Trong đó xuất khẩu thịt heo chiếm từ 15 - 20%; xuất khẩu thịt, trứng gia cầm đạt 20 - 25%.
Bình luận về mục tiêu này, TS Đoàn Xuân Trúc cho rằng, nếu so với nhu cầu của thế giới thì mục tiêu đặt ra như vậy là không cao nhưng với hiện trạng ngành chăn nuôi hiện nay: chất lượng giống thấp, chưa có các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chi phí chăn nuôi cao… thì ngành cần phải cải tổ một cách toàn diện.
Theo ông Trúc, chăn nuôi heo có nhiều lợi thế xuất khẩu khi thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc nằm ngay bên cạnh. Nhưng nếu không tổ chức được vùng chăn nuôi an toàn sinh học, không có giết mổ hiện đại, chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau giống như Thái Lan thì rất khó để xuất khẩu. “Chăn nuôi xuất khẩu được cần đầu tư mạnh về công nghệ giết mổ, chế biến và dự trữ đông lạnh. Thực tế hiện nay vật nuôi đến thời kỳ trưởng thành là đưa vào giết mổ tươi sống, không được chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau hoặc để dự trữ mà cứ đưa ồ ạt ra thị trường dẫn đến dư thừa lại phải hô hào giải cứu là vì thế”, ông Trúc nói.
Ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho rằng chiến lược chăn nuôi tập trung cho các vùng trọng điểm với sản phẩm chiến lược, đảm bảo an toàn dịch bệnh tránh sự phát triển ồ ạt cạnh tranh số lượng giữa các địa phương. Theo ông Chánh, qua kinh nghiệm xuất khẩu thịt gà đi Nhật Bản thành công, trong năm 2021 Đồng Nai sẽ tập trung xử lý nốt 10% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư phát triển thành trang trại tập trung; tập trung đẩy mạnh xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để gia tăng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Còn theo ông Đào Mạnh Lương, Tổng giám đốc Công ty Mavin, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành chăn nuôi là vấn đề lâu nay gần như không được quan tâm. Nếu đặt mục tiêu xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi thì phải khuyến khích nghiên cứu các nguyên liệu đầu vào. “Dẫn chứng ngay a xít phốt phát một năm ngành chăn nuôi phải chi nhiều ngoại tệ để nhập khẩu trong khi VN có nhiều mỏ khai thác apatit nhưng lại không chế biến được”, ông Lương nói.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, xây dựng chiến lược mới trong 10 năm để xác định lại vị thế chăn nuôi phải là ngành trọng điểm trong nông nghiệp. “Ngành chăn nuôi phải hướng đến mục tiêu xuất khẩu. Sản phẩm muốn bán trong nước, xuất khẩu được đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường, từ đó các ngành phải tái cơ cấu một cách chủ đích và đây là áp lực cần thiết để tới đây các ngành trong chăn nuôi buộc phải làm, không làm cũng không được”, ông Cường nói.
Bình luận (0)