Chân cầu Hàm Rồng tiếp tục bị sụt lún sau sửa chữa

27/04/2019 16:18 GMT+7

Mới hoàn thành sửa chữa được một thời gian ngắn, nhưng khu vực chân cầu Hàm Rồng (đầu cầu thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa) lại tiếp tục sụt lún, đe dọa an toàn cầu.

Ngày 27.4, theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, khu vực tứ nón (gồm vật liệu đất, đá xây bao quanh mố cầu) của chân cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã (thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa) đang bị sụt lún. Dù mố cầu này mới được các cơ quan chức năng tiến hành sửa chữa cách đây chưa lâu.
Theo đó, một vết sụt dài kéo từ trên đỉnh xuống chân tứ nón đã làm lở lớp đá hộc gắn bằng xi măng vừa được Công ty CP đường sắt Thanh Hóa (đơn vị quản lý cầu Ham Rồng) thi công.
Dọc mố cầu, hiện tượng sụt cũng diễn ra tương tự. Ngoài ra, trên bề mặt tứ nón cũng đang xuất hiện nhiều vết nứt theo hướng thẳng đứng. Các điểm sụt lún có độ sâu trung bình từ 50 – 70 cm.
Các vị trí sụt lún sâu từ 50-70 cm ẢNH MINH HẢI
Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, do ảnh hưởng của trận mưa lũ những ngày cuối tháng 8.2018, khu vực chân cầu Hàm Rồng ở phía nam bắt đầu xuất hiện hiện tượng sụt lún.
Đến ngày 12.10.2018, Công ty CP đường sắt Thanh Hóa đã ghi nhận việc sụt lún khu vực chân cầu Hàm Rồng là rất nghiêm trọng. Không chỉ sụt lún tứ nón, phía dưới bản giảm tải nối giữa cầu và đường bộ cũng bị sạt lở. Nhiều thanh gỗ được lắp đặt giữa cầu và đường bộ có tác dụng giảm tải đã bị rơi ra ngoài.
Nguyên nhân của việc sụt lún được Công ty CP đường sắt Thanh Hóa đánh giá là do mưa lũ và thay đổi dòng chảy của sông Mã đoạn gần cầu Hàm Rồng gây ra.
Mặc dù việc sửa chữa mới hoàn thành được hơn 4 tháng, nhưng sụt lún tiếp tục diễn ra ẢNH MINH HẢI
Đến cuối tháng 11.2018, Công ty CP đường sắt Thanh Hóa đã huy động lực lượng tiến hành sửa chữa, khắc phục tạm thời. Phương án sửa chữa là đắp thêm đất vào tứ nón, sau đó phủ kín mặt tứ nón bằng lớp đá gắn bằng xi măng.
Riêng phần chân khay tứ nón thì được khắc phục bằng cách sắp xếp rọ đá bao quanh để chống xói lở từ dòng chảy. Đến cuối năm 2018, việc sửa chữa hoàn thành, nhưng hiện nay, hiện tượng sụt lún lại tiếp tục diễn ra và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nguyên nhân được nhận định là do dòng chảy sông Mã thay đổi ẢNH MINH HẢI
Ông Hoàng Gia Khánh, Giám đốc Công ty CP đường sắt Thanh Hóa, cho biết về lâu dài, khu vực trên phải có dự án kiên cố hoá, có thể dùng cọc khoan nhồi xung quanh chân mố sau đó đổ bê tông để giữ ổn định tứ nón, chống xói lở...
Về lâu dài, đơn vị quản lý cầu cho rằng phải có dự án kiên cố ẢNH MINH HẢI
Cầu Hàm Rồng có 2 nhịp, kết cấu dàn thép kết bu lông cường độ cao. Mặt cầu gồm 2 phần, phần đường sắt ở giữa và đường bộ chạy 2 bên. Cầu có tải trọng thiết kế là T14, tốc độ tàu sắt chạy qua khu gian này cao nhất là 80 km/giờ.
Cầu Hàm Rồng không chỉ nối liền mạch giao thông đường sắt bắc - nam mà còn là chứng tích lịch sử ẢNH MINH HẢI
Ngày nay, cầu Hầm Rồng không chỉ nối liền tuyến đường sắt huyết mạch bắc - nam, tuyến giao thông đường bộ ra vào thành phố Thanh Hóa, cầu còn là chứng tích lịch sử gắn với sự kiện Hàm Rồng chiến thắng ngày 3 - 4.4.1965, khi quân và dân Hàm Rồng - Nam Ngạn đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ.
Trong chiến tranh chống Mỹ, cầu Hàm Rồng là trọng điểm bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.