Trong quá trình kiểm tra công tác chấm thi tại một loạt địa phương trong thời gian từ 11 - 16.8 vừa qua, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT quốc gia, đã có ý kiến chỉ đạo trực tiếp từng tình huống phát sinh trong quá trình chấm thi.
Làm nhầm vào đề thi, có được chấm?
Ông Hà Xuân Nhâm, Phó trưởng ban Chấm thi trắc nghiệm của Hà Nội, cho biết hết buổi sáng 16.8, hoàn thiện công đoạn quét bài và sang khâu sửa lỗi. Phần mềm chấm trắc nghiệm năm nay thông minh hơn, bảo mật cao hơn nên người làm chấm thi trắc nghiệm cũng yên tâm hơn rất nhiều.
Theo ông Nhâm, trong số bài thi trắc nghiệm của hội đồng thi Hà Nội, có 1 bài thi khá “đặc biệt”. Cụ thể, có 1 trường hợp thí sinh (TS) khi làm bài thi khoa học xã hội, sau khi làm hết môn lịch sử vào phiếu trả lời trắc nghiệm, đến môn địa lý, TS này khoanh đáp án trực tiếp vào đề thi như một cách làm nháp.
Tuy nhiên, sau đó TS này quên không khoanh lại các đáp án đã làm ở đề thi vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Khi phát hiện ra thì đã hết giờ làm bài. Do vậy, giám thị và điểm thi đó đã thu cả phiếu trắc nghiệm và đề thi của TS này, niêm phong riêng bài thi và tiến hành lập biên bản. Phiếu trả lời trắc nghiệm này vẫn được tiến hành quét vì có bài làm môn lịch sử của TS. Tất cả việc này đều có báo cáo lãnh đạo ban chấm thi và có sự chứng kiến, giám sát chặt chẽ của thanh tra chấm thi.
Tương tự, tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Tuế, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng ban Chấm thi trắc nghiệm tại tỉnh này, cho hay Quảng Ninh có 3 bài thi trắc nghiệm đặc biệt. Trong đó, có 2 bài môn địa lý và 1 bài môn giáo dục công dân TS khoanh đáp án trực tiếp vào đề thi. Do đây là tình huống Quảng Ninh chưa gặp bao giờ trong các lần chấm thi, nên ông Tuế cho biết phải xin ý kiến của Bộ GD-ĐT để có hướng dẫn xử lý cụ thể.
Thứ trưởng Độ đề nghị ban chấm thi trắc nghiệm của Hà Nội, Quảng Ninh và những trường hợp tương tự cần lập biên bản chấm với bài thi này, có xác nhận của đầy đủ các thành phần liên quan và tiến hành chấm đúng quy định.
Các địa phương gặp bài thi có hiện tượng tương tự cần có văn bản báo cáo Bộ GD-ĐT và Bộ sẽ trả lời bằng văn bản để có căn cứ xử lý phù hợp ngay trong quá trình chấm bài trắc nghiệm. “Tinh thần bảo đảm quyền lợi hợp pháp của TS, không làm sai quy chế thi”, ông Độ nói.
|
Có thể xem xét thay giám khảo
Khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của khâu chấm thi, đặc biệt là tính cạnh tranh tới 0,25 điểm, vì rất nhiều trường ĐH vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh việc chấm thi tự luận quan trọng nhất là phải đảm bảo nguyên tắc chấm 2 vòng độc lập, 2 giám khảo chấm 2 vòng phải ngồi ở 2 phòng chấm khác nhau để tránh những trao đổi trong quá trình chấm.
Ông Độ lưu ý: “Giám khảo chấm thi phải thực hiện theo đúng quy chế và hướng dẫn chấm thi, không làm tắt, không làm thay việc của người khác, dù vô tình hay cố ý”.
Ông Độ cũng đề nghị cần thực hiện đúng theo yêu cầu mới đặt ra trong kỳ thi năm nay, đó là nếu sau khi chấm kiểm tra, thấy kết quả lệch so với 2 giám khảo chấm trước đó, cán bộ chấm kiểm tra phải báo cáo lãnh đạo ban chấm thi để có phương án xử lý, chứ không phải gặp lại giám khảo chấm bài thi đó để thảo luận trực tiếp.
Ông Độ lưu ý dù đã rất chú trọng ở khâu chọn giám khảo nhưng điều đó không có nghĩa đã chọn xong rồi là yên tâm hoàn toàn. Nếu ban chấm thi nào thấy có lặp đi lặp lại hiện tượng giám khảo chấm không đều tay, chấm quá chậm… thì sẵn sàng cho giám khảo nghỉ để không ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ chung của ban chấm.
“Sẽ đánh giá kết quả chấm thi qua kết quả chấm phúc khảo: nếu sau phúc khảo mà chênh điểm nhiều thì rõ ràng xã hội không yên tâm với chất lượng chấm của chúng ta”, ông Độ nhấn mạnh.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định Hà Nội sẽ thực hiện nghiêm túc, không chủ quan trong suốt quá trình chấm thi. Kinh nghiệm cho thấy, có năm có giám khảo tự nguyện xin rút khỏi ban chấm thi vì tiến độ và chất lượng chấm thi không đáp ứng được yêu cầu. “Năm nay cũng vậy, nếu trong quá trình chấm thi, giám khảo nào không đạt yêu cầu, làm ảnh hưởng tới cả tập thể thì cũng cần thiết phải thay thế”, ông Quang cam kết.
Chấm xong sớm vẫn phải công bố kết quả vào ngày 27.8
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đến thời điểm này, nhiều địa phương dự kiến sẽ hoàn thành chấm thi sớm. Một số tỉnh có số lượng bài thi ít, như Hà Nam dự kiến ngày 16.8 sẽ hoàn thành công tác chấm thi. Hưng Yên, Hải Phòng… dự kiến chấm thi xong trước 21.8; Phú Thọ dự kiến hoàn thành trước 22.8; Hà Nội tuy số lượng bài thi lớn nhất cả nước nhưng do số lượng giám khảo được huy động rất lớn, thiết bị chấm trắc nghiệm cũng được trang bị gấp cả chục lần so với tỉnh vùng sâu, vùng xa, nên dự kiến sẽ sớm hoàn tất chấm thi trước ngày 24.8…
Câu hỏi đặt ra là các địa phương hoàn tất chấm thi sớm có được công bố kết quả trước ngày 27.8 hay không? Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, khẳng định cả 63 tỉnh, thành trong cả nước đều sẽ công bố kết quả thi trong ngày duy nhất 27.8. Khi chấm thi xong, có kết quả, cần báo cáo ngay với Bộ GD-ĐT để đối sánh dữ liệu. Khi công bố điểm thi, chỉ cung cấp thông tin số báo danh và điểm thi, tuyệt đối không cung cấp họ và tên của TS.
|
Hướng dẫn chấm rõ ràng nên giảm tải xử lý vướng mắc
Nhiều giám khảo đều đánh giá hướng dẫn chấm năm nay tường minh, dễ vận dụng, nên khi chấm chung và thảo luận đi đến thống nhất không bị mất nhiều thời gian để giải đáp các vướng mắc, trước khi chấm chính thức.
Bà Nguyễn Thu Hà, Phó trưởng ban Chấm thi tự luận của Hà Nội, cho biết: “Sau khi chấm chung 10 bài, lãnh đạo ban chấm thi cũng không nhận được phản ánh việc chấm chung có vướng mắc gì, việc chấm thi nhìn chung rất thuận lợi”.
Ông Đinh Ngọc Sơn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng ban Chấm thi tự luận của Quảng Ninh, cũng khẳng định do hướng dẫn chấm và biểu điểm năm nay rõ ràng nên ban lãnh đạo chấm tự luận không phải vất vả xử lý những vấn đề khúc mắc trong quá trình chấm. Nếu như mọi năm, khi chấm chung và cả chấm chính thức còn có hiện tượng chấm chưa đều tay, “run tay” của giám khảo vì sợ sai so với hướng dẫn chấm, thì năm nay chưa gặp phải vấn đề này.
Ông Sơn cũng cho hay chất lượng bài làm môn ngữ văn cho thấy phổ điểm sẽ không bị quá lệch về phía nào. Cụ thể, phổ điểm khi chấm chung 10 bài thi có mức từ 3,5 - 7 điểm.
Tại TP.HCM, đa số giám khảo chấm đều tay môn ngữ văn nên lệch điểm giữa hai vòng chấm không nhiều. Một phần là do hướng dẫn chấm cũng rõ ràng chi tiết. “Điểm số phản ánh sự phân loại TS rất rõ, có phòng thi nhiều bó bài nhiều điểm dưới 5. Song có nhiều phòng điểm tương đối cao, điểm 7, 8 khá nhiều. Hiện chưa thấy bài bị điểm liệt, dưới 1 điểm”, một giám khảo cho biết.
Tuyết Mai - Hậu Nguyên
|
Bình luận (0)