Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt gần 741 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 302,3 triệu USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
30.000 - 40.000 đồng/kg thịt đông lạnh
Hiện giá heo hơi trong nước đang ở mức 49.000 - 50.000 đồng/kg, mức giá này thấp hơn giá thành sản xuất ít nhất 5.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi thua lỗ. Thế nhưng trên thị trường, nhiều sản phẩm thịt đông lạnh từ các chợ truyền thống, siêu thị, đến chợ mạng (mạng xã hội) phổ biến chỉ 30.000 - 40.000 đồng/kg.
Chị Trần Thị Ngọc (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể: Trước đây các chợ truyền thống thường chỉ bán thịt tươi nhưng giờ đi chợ nào cũng thấy rất nhiều quầy sạp bán thịt đông lạnh. Tuần trước trên đường Bùi Hữu Nghĩa, khu vực gần chợ Bà Chiểu có quầy thịt đông lạnh thông báo giá 39.000
đồng/kg, mấy hôm sau giảm chỉ còn 30.000 đồng/kg. Đặc biệt, lúc nào cũng thấy cả một đống lớn chân giò cắt khoanh để sẵn. "Không hiểu giá thịt heo đã rẻ thế vì sao lại giảm mạnh đến 25%? Nếu xả đông bán không hết trong ngày rồi họ có cấp đông lại để bán vào các ngày tiếp theo không? Nếu vậy thì chất lượng thịt sẽ thế nào, có an toàn? Bán rẻ như vậy thì giá mua sỉ hay nhập khẩu sẽ là bao nhiêu và chất lượng thế nào?", chị Ngọc chia sẻ hàng loạt thắc mắc.
Anh Lê Trần Duy (ngụ TP.Thủ Đức) cho biết: "Trùm" về thịt đông lạnh giá rẻ phải kể đến các chợ dân sinh, tự phát ở Thủ Đức, nhất là khu vực gần chợ đầu mối nông sản. Các loại thịt bò đông lạnh chỉ có giá 90.000 - 110.000 đồng/kg tùy loại. Còn thịt heo có giá từ 30.000 - 50.000 đồng/kg. Khách đi chợ phần lớn là các hàng quán và bếp ăn tập thể vì người nào cũng mua ít nhất 5 - 10 kg, nhưng thịt thì ít mà xương, da, lưỡi, lòng thì nhiều. "Chẳng trách sao các quán phá lấu với lẩu giá siêu rẻ những năm gần đây phát triển mạnh. Thời buổi kinh tế khó khăn này, thịt đông lạnh lên ngôi vì lợi thế giá rẻ, chỉ còn một số ít người tiêu dùng có thu nhập khá còn quan tâm đến chất lượng sản phẩm", anh Duy nói.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trên các trang mạng xã hội, thịt đông lạnh nhập khẩu có giá chỉ 30.000 - 40.000 đồng/kg, phần lớn là các phế phụ phẩm như: xương, da, mỡ, giò, nội tạng… Dù vậy, ngay cả sản phẩm giá trị cao như thịt ba rọi hay sườn non cũng chỉ từ 70.000 - 75.000 đồng/kg. Còn tại nhiều siêu thị, sản phẩm đông lạnh nhập khẩu có giá bán lẻ cũng ở mức rất cạnh tranh, như: giò heo chỉ 43.000 đồng/kg, thịt ba rọi chỉ 119.000 đồng/kg.
Anh T.T.K, một đầu mối nhập khẩu thịt ở TP.HCM, lý giải về độ rẻ của thịt nhập khẩu là do năm nay buôn bán khó khăn, người dân ít tiền nên phải giảm giá suốt mới đảm bảo doanh số. "Bây giờ bán ở thành phố giảm do có nhiều người nhập nên mình phải mở rộng địa bàn về các tỉnh. Cũng vì người dân ít tiền hơn nên sản lượng thịt giảm nhưng thay vào đó lượng nhập phụ phẩm như lưỡi, tim, chân giò, da, lòng lại tăng. Bên cạnh đó, thời gian gần đây thị trường đặc biệt là hàng quán rất chuộng sản phẩm nước hầm xương cô đặc. Thật sự thì nhiều nước họ cũng đang dư cung nên giá giảm mạnh để đẩy hàng tồn", anh T.T.K thừa nhận.
Người chăn nuôi thêm khó khăn
Là người trực tiếp chăn nuôi và đang chịu tác động trực tiếp từ nguồn thịt đông lạnh nhập khẩu giá rẻ, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, bức xúc: Vấn đề mà người chăn nuôi Việt Nam đang đối mặt không phải là thịt ngoại mà cụ thể là thịt đông lạnh nhập khẩu giá rẻ - đặc biệt là các loại phế phụ phẩm và phụ phẩm dạng thịt. Ở các nước, đa phần những loại phế phụ phẩm này, đặc biệt là nội tạng, các nhà sản xuất phải tốn chi phí xử lý, còn chúng ta thì tốn tiền nhập về với chi phí chưa tới 1 USD/kg.
"Ngành chăn nuôi Việt Nam đã phải vất vả cạnh tranh với thịt ngoại về chất lượng và giá cả nhưng không thể cạnh tranh được với phân khúc giá siêu rẻ cận date (hạn sử dụng) này được. Đó là một phần lý do vì sao hiện nay giá giảm mạnh và kéo dài như vậy. Với ưu thế giá rẻ, các sản phẩm này âm thầm vào các bếp ăn tập thể. Nó tạo ra một điều hết sức bất hợp lý là người mua không ăn mà người ăn thì không có lựa chọn nào khác. Đó là chưa nói đến vấn đề sức khỏe của người tiêu dùng về lâu dài", ông Ngọc nhận xét và kiến nghị, để cứu ngành chăn nuôi trong nước cần kiểm soát đặc biệt là về chất lượng, hạn dùng nguồn thịt đông lạnh giá rẻ, các sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Sản lượng thịt trong nước vẫn tăng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, trong quý 1/2023 sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng quý đạt 130.500 tấn, tăng 2,8%. Tổng số heo của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 3 là 24,66 triệu con, tăng 6,2%; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng 1.192.000 tấn, tăng 7,5%. Tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 3 là 532,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng đạt 563.200 tấn, tăng 4,2%...
Theo ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN), sau đại dịch Covid-19, thói quen tiêu dùng của một bộ phận người dân đã thay đổi, họ bắt đầu chấp nhận thịt đông lạnh. Vì thế, thời gian qua lượng thịt đông lạnh vào các bếp ăn tập thể rất nhiều. Điều này làm ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ thịt tươi (thịt nóng). Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn làm cho người tiêu dùng tiết kiệm hơn và họ thường ưu tiên giá cả thay vì chất lượng sản phẩm. Đó chính là cơ hội để thời gian gần đây, các sản phẩm thịt đông lạnh cũng được bày bán phổ biến ở các chợ truyền thống, chợ dân sinh. Điều đáng lưu ý là về nguyên tắc, thịt đông lạnh sau khi rã đông thì không được cấp đông lại vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, ngay cả việc bán thịt đông lạnh như thế nào cũng là vấn đề cần phải được quản lý và giám sát để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
TS Nguyễn Quốc Đạt, Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, kể: Cách đây 4 năm ông có sang Mỹ khảo sát, thời điểm đó giá thành chăn nuôi heo của họ có 26.000 - 27.000 đồng/kg, thấp hơn Việt Nam mình ít nhất 35%. Những năm qua, Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước. Theo đó, thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đang giảm dần và khoảng 4 - 5 năm tới toàn bộ sẽ về 0% so với mức 23 - 25% như trước đây. Đó là lý do vì sao thịt ngoại về Việt Nam thời gian gần đây rất nhiều.
"Nó vừa là động lực cạnh tranh để chúng ta phát triển nhưng cũng là áp lực đè nặng ngành chăn nuôi trong nước vốn không có lợi thế cạnh tranh. Thịt ngoại không phải là vấn đề nhưng sản phẩm ngoại nhập kém chất lượng, giá rẻ được bán trôi nổi, tràn lan trên thị trường đang tác động trực tiếp và ảnh hưởng rất lớn đến sự phục hồi của ngành chăn nuôi. Trong bối cảnh hiện tại toàn ngành chăn nuôi đều thua lỗ kéo dài thì các cơ quan chức năng cũng cần tìm kiếm giải pháp về mặt chính sách", ông Đạt đề xuất.
Bình luận (0)