Chậm phát hiện sốt xuất huyết, trẻ bị cô đặc máu

14/03/2014 19:05 GMT+7

(TNO) Trẻ sốt cao liên tục 3 ngày, đến khi đau bụng, ói ra máu nâu lợn cợn, tay chân lạnh mới được đưa đến bệnh viện khiến bệnh sốt xuất huyết đã chuyển biến nặng, làm máu cô đặc...

(TNO) Trẻ sốt cao liên tục 3 ngày, đến khi đau bụng, ói ra máu nâu lợn cợn, tay chân lạnh mới được đưa đến bệnh viện khiến bệnh sốt xuất huyết (SXH) đã chuyển biến nặng, làm máu cô đặc.

 
Bác sĩ cảnh báo phụ huynh nên chú ý phát hiện sớm các triệu chứng SXH, đừng để trẻ nhập viện quá trễ - Ảnh: Nguyên Mi

Trường hợp SXH nặng trên vừa được bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), thông tin và cảnh báo vào chiều nay (14.3).

Bác sĩ Tiến cho biết, bệnh nhi N.H.T. (10 tuổi, nam, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng tím tái, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, nổi nhiều chấm xuất huyết ở tay chân.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), phụ huynh cần đưa trẻ đến khám sớm tại các cơ sở y tế sớm khi có triệu chứng:

- Sốt cao trên 2 ngày

- Biểu hiện một trong các dấu hiệu: quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì; đau bụng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống.

 
Xét nghiệm máu khẩn cấp cho thấy máu của bé bị cô đặc nặng.

Người nhà bệnh nhân cho bác sĩ biết, bé đã sốt cao liên tục 3 ngày. Đến ngày thứ tư, bé đau bụng, ói ra máu nâu lợn cợn, tay chân lạnh, người nhà mới đưa trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1.

Bé được chẩn đoán sốc SXH nặng. Các bác sĩ đã cấp cứu hồi sức tích cực cho bé.

Diễn tiến bệnh của bé phức tạp, sốc kéo dài, rối loạn đông máu xuất huyết tiêu hóa. Đặc biệt, bệnh nhi suy hô hấp do tràn dịch màng bụng, màng phổi lượng nhiều gây chèn ép khó thở.

Với tình trạng suy hô hấp diễn tiến nặng, bé đã được chọc dò màng bụng và cả màng phổi giải áp.

Sau hơn một tuần được điều trị tích cực, hôm nay, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, dần ổn định sức khỏe, tỉnh táo, không cần thở oxy nữa.

Bác sĩ Tiến cảnh báo, mặc dù những tháng đầu năm không phải là đỉnh dịch của SXH nhưng trẻ mắc bệnh SXH vẫn xảy ra. Vì vậy, phụ huynh và cả nhân viên y tế không được chủ quan, phát hiện trễ, để bệnh diễn tiến nặng mới đưa trẻ đến bệnh viện.

Nguyên Mi

>> Muỗi hoành hành, sốt xuất huyết gia tăng
>> Tử vong do sốt xuất huyết
>> Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết
>> Sốt xuất huyết vẫn phức tạp vào cuối dịch
>> Sốt xuất huyết, trách nhiệm của ai?
>> Dịch sốt xuất huyết bùng phát
>> Sốt xuất huyết ở trẻ em - biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện muộn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.