Chiến sự bùng nổ, Nhật đảo chính Pháp. Đêm 24.8.1945, cha tôi đã cùng nhân dân Mỹ Tho, bằng các loại phương tiện tàu bè xe cộ cùng dân các nơi khác kéo về Sài Gòn.
Nhà thơ Kiên Giang (phải) bên bàn thờ “sư phụ” Nguyễn Bính - Ảnh: Tư liệu gia đình |
Đúng 5 giờ ngày 25.8.1945, nhân dân Nam bộ đứng lên khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn. Nhà văn Phạm Tường Hạnh đã nhìn thấy cha tôi trong đoàn người, miệng cười rộng mở, hai tay giương cao ngọn cờ như chưa bao giờ ông được cười sung sướng đến vậy.
Sau khi giành thắng lợi ở Sài Gòn, cha tôi được cán bộ nòng cốt Mỹ Tho đưa về chuẩn bị khởi nghĩa ở quê hương Thủ Khoa Huân. Nhưng rồi Pháp tái chiếm Sài Gòn, lan rộng ra các vùng khác, chiến sự diễn ra khắp nơi ngày một ác liệt. Cha tôi đứt liên lạc với tổ chức, ông không trở lại Sài Gòn mà đi sâu xuống vùng cực Nam.
“Bạn bè chỉ có gió trăng theo”
Ở Rạch Giá, cha tôi vẫn chưa bắt được liên lạc với những người kháng chiến, đất khách quê người, tứ cố vô thân nhưng ông nhất quyết không quay lại Sài Gòn, đành tá túc tại đình Nguyễn Trung Trực. Thông tin về tác giả Lỡ bước sang ngang đang có mặt ở Rạch Giá nhanh chóng lan truyền nên có Kiên Giang (nhà thơ sau này nổi tiếng với bài Hoa trắng thôi cài trên áo tím - TN) tìm đến xin nhận làm đồ đệ. Biết được hoàn cảnh “đất khách cùng đường” của sư phụ mình, ông tìm cách giúp đỡ.
Mọi việc thuận buồm xuôi gió, hai thầy trò dọn về nhà mới, gia tài sau trước vỏn vẹn chỉ một chiếc nóp và một túi thơ. Trước khi bước lên cây cầu làm bằng thứ gỗ tạp ọp ẹp bắc ngang qua con mương dẫn vào nhà bằng con đường mòn nhỏ sẵn sàng ngập lụt sau mỗi cơn mưa hay những ngày biển động, cha tôi đứng nhìn bao quát căn nhà hoang phế có vẻ thích thú. Nhà không có cửa. Thềm hiên rêu xanh mọc dày trông như tấm thảm rất đẹp. Kiên Giang vô tình định bước lên tấm thảm vào nhà, cha tôi vội níu lại. “Ta cứ đi vòng lối bên hông vào nhà, hãy giữ cho thềm rêu nguyên vẹn”, ông nói.
Trong nhà chẳng có gì ngoài bộ ván cũ kỹ làm bằng gỗ tạp bị mối mọt đục khoét. Mái nhà trống hoác. Mưa nắng tha hồ tràn vào nhà đổ xuống nền đất nhão nhoẹt sực mùi ẩm mốc. Dây ô rô, cóc kèn bỏ vòi leo lên vách bao vây bốn phía. Lu nước sứt miệng đầy cặn cáu. Kiên Giang định bắt tay dọn dẹp mớ dây leo cỏ dại, cha tôi ngăn lại, bảo cứ để thế. Trong lúc trò Giang nhóm bếp xông nhà mới, thầy Bính lật ngửa ghế đẩu ngồi bên bộ ván khai bút. Bếp lửa bùng cháy xông ấm ngôi nhà hoang lạnh. Cha tôi cất giọng ngâm sang sảng: Từ độ về đây sống rất nghèo/Bạn bè chỉ có gió trăng theo/Những phường bất nghĩa xin đừng đến/Hãy để thềm ta xanh sắc rêu.
Bốn câu thơ khai bút được cha tôi viết theo lối chữ thảo treo ở bốn cây cột trước hiên nhà và đặt tên cho “giang sơn” mới của mình là Kiều Mộc trang. Yên ổn được chưa lâu thì cha tôi bị chính quyền Nam kỳ tự trị bắt giam ở bót Giếng Nước. Lúc thầy Bính bị bắt thì trò Giang không có mặt vì bận về quê phụ giúp gia đình. Khoảng nửa tháng sau cha tôi được thả ra, chia tay Kiên Giang, ông âm thầm tìm đường vào chiến khu.
Chết hụt
Đường vào chiến khu cũng lắm nỗi quanh co như trò chơi số phận thích trêu đùa. Nhờ có biệt tài ăn nói nên đi đến đâu cha tôi cũng được bà con quý mến, nhất là các cô cậu nam thanh nữ tú, hễ rỗi việc là tụ họp quanh ông để được nghe cha tôi kể chuyện trên rừng dưới biển, kim cổ đông tây mà câu chuyện nào cũng có sức hấp dẫn.
Chính những cuộc tụ tập vui vẻ ồn ào đó, lớ quớ thế nào cha tôi lại bị Việt Minh nghi là gián điệp Pháp cài vào vùng kháng chiến. Cha tôi phải ăn cơm tù Việt Minh, suýt bị chết chém vì tội ngoan cố, bởi có chết ông vẫn kiên quyết không chịu nhận mình là tay sai giặc Pháp.
Số phận cha tôi đã được định đoạt, chờ ngày lên đoạn đầu đài. May thay có người trong ban “xử án” ít nhiều cũng nghe tên Nguyễn Bính mà có lời can gián kịp thời. Có lẽ cũng nhờ vào sự hiểu lầm tai hại này mà cha tôi nối lại liên lạc với những người kháng chiến. Chuyện đã qua rất lâu rồi, những người biết việc cũng đã thành người của ngàn năm.
Theo lời của các cụ bô lão ở xã Mỹ Hòa, Bình Minh, Vĩnh Long, đầu năm 1946, cha tôi có mặt ở vùng đất ven bờ sông Hậu. Bên kia sông là TP.Cần Thơ. Tại đây cha tôi đã cùng ông Cường (bà con quen gọi là Huế Cường) xây dựng lực lượng liên khu du kích năm xã dưới quyền lãnh đạo của Ủy ban Kháng chiến liên khu do ông Bùi Văn Bảy làm chủ tịch, bao gồm năm xã: Mỹ Hòa, Thạnh Lợi, Mỹ Thuận, Tân Quới, Đông Thành. Ông Cường chịu trách nhiệm về quân sự, còn cha tôi làm chính trị viên Liên khu Du kích năm xã.
Cuộc sống lúc bấy giờ quá kham khổ. Dân khổ. Cán bộ, chiến sĩ khổ. Cha tôi lúc đó chỉ duy nhất có một bộ đồ kaki đã ngả màu vàng ố, cổ áo lên nước cáu bẩn lại gặp lúc nạn dịch chấy rận lan tràn khắp nơi. Mỗi lần cha tôi giết rận phải trải áo ra tấm ván lấy chai thủy tinh chà qua cán lại nhiều lần, rồi đem quần áo luộc nước sôi cho rận chết, đỡ được ít ngày thì đâu cũng hoàn đấy. Ngoài những giờ sinh hoạt chính trị với đội du kích liên khu, cha tôi còn làm thơ, ca dao, hò vè để kịp thời động viên kháng chiến.
Cuối năm 1946, Pháp mở trận càn lớn, chiến sự khốc liệt. Các cơ quan đoàn thể kháng chiến được lệnh tản cư để bảo toàn lực lượng. Cha tôi cũng rời Mỹ Hòa trong cuộc di tản để bảo toàn lực lượng.
Bình luận (0)