Chanchu một thập niên thảm họa: Để không còn những Chanchu

Một thập niên đã trôi qua, nhưng không dễ quên một thảm họa nặng nề như Chanchu .

Hội thảo về 10 năm thảm họa Chanchu do Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn VN khởi xướng, dự định tổ chức tại TP.Đà Nẵng đúng vào ngày 18.5.2016, đã thông báo tạm hoãn khoảng 1 tuần trước khi sự kiện diễn ra. Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay phía Quảng Nam tính “mang” đến hội thảo nhiều đề xuất được rút tỉa từ chính nỗi đau do bão Chanchu mang lại. “Bão không trực tiếp đổ vào Quảng Nam nhưng lại gây thiệt hại nặng nề về người. Phải tiếp tục suy nghĩ làm thế nào để giúp ngư dân yên tâm ra khơi. Mười năm tuy dài, nhưng không dễ gì quên ngay được!”, ông Thanh nói.
Cơ bản xóa “điểm đen”
“Bão Chanchu” là từ khóa xuất hiện dày đặc trên công cụ tìm kiếm Google, chỉ 0,33 giây đã cho ra 41.800 kết quả. Nhưng sức nóng của sự kiện không chỉ đến từ những con số. Ngay sau khi bão nhấn chìm 17 tàu giữa lúc các ngư dân dạt vào vùng biển phía nam Đài Loan tránh bão theo dự báo, các cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra: Vì sao có nhận định sai lệch giữa các đài dự báo khí tượng trong khu vực? Bão đột ngột ngoặt lên hướng bắc có quá bất ngờ? Chanchu tái hiện thảm nạn ở Hậu Lộc (Thanh Hóa) 10 năm trước và liệu có còn lặp lại sau 10 năm?...
Từ góc độ một địa phương hứng chịu nhiều thiệt hại về người, ông Lê Trí Thanh đánh giá bão Chanchu đã “giúp chúng ta nhận ra nhiều vấn đề”. “Rõ ràng công tác dự báo còn kém. Đã gọi là dự báo thì không thể đòi hỏi chính xác 100%, nhưng cũng phải có độ tương đối. Ngay cả công tác nắm tình hình tàu thuyền ngư dân hoạt động trên biển thời điểm đó cũng chưa tốt”, ông nói.
Những “điểm đen” đó được nhận diện và cơ bản đã xóa. Tàu thuyền ngày nay lắp đặt thiết bị liên lạc và định vị, các điều kiện đảm bảo cho một chuyến biển dài ngày cũng dần đáp ứng. Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Nam thành lập năm 2012, sớm 2 năm so với thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định 67, như một cách san sẻ bớt nỗi khổ của ngư dân. “Nhưng quan trọng nhất là công tác dự báo, không biết làm thế nào để sớm khắc phục”, ông Thanh nhìn nhận.
Ở Đà Nẵng, sau bão Chanchu đã lập tức ban hành quy chế thông tin liên lạc khi có bão, trang bị 100 Icom, 950 máy thông tin liên lạc tầm xa, 554 radio cho tàu dưới 90 CV, 500 máy thu trực canh… Theo ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng, nỗ lực này đã giúp thông tin báo bão, hướng dẫn trú tránh giữa cơ quan chức năng và ngư dân được đảm bảo, thông suốt và tránh tái diễn thảm họa Chanchu.
Ấm ngọn lửa nhân ái
Đầu tháng 4.2016, khi chúng tôi trở lại vùng cát Bình Minh (H.Thăng Bình, Quảng Nam), một góa phụ ở thôn Bình Tân khoe có nhà hảo tâm ở TP.Tam Kỳ vừa đến trao quà theo định kỳ. Tháng nào cũng vậy, 2 con gái của bà cũng được tặng tổng cộng 900.000 đồng tiền mặt. Hơn 10 đứa trẻ khác ở Bình Minh cũng nhận quà như thế, suốt 10 năm nay chưa một lần gián đoạn.
Nhiều độc giả vẫn chưa quên những thông tin nóng hổi do các cơ quan truyền thông theo sát sự kiện Chanchu đăng tải. Trong đó, nhiều thông tin trên Báo Thanh Niên thời điểm đó đã khiến nhiều người cảm thấy yên lòng, như chuyện đặc cách tốt nghiệp đối với học sinh có người thân chết hoặc mất tích trong bão Chanchu, Báo Thanh Niên hỗ trợ toàn bộ kinh phí đi thi ĐH-CĐ cho con của ngư dân gặp nạn... Và gần như ngay lập tức, trong năm 2006, Báo Thanh Niên cũng lập Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình (kinh phí 1,9 tỉ đồng) dành riêng cho con nạn nhân bão Chanchu.
Năm 2006, khi đang làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Quảng Nam, bà Phạm Thị Minh Chiến hốt hoảng khi chứng kiến cảnh thanh niên trai tráng mất cùng lúc cả trăm người. “Hồi đó, công tác tuyên truyền của báo chí đã làm động lòng biết bao nhiêu người. Người dân mình nặng tình lắm, trong hoạn nạn biết cách đùm bọc nhau. Chính các gia đình nạn nhân cũng cảm nhận được điều đó”, bà Chiến tâm sự. Khi chuyển sang làm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh và trực tiếp điều hành Quỹ học bổng Chanchu kể từ năm 2007, lần phát học bổng nào bà cũng nhắc những đứa trẻ Chanchu biết “gốc gác” của đồng tiền từ thiện này, và dặn dò cả những người thân tính toán sử dụng sao cho đúng.
Những đứa trẻ Chanchu đã lớn
Bão Chanchu quét qua để lại nhiều đứa trẻ mồ côi cha và sau một thập niên, rất nhiều những đứa trẻ ngày ấy giờ đã trưởng thành, trở thành trụ cột kinh tế gia đình.
Làng Hy Vọng TP.Đà Nẵng đóng tại Q.Thanh Khê trở thành địa chỉ đặc biệt khi rộng vòng tay đón nhận hàng loạt đứa trẻ đến từ những làng Chanchu. Ông Phan Thanh Vinh, Giám đốc Làng Hy Vọng, vẫn thường “nhờ” đến cô gái Võ Thị Bin phiên dịch mỗi khi tiếp các đoàn khách nước ngoài, và ông có lý do để chọn giới thiệu Bin là gương điển hình của làng. Bin đang theo học ngành quản trị du lịch khách sạn tại một trường đại học ở Đà Nẵng. Ngày đó, chỉ sau 1 tháng xảy ra thảm nạn, Bin (trú xã Bình Minh, H.Thăng Bình, Quảng Nam) đang học lớp 5 phải gạt nước mắt, xa mẹ và em để cùng nhiều đứa bạn khác theo xe ra Đà Nẵng, đến Trường Hy Vọng, sống cảnh xa nhà. Những ngày đầu khóc hết nước mắt vì nhớ nhà, đến bữa thấy mâm cơm đông đúc lại càng nhớ, càng khóc. Nhưng rồi các em cũng hòa nhập cuộc sống mới, chú tâm học tập “cho có tương lai” như lời mẹ dặn.
Khi mất chồng và 2 con trai, bà Nguyễn Thị Huệ (thôn Bình Tân, xã Bình Minh) dồn cả vào 2 đứa con gái đang ăn học. Đứa lớn giờ đang học năm thứ 1 tại Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, đứa út (Đặng Thị Ngọc Hà) cũng đã là nữ sinh lớp 10A3 Trường THPT Nguyễn Thái Bình, H.Thăng Bình. Mồ côi cha từ năm lên 7 tuổi, nhưng cô bé Ngọc Hà tỏ ra rất cứng cáp; từ năm lớp 6 đến nay luôn được chọn làm lớp trưởng. “Chỉ còn mỗi một cách là ráng học, sau này mới có cơ hội đỡ đần cho mẹ, và cũng để trả ơn cho cộng đồng. Quá nhiều người đã cưu mang trẻ mồ côi chúng em suốt 10 năm qua. Em cũng muốn chứng minh, thế hệ chúng em xứng đáng với những gì mà các nhà hảo tâm đã cưu mang”, Ngọc Hà tâm sự.
H.X.H - N.T
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.