Chân dung thủ khoa

28/07/2014 09:00 GMT+7

Mẫu số chung của các thủ khoa là đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Chính sự nghèo khó đã làm cho con người có sức vươn lên thật mãnh liệt. 3 thủ khoa mà chúng tôi giới thiệu dưới đây đã minh chứng điều đó.

Chân dung thủ khoa 1
Phạm Thị Ngọc Biển - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ gánh đậu hũ của mẹ

Cha mất, một mình mẹ tảo tần nuôi 3 anh em ăn học, đó là động lực lớn nhất để Phạm Thị Ngọc Biển, học sinh Trường THPT Lăk, Đắk Lắk cố gắng học và trở thành thủ khoa Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM với điểm số 26. 

Từ khi chồng mất, gánh nặng gia đình đã nằm trên gánh đậu hũ mà hằng ngày cô Nguyễn Thị Bê (mẹ của Biển) len lỏi đi bán ở các con hẻm trong thị trấn. Mỗi ngày, gánh đậu hũ nhiều nhất cũng chỉ đem về 50.000 - 70.000 đồng. Những ngày này, dù trời mưa phùn kéo dài cô Bê vẫn không dám nghỉ bán. Cô nói: “Biển lúc nào cũng nói con là niềm hy vọng của mẹ, mẹ cứ yên tâm. Nên dù có cực mấy cô cũng cố gắng cho con ăn học”.

Nghị là anh trai của Biển hiện đang theo học Trường ĐH Quy Nhơn. Ngoài giờ học, Nghị cũng phải làm thêm công việc chạy bàn ở quán cà phê để có tiền trang trải cuộc sống và gửi về phụ giúp mẹ nuôi 2 em ăn học.

Hằng ngày ngoài giờ học, Biển gần như lo hết mọi công việc lặt vặt trong gia đình và kèm thêm đứa em đang học lớp 7. Không phải là một học sinh quá xuất sắc trong suốt 12 năm học, nhưng điều khiến Biển có thể đạt kết quả cao chính là việc tự xác định đúng hướng đi cho mình. Biết mình hợp với các môn xã hội, nên ngay từ khi học THCS, Biển đã đầu tư cho những môn này. Khi lên THPT, Biển cũng tham gia thi kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn văn, đoạt 2 giải ba năm lớp 11 và 12.

Ban đầu, Biển định tự ôn thi ở nhà vì không có điều kiện học thêm. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, các thầy giáo trong trường đều động viên và giúp Biển ôn tập mà không lấy tiền học phí. Thầy Bùi Quang Định (giáo viên dạy văn của Biển) cho biết: “Tôi đồng ý ôn tập miễn phí cho Biển vì thấy em có tinh thần học tập tốt, hiếu học, có ý chí, nghị lực vượt qua những khó khăn do hoàn cảnh gia đình”.

Bí quyết giúp Biển học tốt chính là nhờ vào sơ đồ tư duy. Trong cả 3 môn của khối C, Biển đều áp dụng cách này. Với môn sử, Biển lập sơ đồ tư duy các mốc sự kiện tiêu biểu theo từng thời kỳ, chứ không học lan man. Còn ở môn địa, ngoài những gì thầy cô đã dạy, Biển còn bổ sung thêm những ý kiến riêng mà mình cho là đúng. Kèm theo đó là cố gắng học thuộc thật nhiều để nắm thật chắc. Riêng với môn văn, đây là môn sở trường yêu thích của Biển nên chỉ cần thầy cô giảng thấy hay là sẽ ghi nhớ trong đầu.

Hồng Thắm 

Mồ côi tội lắm ai ơi !

Mồ côi cả mẹ lẫn cha, Nguyễn Thị Bích Phượng, Trường THPT Trà Bồng, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi bất ngờ đỗ thủ khoa ngành sư phạm văn Trường ĐH Phạm Văn Đồng với 27 điểm.

Chân dung thủ khoa 2
Nguyễn Thị Bích Phượng - Ảnh: P.U

Phượng sinh ra ở một huyện vùng cao Quảng Ngãi. Cha mẹ lần lượt ra đi vì bệnh hiểm nghèo, em lớn lên nhờ sự bao bọc, chở che của ông nội. Cụ Nguyễn Tào (76 tuổi) dù tuổi già vai mỏi nhưng vẫn cóp nhặt từng đồng ít ỏi để nuôi cháu đi học. Cụ Tào nhìn lên bàn thờ nói với người đã khuất: “Hôm nay là ngày vui nhất của nhà mình, cháu học hành như vậy thì cha mẹ cháu mãn nguyện lắm”.

Cụ Tào kể: “Năm Phượng học lớp 9 thì mẹ mất, 3 năm sau cha qua đời, mà lúc nào cũng đúng mùa thi”. Thương cháu thiệt thòi, ông nội không quản ngại vất vả, ông nuôi gà, làm ruộng nuôi Phượng và phụ cho anh trai của Phượng đang vừa làm vừa học ĐH ở Huế.

Buồn và hụt hẫng vì không còn ba mẹ, tình thương của ông nội là động lực giúp Phượng vượt qua những giai đoạn khó khăn, đạt học sinh giỏi suốt 12 năm liền. Ông nội Phượng tự hào khoe cháu chăm làm: “Cắt lúa, nhổ cỏ, cho gà ăn, ông làm cái gì nó cũng đều xin giúp hết, sợ ảnh hưởng đến việc học ông bảo để ông làm mà nó không nghe”.

Là học sinh miền núi, lại học khối xã hội nên Phượng không đi học thêm. Sau giờ học là xắn tay giúp ông nội, đêm xuống Phượng lại chong đèn ngồi vào bàn học.

Chia sẻ về bí quyết học tập, Phượng khiêm tốn: “Cần cù bù thông minh. Ngoài học trong sách giáo khoa, tối nào em cũng xem thời sự cùng ông nội để có kiến thức xã hội, em nghĩ dù học khối gì cũng phải có kiến thức xã hội mới hoàn thiện bản thân được”.

Phong Uy

Lo không có tiền để học

Đỗ thủ khoa Trường ĐH Bách khoa TP.HCM với 28,25 điểm, nhưng gia đình em Trần Văn Cường (thôn Nam Trung, xã Trung Lễ, H.Đức Thọ, Hà Tĩnh) đang lo lắng vì không biết lấy tiền đâu cho con học hành.

Chân dung thủ khoa 3
Ngoài giờ học, Cường giúp gia đình làm những công việc nội trợ - Ảnh: Nguyên Dũng

Bà Nguyễn Thị Trung (mẹ Cường) nói: “Tôi mừng ứa nước mắt nhưng rồi lại thấy rất lo. Lo vì gia đình quá nghèo, không biết lấy đâu ra tiền để nuôi con ăn học thời gian tới”, bà Trung lo lắng.

Hơn 10 năm nay, ông Trần Văn Như (bố Cường) bị bệnh thần kinh, mất trí nhớ và không thể tự chăm sóc được bản thân. Mọi gánh nặng mưu sinh trong gia đình đặt nặng lên đôi vai gầy yếu của bà Trung. “Chừ gia đình chẳng còn gì để bán, ngoài cái sổ đỏ nhà đất là có thể cầm cố”, bà Trung nói trong nước mắt.

Trưa 25.7, lúc chúng tôi đến thăm, trong căn nhà cấp bốn nhỏ bé, xiêu vẹo của cậu thủ khoa nghèo quê Hà Tĩnh không có một vật dụng gì giá trị, ngoài bộ bàn ghế cũ, một cái quạt điện được sắm từ lâu, chiếc giường gỗ cũ vốn là nơi ngủ và cũng là bàn học của Cường.

Nhiều năm nay, thương mẹ vất vả, mỗi ngày ngoài giờ học, Cường phụ mẹ chăm bố bệnh tật và làm các công việc như: chăn bò, nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo… Lúc đến mùa vụ, Cường lại ra đồng cấy lúa, gặt hái đỡ đần mẹ.

Nhà nghèo, Cường không đi học thêm mà chỉ tự học ở nhà. Nhưng kết quả Cường đã đoạt giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 10; giải nhì cấp tỉnh lớp 11; giải ba môn toán quốc gia năm lớp 12 và năm nay là thủ khoa Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

Ông Lê Văn Lương, Bí thư Đảng ủy xã Trung Lễ, cho biết nhiều năm nay gia đình em Cường thuộc diện hộ nghèo của xã. “Dù địa phương đã hỗ trợ nhiều nhưng đó chỉ là sự chia sẻ tạm thời mà thôi”, ông Lương nói. 

Nguyên Dũng

>> Cô thủ khoa mê sử
>> 3 chàng thủ khoa một trường đại học
>> Thủ khoa kép đầu tiên được nhận học bổng 100 triệu đồng
>> Thủ khoa Đại học Quảng Nam: Quyết đậu đại học để ba thấy vui
>> Niềm vui thủ khoa đan xen nỗi buồn
>> Thủ khoa đầu tiên đạt 29 điểm
>> Thủ khoa 39,5 điểm: Học với tinh thần thoải mái
>> Gặp gỡ 2 thủ khoa 3 cùng  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.