Dư luận băn khoăn về sự công bằng trong khâu chấm thi kỳ thi THPT quốc gia sắp tới khi sẽ có một tỷ lệ giáo viên các địa phương tham gia chấm thi.
Các đại biểu thảo luận căng thẳng về việc chấm thi của kỳ thi THPT quốc gia tại cuộc họp giữa Bộ GD-ĐT với đại diện các trường ĐH chủ trì cụm thi phía nam vào chiều 21.3 - Ảnh: Hà Ánh |
Trong những giải pháp nhằm đảm bảo tính phân loại thí sinh (TS), hạn chế sự bất công trong việc chấm thi, như cách ra đề, quy trình tổ chức chấm, công tác thanh tra..., theo chúng tôi, còn một yếu tố quan trọng nữa, đó là xây dựng một đáp án chấm thống nhất, hợp lý.
Trước đây, đề thi chủ yếu ra theo hướng đóng và đáp án chấm cũng yêu cầu phải trả lời các ý để có điểm. Cách xây dựng đề và đáp án như thế ít phát huy được tính sáng tạo của TS trong bài làm nhưng công việc của giám khảo dễ có sự thống nhất cao. Những năm trở lại đây, đề thi đổi mới theo hướng mở, đáp án chấm cũng phải mở. Do nhận định riêng của từng người chấm nên sự thống nhất, sự trùng khớp giữa các giám khảo sẽ rất thấp, lệch điểm sẽ cao.
Chẳng hạn trong kỳ thi năm 2015, nhiều giám khảo chấm môn sử cho rằng khó có sự thống nhất cao do đề thi mở, nhất là có câu hỏi gần với đặc trưng của bộ môn văn. Do đó dẫn đến việc lệch điểm vì quan niệm khác nhau của giám khảo. Một số giám khảo đòi hỏi sự cụ thể, chính xác về sự kiện, số liệu nhưng số khác lại thiên về những nhận định, cảm xúc người viết. Hoặc như môn văn, ở câu hỏi nhận biết hay câu trình bày ý kiến/viết đoạn văn thuộc phần đọc hiểu chưa có sự rõ ràng, thống nhất toàn quốc ở đáp án chấm mà tùy thuộc vào cách chấm riêng của từng hội đồng. Điều này dẫn đến lệch điểm nhau giữa hai TS ở 2 hội đồng thi khác nhau. Ví dụ khi đề hỏi xác định thể thơ, hoặc phong cách ngôn ngữ của văn bản thì đáp án chỉ dừng lại ở phương án trả lời, thang điểm, chứ chưa lường hết một cách cụ thể các tình huống trả lời của TS để có yêu cầu chấm thống nhất. Cho nên dẫn đến tình cảnh TS ở hội đồng chấm này chọn một đáp án trả lời đúng cũng bằng điểm với TS ở hội đồng chấm kia do mơ hồ hiểu biết đã chọn may rủi đến hai, ba đáp án, mà trong đó có đáp án đúng. Đáng lẽ đáp án chấm phải cụ thể hơn, chẳng hạn nếu TS trả lời từ hai, ba đáp án trở lên, trong đó có một đáp án đúng thì cho điểm thế nào...
Hai ví dụ nhỏ trên cho thấy việc xây dựng đáp án chấm là rất quan trọng để có sự công bằng trong chấm thi. Trong bối cảnh việc chấm thi rải về các hội đồng chấm ở địa phương và dư luận đang lo lắng về sự bất công thì cần nhất là cách xây dựng đáp án chấm.
Theo chúng tôi, đáp án chấm phải đáp ứng 2 yêu cầu sau: cụ thể, rõ ràng, chi tiết, đảm bảo theo yêu cầu đóng của kiến thức nhằm tạo sự công bằng; phải lường trước tình hình bài làm của TS để có những yêu cầu cụ thể về phương án chấm mở, từ đó hạn chế thấp nhất lệch điểm do chủ quan người chấm, tạo được sự công bằng và phân loại TS.
Bình luận (0)