Đời binh nghiệp
Ông Lưu Văn Tàu - em vợ cụ Thủ khoa - nói trong một cuộc phỏng vấn năm 1936 rằng cụ được cử đi tham gia đánh giặc Cao Miên. Ông Tàu cho biết:
"Giặc yên được một ít lâu, thì nó lại làm phản nữa, chuyến nầy quan quân ta bị bắt và bị hại rất nhiều. Ngài cũng bị bắt, may nhờ tướng ngài tốt, người đẩy [đẫy] đà mặt rộng trán cao, râu dài chí lưng quần, nên quan Cao-miên có lòng kính nể tâu làm sao với vua Ong-Đuôn, nên ngài được thả. Vua cho ghe ngô đưa ngài về Bắc-nam (là Ba-nam bây giờ. Ở đó có người Annam ở nhiều) rồi mới đưa ngài về Tịnh-biên".
Trực Thần Nguyễn Trung Ngôn lại nói rằng "cụ được tùng dưới quyền của Hùng - dõng đại tướng - quân Nguyễn thanh-Nhân (sau làm An-hà tổng-đốc). Thời may cụ lại nhập chung đội với người em bạn dì là ông quản Kiệm. Khi ra dẹp loạn dân thổ ở gần biên giới, chính ông nầy đã "giúp" cụ "một mớ thủ cấp" quân nghịch. Nhờ công trạng đó, cụ được thăng lên chức phó quản cơ và được giao giữ đồn Vĩnh-thông (An-giang)". Hùng Dõng đại tướng ở đây là Nguyễn Công Nhàn.
Tác giả Nguyễn Văn Nghĩa thì cho rằng cụ được cử đi làm Thủ ngữ ở đồn Vĩnh Thông trước, rồi mới đánh nhau với quân Cao Miên và bị bắt sau. Mặc dù vậy, việc cụ đồn thú ở Vĩnh Thông hẳn là sự thực. Cụ còn nhiều thơ và câu đối được sáng tác trong thời kỳ ở đây như bài Vĩnh Thông đồn trấn, Kinh quá Hà Âm cảm tác, Đi thuyền qua núi Sập, hoặc câu đối tiễn một vị quan ở Châu Đốc.
Theo lời kể của những người thân trong gia đình, khi vợ cụ là bà Nguyễn Thị Tồn qua đời, cụ đang đóng thú nên không thể về kịp. Cụ cưới người vợ kế là Lưu Thị Hoán - một người gốc Hoa ngụ cư ở Tịnh Biên. Em vợ ông là Lưu Văn Tàu nhớ lại: "Khi Ngài Thủ-Khoa về thú ở Tịnh-biên, thì tôi còn nhỏ lắm. Ngài là người có tài có danh, ai cũng có lòng phục. Khi Ngài cưới người chị thứ tư của tôi, chị mới có 16 tuổi, mà đầu Ngài đã bạc hoa râm rồi".
Về chức vụ của cụ lúc đó, ông Lưu Văn Tàu cho biết: "Tôi chỉ nghe gọi Ngài Thủ-Khoa, chớ không nghe kêu chức gì, thấy các quan ai cũng phục Ngài. Giặc thì không thấy Ngài đánh, nhưng hễ có giấy tờ chi chạy về cho Vua, thì ai cũng nhường cho Ngài viết cả. Đi đám nào phải có làm đối, liễng [liễn] hay bài chi dầu có ông Bố, ông Án, mấy ổng cũng nhường cho Ngài làm".
Quốc triều hương khoa lục cho biết cụ "mắc lỗi, mộ nghĩa quân tòng nhung, được trao chức Quản cơ". Điều này cho thấy cụ được chức quan võ không phải vì chiến công đánh giặc, mà vì công lao mộ nghĩa quân. Đại Nam thực lục vào tháng giêng năm Tự Đức thứ 14 (1861) có chép: "Định lệ thưởng cho người mộ dõng thuộc Nam kỳ (5 tỉnh là Biên Hòa, Long, Tường, An, Hà), ai mộ được 50 tên dõng đi theo tỉnh hoặc theo quân thứ sai phái thì thưởng thụ suất đội, trật tòng ngũ phẩm; mộ đủ 500 tên, thì thưởng thụ quản cơ, trật chánh tứ phẩm". Cụ mộ "nghĩa quân tòng nhung, được trao chức Quản cơ" có lẽ là theo chính sách này.
Bấy giờ người Pháp đã xâm chiếm Nam kỳ. Cụ Thủ khoa từng xông xáo trong những ngày tháng hỗn loạn của cuộc binh biến Phan Yên, chắc cũng không thể ngồi yên. Trong bài thơ Đi thuyền qua núi Sập, cụ đã dùng hình ảnh Tổ Thích múa gươm, quyết đánh đuổi giặc Hồ xâm lăng để tự ví mình: "Gà gáy học đòi người dậy múa; Luống e năm tháng để ta đà". Hay như trong bài Ai xui Tây đến, cụ có nói: "Nam kỳ đâu thiếu người trung nghĩa; Báo quốc cần vương há một ta?".
Chính vì những hoạt động chống Pháp này nên sau khi thực dân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây, cụ bị thực dân Pháp bắt giam. Gia Định báo ngày 15.4.1868 có nói đến việc: "Bùi-hữu Ngãi, sáu mươi mốt tuổi, ở làng Bình thủy (Sađéc); Bùi-hữu Lộc, năm mươi bảy tuổi, cũng ở một làng; hai người ấy phải ở tù mười năm, từ ngày mười sáu tháng décembre 1867, vì có tội theo giặc". Bùi Hữu Lộc có lẽ là em trai của cụ. Cũng báo này cho biết cả hai được tha khỏi tù, vì: "Ông phủ Tường chịu nhận lãnh hai người ấy mà ở Saigon. Quan Nguyên-soái tha hai người ấy vì đã già cả, lại hay chữ nhiều". Phủ Tường nói ở đây chính là Tôn Thọ Tường.
Những năm cuối đời
Không rõ cụ Thủ khoa ở Sài Gòn bao lâu, sau đó cụ trở về Bình Thủy. Ông Lưu Văn Tàu có kể lại: "Lúc Ngài ở Tịnh-biên tôi còn nhỏ lắm, không biết chi, còn về công nghiệp Ngài thì tôi cũng không nghe ai nói. Sau khi Ngài về Bình-thủy ít lâu, lúc ấy tôi được 14 - 15 tuổi, khi tôi theo Ngài mà học. Ngài đi đâu có tôi theo hầu hạ. Lúc mới về Long-tuyền, Ngài mua chợ Bình-thủy lại của ông quản Sang, và vài sở đất. Chợ khi ấy còn nghèo lắm, đất cũng không có huê lợi bao nhiêu, Ngài nhờ có lương hưu trí lâu lâu đi lãnh một lần trên Châu-đốc, lúc ấy còn sáu tỉnh nên làng Long-tuyền thuộc về tỉnh An-giang, tức là Châu-đốc. Ngài là người phong lưu, ngoài ra dạy học-trò, thì hoặc đi câu, hoặc đánh cờ, uống rượu, ngâm thơ".
Về dáng vẻ của cụ lúc cuối đời, ông Lưu Văn Tàu cho biết: "Ngài người bao giờ cũng mập tốt, râu dài, đầu bạc, coi lịch sự lắm mà. Vậy mà Ngài đau có bốn hôm thì chết. Mà cũng kỳ, Ngài biết trước giờ chết của Ngài". Cụ qua đời ngày 21 tháng giêng năm Nhâm Thân (1872).
Bình luận (0)