Chậm bổ sung kế hoạch, nhiều dự án điện nguồn lỗi hẹn

Nguyên Nga
Nguyên Nga
28/12/2024 06:17 GMT+7

Thủ tướng mới đây tiếp tục thúc Bộ Công thương sớm hoàn thiện việc bổ sung, cập nhật kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8; yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân liên quan sự chậm trễ này.

Đó là hai nhiệm vụ mà Bộ Công thương phải tiến hành song song và đòi hỏi thời gian triển khai khẩn trương, "vừa chạy vừa xếp hàng" trong thời gian tới.

Quy hoạch mới ban hành nhưng nhiều bất cập

Ngày 26.12 vừa qua, Bộ Công thương tổ chức họp Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch điện 8 theo Quyết định 1614 ngày 19.12.2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ Công thương, quyết định phải điều chỉnh Quy hoạch điện 8 trong bối cảnh việc triển khai quy hoạch gặp nhiều khó khăn. Các dự án nhiệt điện khí LNG (22.400 MW công suất) đang bị đình trệ do khó khăn trong ký kết hợp đồng mua bán điện và cung ứng khí; các dự án sử dụng khí trong nước như Báo Vàng, Cá Voi Xanh đối mặt rủi ro lớn về trữ lượng và tiến độ vận hành; trong 11 dự án nhiệt điện than, hai dự án lớn là nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị (1.320 MW) và Sông Hậu II (2.120 MW) đã lần lượt bị dừng triển khai và chấm dứt hợp đồng BOT.

Chậm bổ sung kế hoạch, nhiều dự án điện nguồn lỗi hẹn- Ảnh 1.

Việc chậm bổ sung, cập nhật kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 khiến việc phát triển nguồn, lưới điện bị ảnh hưởng

Ảnh: Độc Lập

Bên cạnh đó, các dự án điện gió ngoài khơi vẫn vướng mắc về quy hoạch không gian biển, cơ chế giao thí điểm và yêu cầu vốn đầu tư lớn, gây khó khăn trong triển khai. Đặc biệt, Chính phủ đã đề xuất tái khởi động chương trình điện hạt nhân. Đây được coi là hướng đi chiến lược nhằm bổ sung nguồn điện chạy nền, trong bối cảnh các nguồn nhiệt điện truyền thống ngày càng gặp khó khăn.

Bộ Công thương cũng cho rằng việc chậm trễ trong triển khai các dự án nguồn và lưới điện đang kéo dài tiến độ vận hành, ảnh hưởng đến các mục tiêu cung cấp đủ điện và phát triển kinh tế - xã hội. Những khó khăn này đòi hỏi phải điều chỉnh Quy hoạch điện 8, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và các yêu cầu pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long nói nhiệm vụ được Chính phủ giao với yêu cầu "vừa chạy vừa xếp hàng" để kịp thời đáp ứng các yêu cầu mới. Ông Long cũng thừa nhận dù Quy hoạch điện 8 chỉ mới được ban hành 1 năm rưỡi nhưng nhiều bất cập đã xuất hiện. Đặc biệt, chủ trương tái khởi động nhà máy điện hạt nhân buộc việc điều chỉnh quy hoạch trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng về việc phê duyệt bổ sung, cập nhật kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát kỹ lưỡng và ký ban hành bổ sung và cập nhật kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 theo thẩm quyền trước ngày 30.12.2024, đảm bảo không để xảy ra trễ hạn. Quá trình này phải đảm bảo tính khách quan, công bằng và không để lợi ích nhóm gây ra sai phạm như trước đây.

Cho rằng, việc cập nhật kế hoạch để đến nay quá chậm so với chỉ đạo, nên Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn chỉ đạo Bộ Công thương kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan đến sự chậm trễ trong việc trình bổ sung và cập nhật kế hoạch, xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước; báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng trước ngày 25.1.2025.

Chậm cập nhật, tạo nhiều hệ lụy

Theo Hiệp hội Năng lượng VN, việc chậm có kế hoạch cụ thể để triển khai xây dựng nguồn, lưới điện cho từng năm, giai đoạn ngắn nhất là đến năm 2030 dẫn đến không có danh mục cụ thể của các dự án, làm chậm quá trình triển khai các dự án điện nguồn quan trọng. Bởi về nguyên tắc, kế hoạch thực hiện phải có danh mục quan trọng ưu tiên đầu tư… để các cấp quản lý nhà nước và nhà đầu tư có cơ sở triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng hay mời gọi đầu tư…

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm nhận định Quy hoạch điện 8 là quy hoạch mở, danh mục các dự án nguồn, lưới điện không được liệt kê cụ thể thứ tự thời gian xây dựng và đưa vào vận hành. Nhưng thời gian thực hiện, thay vì 10 năm (2021 - 2030), đến khi quy hoạch được ban hành vào tháng 5.2023, chỉ còn hơn 6 năm rưỡi. Rồi mất tiếp 1 năm sau mới có kế hoạch thực hiện (4.2024), đến nay hết năm 2024 vẫn chưa được cập nhật kế hoạch…, như vậy chúng ta chỉ còn hơn 5 năm để triển khai khối lượng công việc cho quy hoạch 10 năm.

"Việc phê duyệt cập nhật, bổ sung kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 là tiền đề để các địa phương có cơ sở triển khai phát triển điện lực, kịp thời bổ sung nguồn điện có khả năng xây dựng nhanh. Khi các bên bất đồng, cần có báo cáo Chính phủ, sớm tìm giải pháp hữu hiệu nhất, thậm chí giải pháp đột phá là cần thiết. Trước đây, quan điểm của Chính phủ là đưa ngay vào kế hoạch thực hiện những dự án nguồn điện không sai phạm, hoặc đã hoàn thành việc khắc phục sai phạm, đáp ứng công nghệ truyền tải, hiệu quả kinh tế để không lãng phí nguồn lực. Tuy nhiên, dường như việc này được tiến hành khá chậm. Thế nên, việc cập nhật kế hoạch, trong thực tế không chỉ trách nhiệm của Bộ Công thương mà còn các đơn vị liên quan, địa phương chậm bổ sung kế hoạch...", chuyên gia Ngô Đức Lâm nhận xét.

Vì chỉ có kế hoạch rõ ràng, ưu tiên thế nào, cơ chế ra làm sao… thì nhà đầu tư mới dám đổ tiền vào đầu tư. Việc chậm cập nhật kế hoạch thực hiện, kế hoạch được ban hành chung chung khiến việc thu hút đầu tư vào nguồn năng lượng sạch tại nhiều địa phương gặp khó.

Chẳng hạn, mục tiêu đến năm 2030 phát triển 6.000 MW điện gió ngoài khơi nhưng các căn cứ để triển khai thực hiện không cụ thể; cơ chế phát triển nguồn LNG chưa hoàn thiện; nhiều dự án điện khí chờ cơ chế giá mới, sản lượng điện được huy động tối thiểu hằng năm bao nhiêu với thời hạn hiệu lực hợp đồng chưa có nên chậm bàn tiếp hợp đồng mua bán; điện gió ngoài khơi chủ trương điện nền quan trọng, nhưng dừng lại ở ý tưởng trong thời gian khá dài… Đó là chưa nói việc đưa vào thị trường điện cạnh tranh quá chậm so với lộ trình.

"Cơ quan nào, cá nhân nào sai phạm, để việc thực hiện Quy hoạch điện 8 vốn đã được ban hành chậm, nay càng chậm hơn chắc chắn phải bị kiểm điểm làm gương. Tuy vậy, cũng cần nói thêm, Quy hoạch điện 8 đầy tham vọng nên phía trước là thách thức, áp lực không nhỏ cho ngành. Việc vào cuộc khẩn trương của một bộ quản lý chưa đủ, phải có sự vào cuộc khẩn trương của cả hệ thống chính trị", chuyên gia này bổ sung.

Chuyên gia năng lượng Trần Văn Bình (CHLB Đức) cho rằng sau khi có kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 vào ngày 1.4.2024, Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các địa phương khẩn trương rà soát đối với phần công suất nguồn điện còn thiếu để hoàn thiện danh mục các dự án phát triển trong thời kỳ quy hoạch để hoàn thiện kế hoạch.

Trước đó, Bộ Công thương đề nghị 17 địa phương chưa gửi văn bản đề xuất phát triển danh mục các dự án năng lượng tái tạo phải gửi gấp theo các tiêu chí, hướng dẫn của Bộ. Không rõ việc cập nhật này thế nào, vướng ở đâu, hay là do cách làm quan liêu của một số cán bộ, để kế hoạch triển khai đã chậm càng chậm thêm, tạo nhiều hệ lụy. "Theo tôi, trách nhiệm chính để chậm trễ thuộc cơ quan tham mưu chuyên môn", vị chuyên gia trên nêu quan điểm.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế; thu hút đầu tư vào các ngành bán dẫn, công nghệ ngày càng nhiều thì nhu cầu sử dụng điện càng lớn. Chính vì thế, sự sốt ruột của Chính phủ là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn để bảo đảm Quy hoạch điện 8 được thực hiện. 

Ngày 12.12.2024, Bộ Công thương đã có báo cáo về việc ban hành, bổ sung, cập nhật kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8. Trong đó có đưa ra danh mục cụ thể nhiều dự án năng lượng tái tạo như: khoảng 150 dự án điện gió trên bờ và gần bờ với tổng công suất khoảng 8.000 MW; khoảng 209 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 2.300 MW…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.