Như Thanh Niên thông tin, gần đây, ở Long An, Tây Ninh và một số tỉnh lân cận giáp biên giới Campuchia xuất hiện nhiều người cắm cọc tre cao hơn 3 m tạo thành hàng dài hơn 100 m, sau đó lấy lưới cao 2 - 3 m gắn vào rồi dùng loa phát âm thanh dụ chim yến đến để dùng lưới chụp bắt. Loại lưới này gọi là "tàng hình" do sợi nhỏ, treo lên cách mặt đất 1 m, chim yến không nhìn thấy nên lao vào và dính bẫy.
Ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Yến sào tỉnh Phú Yên, Phó chủ tịch Hiệp hội Yến sào VN, cho biết theo thống kê hiện nghề dẫn dụ chim yến của nước ta tập trung trên 42 tỉnh, thành với khoảng 24.000 nhà yến. Nghề nuôi yến hiện thu hoạch sản lượng khoảng 120 tấn tổ yến, giá trị thu về mỗi năm trên 500 triệu USD và tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động. Tuy nhiên, thống kê cho thấy sản lượng đàn chim yến cũng như chất lượng tổ yến năm nay có phần giảm sút. Trong đó, số lượng đàn chim yến giảm mạnh ở vùng ven biển từ Bình Thuận đến Ðà Nẵng.
Nạn săn bắt chim yến không phải chỉ mới xuất hiện gần đây mà nhiều năm trước đã từng rộ lên, khiến rất nhiều nhà yến ở khu vực Ðông Nam bộ, Tây nguyên và các tỉnh lân cận rơi vào tình trạng số lượng đàn chim trong nhà giảm mạnh. Không những thế, tình trạng chim non đói chết cũng xuất hiện nhiều tại các nhà yến do chim bố mẹ bị bẫy bắt.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 595 về việc tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn bắt chim yến trái phép… Trong đó, tổ chức tuyên truyền người dân không bẫy, bắt, tiêu thụ chim yến; kịp thời tố giác hành vi săn bắt chim yến trái phép; thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra, ngăn chặn, tháo dỡ, thu hồi các phương tiện bẫy, bắt; tổ chức triệt phá dứt điểm các tụ điểm buôn bán chim hoang dã, chim yến trái pháp luật...
Xem nhanh 12h ngày 8.8: Đàn bò tót lai gầy trơ xương giờ ra sao | Hy hữu vụ trộm nhà nuôi chim yến
Cảnh báo nạn đánh bắt kiểu "tận diệt"
Nhiều bạn đọc (BÐ) lên án việc đánh bắt chim kiểu tận diệt như thế. BÐ Teo Nguyen Van kể: "Người làm vườn cho mình cũng giăng lưới kiểu này để bắt chim. Khi mình phát hiện thì rất nhiều loại chim to nhỏ, đủ màu sắc dính lưới, có nhiều con đã chết... Mình đã yêu cầu dẹp ngay, vì không thể tận diệt như vậy được". BÐ Alainguest19902 cũng kể: "Sáng sớm tôi đi tập thể dục thường thấy một ông trung niên đi xe máy mang theo 1 cái lồng sắt phía sau xe, 1 cây sào dài, 1 cái loa phát ra tiếng chim và 1 tấm lưới… Ông hay đến những nơi có nhiều cây xanh như đường Nguyễn Du, Nguyễn Trung Trực, Huyền Trân Công Chúa (Q.1, TP.HCM) để bẫy chim. Biết nhưng không thể làm cách nào ngăn được. Mong sao chính quyền có những biện pháp ngăn chặn những người này".
Nói về tác hại của kiểu đánh bắt tận diệt này, BÐ Trịnh Cường cho rằng: "Hoàn toàn không nên. Có thể xem đây là tận diệt chim yến, phá hoại cân bằng sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường". BÐ TVÐ cũng bức xúc: "Việc làm này rất đáng chê trách, là phá hoại thiên nhiên, gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi yến".
"Nghề nuôi chim yến mỗi năm thu về khoảng 500 triệu USD, tạo nhiều công ăn việc làm, vậy mà chưa được quan tâm đúng mức… Tình trạng tận diệt chim yến xảy ra ở nhiều nơi như này thì đáng lo quá!", BÐ Thanh Nguyen bày tỏ.
Hai thợ hồ xây nhà yến rồi đi trộm tổ chim yến
Thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt
Muốn ngăn chặn được kiểu đánh bắt tận diệt như vậy, nhiều BÐ cho rằng cơ quan chức năng cần phải thường xuyên kiểm tra, mạnh tay xử phạt. BÐ Duc Tai Truong viết: "Cần xử lý mạnh tay, thậm chí phạt tù, vì đây là hành động săn bắt động vật trái phép, là hoạt động phá hoại một ngành kinh tế". BÐ Hung Pham đề nghị: "Cần nghiêm trị hành động bẫy chim như thế này. Các địa phương cần tuyên truyền đến từng thôn, xã đồng thời có khung xử phạt đủ răn đe những hành động hủy hoại thiên nhiên".
Ở một góc nhìn khác, BÐ Quangdienpve góp ý: "Cần dẹp nạn phóng sanh chim cá. Mua chim, cá rồi phóng sinh là vô tình tiếp tay cho kẻ xấu bắt cá, chim". BÐ Quang Tien cũng cho rằng: "Lỗi một phần thuộc về những người mua chim, cá phóng sanh, bởi càng phóng sanh nhiều thì càng làm tội cho loài được phóng sanh".
"Ðiều cần làm ngay là các cơ quan hữu quan phải đề xuất Chính phủ ban hành một văn bản cấm đánh bắt các loài vật thiên nhiên không phải là động vật quý hiếm trong một thời gian nhất định hằng năm, nhằm đảm bảo cho việc sinh sôi, phát triển và đa dạng hóa các loài động vật thiên nhiên. Rất mong làm càng sớm càng tốt", BÐ NVH kiến nghị.
Bình luận (0)