thường trực của cha mẹ. Hàng ngày trên đường đi làm, tôi vẫn bắt gặp những đứa trẻ thơ thẩn chơi trước cửa nhà, sát với đường phố đang tấp nập người xe qua lại, không có ai trông nom, để mắt, tạo ra quá nhiều nguy cơ cho con nhỏ. Đi những trung tâm mua sắm, sân bay, bến xe cũng vậy, đa số người lớn mải chọn đồ, hoặc coi điện thoại để cho con tự do chạy nhảy. Chỉ cần 5 giây lơ là là con nhỏ có thể gặp rắc rối, té ngã hay bị người xấu dẫn đi mất trong chớp mắt. 
Nói về nỗi đau này, tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM chia sẻ: “Nếu chỉ vì lơ là, chủ quan mà để con mình bị bắt cóc, thì cả quãng đời còn lại sẽ là một sự khủng hoảng kinh khủng đối với các bậc cha mẹ. Họ sẽ không thể sống vui vẻ bất cứ giây phút nào vì bị dằn vặt, âu lo, thậm chí bị tâm thần do không thể tha thứ cho chính mình”. Tiến sĩ Điệp cũng cho rằng, nếu tập trung vào trẻ quá cũng không tốt, nhưng tuyệt đối không được bỏ mặc con tự chơi ở nơi công cộng hoặc ngay cả ở cửa ngõ nhà mình. Hãy để chúng vui chơi thoải mái nhưng phải luôn quan sát, để ý tới con.
Điều đó dường như chúng ta ai cũng đã thuộc nằm lòng, nhưng đâu đó, những chuyện đau lòng thi thoảng vẫn cứ xảy ra, không phải bởi 1 phút, mà chỉ bởi 5 giây lơ là…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.