Chặn đăng kiểm nếu chưa nộp phạt

01/10/2017 07:30 GMT+7

Nhiều chủ xe ô tô khi đi đăng kiểm bị từ chối mới biết mình bị phạt nguội trước đó. Có trường hợp bị phạt đến cả chục lần đến khi đăng kiểm mới hay.

Cho mượn xe, bị phạt không biết
Anh Bùi Gia (ngụ Hà Nội) cho biết khi đưa xe đi đăng kiểm mới biết mình bị “dính” một lỗi phạt tận trong Đà Nẵng nên bị chặn lại chưa cho đăng kiểm. Kiểm tra thông tin phạt, anh Gia mới nhớ lại trong một lần đi công tác ở Đà Nẵng cuối năm 2016, người khác mượn xe anh sử dụng bị phạt lỗi đỗ xe sai vị trí với số tiền 800.000 đồng. “Rất may, khi liên hệ với CSGT Đà Nẵng, tôi được phép chuyển khoản tiền phạt, nên không phải vào tận nơi đóng tiền”, anh Bùi Gia nói.
Trường hợp khác là xe BS 30A-569... của ông Đ.D.C (ngụ Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị phạt nguội lỗi không dừng theo đèn tín hiệu từ ngày 2.5.2016. Tuy nhiên mãi khi đến đăng kiểm vào cuối tháng 8.2017, ông Cường mới biết mình bị dính lỗi và ngậm ngùi đi nộp phạt.
Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Cục phó Cục Đăng kiểm VN, bên cạnh tình trạng chủ xe nhận giấy nhưng cố tình không nộp phạt, cũng có nhiều trường hợp “dở khóc dở cười” khi cho mượn xe bị dính phạt, đăng ký xe một nơi địa chỉ cư trú nơi khác nên giấy phạt không đến tay khổ chủ. Tương đối phổ biến là người mua xe cũ khi đi đăng kiểm mới “té ngửa” vì không biết chủ xe trước bị phạt, với số tiền cộng dồn cả lãi cao hơn nhiều so với tiền phạt ban đầu.
Ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) 29-03S, cho biết nhiều trường hợp đến trung tâm mới biết mình bị phạt nguội. Có trường hợp chủ xe phản ứng, nhân viên đăng kiểm phải giải thích. “Phía CSGT gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính về Cục Đăng kiểm, Cục đưa dữ liệu vào hệ thống và gửi bản sao quyết định cho các trung tâm đăng kiểm. Chỉ những xe vi phạm mà không nộp phạt trong thời gian dài mới được gửi về đăng kiểm để cảnh báo vi phạm, dừng đăng kiểm”.
Theo ông Hải, có nhiều trường hợp người vi phạm không phải chủ xe, nhưng để được đăng kiểm thì chủ xe vẫn phải nộp phạt. Việc phối hợp này căn cứ vào Thông tư 70/BGTVT-2015, điều 4 khoản 6 quy định, xe không được kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định.
Nên xây dựng hệ thống dữ liệu chung
Ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN), cho biết trong năm 2016 Cục chỉ nhận được đề nghị từ chối đăng kiểm 2.800 ô tô vi phạm, nhưng con số này đã tăng vọt trong năm 2017. Chỉ tính đến ngày 15.9, danh sách đề nghị từ chối đăng kiểm được CSGT, thanh tra giao thông các tỉnh thành gửi sang Cục đã lên hơn 16.000 trường hợp, tính đến nay mới chỉ có 5.500 chủ xe chấp hành nộp phạt và được đăng kiểm trở lại.
Cụ thể, với những trường hợp vi phạm, CSGT hoặc thanh tra giao thông tại các địa phương gửi công văn cho Cục Đăng kiểm đề nghị phối hợp giải quyết vi phạm hành chính, ghi rõ thông tin xe bị phạt, ngày tháng vi phạm, bị phạt vì lỗi gì, khi nào có văn bản, chứng từ nộp phạt mới dỡ cảnh báo, cho phép các TTĐK tiếp nhận phương tiện. Những thông tin này sẽ được lưu lại, chuyển hình ảnh cho các TTĐK, trường hợp khách hàng thắc mắc sẽ cung cấp.
Theo ông Hệ, con số hơn 16.000 xe vi phạm không chỉ những xe bị phạt nguội, mà cả những trường hợp bị phạt “nóng”, giữ giấy tờ xe, bị lập biên bản nhưng cố tình không nộp phạt. “Có trường hợp bị giữ giấy chứng nhận kiểm định, nhưng báo mất để đi đăng kiểm lại, nhưng nhờ thông tin lưu trên hệ thống tại các TTĐK nên biết xe vi phạm, không được kiểm định”, ông Hệ nói.
Xe đến đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm 29-02S (Hà Nội) Ảnh: Ngọc Thắng
Ông Nguyễn Hữu Trí cho rằng, cơ chế thông tin vi phạm của lực lượng chức năng như CSGT tới chủ xe rất quan trọng, có thể xây dựng trang web tra cứu của CSGT về các xe vi phạm để chủ xe nắm rõ hơn thông tin mình bị phạt nguội không để đi nộp phạt kịp thời. Đặc biệt người mua xe cũ có thể tra cứu để biết chủ xe cũ có nợ phạt nguội không.
Ông Ngô Hồng Hệ cho rằng, việc phối hợp giữa ngành giao thông và công an rất quan trọng trong xử lý các vi phạm hành chính. Tuy nhiên, cũng có trường hợp đã chấp hành xử phạt nhưng đơn vị xử phạt quên phản hồi với phía đăng kiểm nên xe chưa được đăng kiểm ngay. Để thuận lợi cho cả chủ xe, đăng kiểm, theo ông Hệ, các đơn vị sau khi hoàn thành xử phạt xe vi phạm cần gửi ngay đến Cục Đăng kiểm để dỡ cảnh báo trên hệ thống. Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống dữ liệu điện tử quản lý xe cơ giới trên cả nước, đồng bộ hóa dữ liệu để người dân tiện tra cứu cũng như thuận tiện.
Đúng quy định của pháp luật
Về việc cơ quan đăng kiểm từ chối kiểm định xe cơ giới đối với những xe bị phạt nguội, theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM), căn cứ quy định tại khoản 6 điều 4 Thông tư 70/2015/TT-BGTVT ngày 9.11.2015 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, cơ quan kiểm định không được thực hiện kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định. Ngoài ra, căn cứ quy định tại khoản 7, khoản 8 điều 76 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, cơ quan, người có thẩm quyền được quyền căn cứ vào thông tin qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính. Đây là hình thức được gọi là “phạt nguội”.
Để bảo đảm việc thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính này, CSGT có quyền gửi văn bản cho ngành kiểm định đề nghị không tiến hành kiểm định đối với các phương tiện vi phạm, việc này là góp phần bảo đảm các quyết định xử phạt hành chính được thực hiện, nâng cao hiệu quả xử lý đối với tài xế vi phạm. Ngành đăng kiểm không đăng kiểm cho xe cơ giới khi có văn bản đề nghị của CGST về việc xe chưa thực hiện nghĩa vụ nộp phạt là đúng quy định pháp luật.
Đàm Huy - Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.