Kể chuyện mưu sinh, gương mặt Gyh trầm lại, giọng buồn buồn: “Không có ai làm cho thì phải làm thôi. Làm từ nhỏ đến lớn rồi quen tay, không làm thì đói bụng. Nhiều hôm tự nấu cơm ngồi ăn một mình mà nước mắt chảy ra, chẳng còn muốn ăn. Đau ốm cũng một mình. Hàng chục năm nay rồi vẫn thế”.
Trong màn đêm thăm thẳm
Gyh lọt lòng đã chịu cảnh mù lòa. Trong khi những người đồng lứa lên nương, vui đùa thì cậu một mình lần mò trong tối tăm. Càng lớn, Gyh càng ý thức được sự thiệt thòi của mình, thỉnh thoảng lại rấm rứt khóc. Bạn của cậu là những thanh âm í ới gọi nhau đi lấy nước, là tiếng gọi nhau lên rẫy, cả tiếng bò đồng xa...; khi mỗi ngày cứ lặp lại.
tin liên quan
Chuyện lạ về 'vua bơ' Tây nguyênSong, trời cũng không hoàn toàn bất nhẫn bởi Gyh có cảm âm rất tốt cộng với đôi bàn tay khéo léo khi mới tuổi thiếu niên đã tự làm những việc như vệ sinh, ăn uống... Nói là vậy nhưng mọi việc chẳng dễ dàng gì. Gyh kể có lần cậu ngã lộn cổ từ cầu thang nhà sàn xuống đất ngất đi một lúc mới tỉnh. Rồi những lần ngã lăn kềnh ra đường trong những ngày mưa, lấm lem áo quần cũng chẳng hiếm.
Cứ vậy, Gyh lớn lên trong đêm đen của cuộc đời mình. Người nhà thay vì bù đắp tình cảm cho con, cho anh chị của mình lại quay ra ghẻ lạnh. Khi Gyh biết lần mò tự làm mọi việc thì họ xem như cậu đã... ra riêng!
Gyh kể: “Mình có 6 anh chị em. Ba mẹ đã không sống với nhau từ nhiều năm nay. Anh em cũng lấy chồng, lấy vợ ở các làng khác. Nhiều năm nay họ cũng chẳng thăm mình. Còn mình mù lòa, có ai tới chở mới đi xa được. Mà cũng chẳng ai tới chở hết. Cứ đến ngày vui như tết, lễ... mình lại ra quán cà phê gần nhà ngồi chán rồi tự lần mò về”.
|
Quái kiệt đào giếng
Nhiều thanh niên trai tráng làng Tuơh Klah có nghề đào giếng. Họ có sức khỏe, sự khéo léo, chịu khó. Biết tiếng nên nhiều người ở các huyện, thị Gia Lai tìm đến. Thấy thương Gyh nên đám thanh niên gọi anh theo. Song, mọi người bất ngờ vì ngoài sức khỏe, anh còn khéo léo. Khiếm thị là vậy nhưng giếng nào do Gyh đào cũng tròn vành vạnh. Mọi người phân công Gyh xuống giếng đào, còn ở trên kéo đất lên. Nói là vậy nhưng để đào xong một cái giếng ở Tây nguyên chẳng dễ dàng gì. Nông thì cũng cả chục mét. Còn giếng sâu gần 30 m mới gặp nước là chuyện thường.
Gyh nói: “Đào giếng bằng tay thôi nên gặp đá là phải bỏ. Người ta trả công cho mình mỗi ngày 450.000 đồng. Giếng phải đào từ 10 - 15 ngày mới xong. Mình đi đào giếng ở nhiều nơi lắm đó! Ngay cái giếng trong nhà sâu hơn 25 m mình cũng tự đào lấy nước để sinh hoạt và tưới cho vườn cà phê”.
Chuyện Gyh tự đào giếng nghe như cả một giai thoại. Ông Ksor Damar, thôn trưởng của làng Tuơh Klah, kể: “Nó cứ lầm lũi đào một mình, chuẩn bị thêm vài cái xô móc dây để sẵn. Đào đất đổ đầy xô lại trèo lên quay kéo lên. Người làng chỉ phụ thêm một vài ngày. Phải mất gần cả tháng ròng như thế giếng nước mới đào xong. Người bình thường còn khó làm một mình như thế, vậy mà nó vẫn làm nổi”.
|
Chúng tôi tìm đến làng Tuơh Klah khi Gyh đang đi ăn sáng bên ngoài. Gyh được người làng chở về gặp chúng tôi, tự tay anh lần mò mở khóa cửa. Những người đi cùng nói căn nhà xây từ hơn 7 năm nay, hết 80 triệu đồng, Hội Người mù Gia Lai hỗ trợ 20 triệu, còn 60 triệu là tiền của anh dành dụm. Người làng biết Gyh xây nhà cũng xúm vào giúp công.
Gyh kể rằng anh và mọi người mới đào xong cái giếng của ông Amôm ở H.Đăk Đoa sâu hơn 25 m. “Đào đến 23 m thì có nước. Vùng đất đó giếng nào cũng gần 30 m mới có nước cả. Trời thương cho mình nước thôi (cười)! Đào xong phải nghỉ mất vài ngày mới lại sức. Cả ngày, tay chân cứ rũ cả ra. Mình được phân công đào bên dưới nên mệt lắm!”, Gyh tâm tình.
Mùa khô, Tây nguyên hạn hán nên công việc của Gyh nhờ đó cũng nhiều hơn: “Mình đào nhiều giếng lắm, không nhớ được bao nhiêu cái đâu. Nhưng chỉ nhớ là phải hơn 23 năm rồi”.
Người mù biệt tài
Ông Damar kể như khoe rằng Gyh mù lòa vậy nhưng chuyện tiền nong ít ai gian được vì anh có thể cầm tiền và biết được mệnh giá. Đoán biết sự nghi ngờ của chúng tôi, ông nói: “Các anh cứ thử!”. Chúng tôi lấy ra mấy tờ tiền với mệnh giá khác nhau. Lần nào, Gyh cũng nói trúng. Tất thảy mọi người đi cùng đều quá ngạc nhiên. Ông Damar cười sảng khoái.
tin liên quan
Lạc vào thung lũng thú hoang ở Việt NamChưa hết, ông Damar chỉ ra vườn cà phê gần 400 cây (4.000 m2) đang xanh tốt, trĩu quả khoe rằng toàn bộ do Gyh trồng và chăm sóc. Chỉ đến mùa hái quả, cắt dọn cành mới nhờ người làng. Còn lại toàn bộ các công đoạn như làm cỏ, banh bồn, bón phân, phơi khô, đóng bao đều do Gyh một tay làm lấy.
Tự lần mò đi ra khỏi nhà và đến quán cà phê gần đó, rồi đi loanh quanh làng và trở về nhưng Gyh nói mình chưa bao giờ lạc đường. Lời đồn về giác quan thứ sáu đối với Gyh quả chẳng ngoa. Với sự thông minh, khéo léo cùng khả năng định hướng tốt của mình, Gyh còn tự tập đi được xe đạp. Lúc hứng, Gyh mượn xe đạp của lũ trẻ trong làng đạp loanh quanh sân vận động. Mỗi lúc vậy đám trẻ chạy theo reo hò cổ vũ vang cả một góc sân.
Tiền kiếm được, một phần Gyh trang trải cho cuộc sống của mình, số còn lại để dành. Cứ đến bữa, thích thì nấu ăn còn không thì báo trước nhờ vài gia đình hàng xóm nấu. Hay có khi chỉ là một cái bánh mì không cũng qua bữa.
Sự mặc cả của cuộc đời đối với anh thật đắt. Khi chúng tôi hỏi đùa sao đến 40 tuổi rồi chưa lấy vợ, Gyh cười buồn thổ lộ: “Mình cũng muốn có vợ, có con. Nhưng ai có thể đón nhận mình đây. Với lại người bản địa là gái đi bắt chồng. Suốt mấy chục năm không có người con gái nào thương mình cả. Nhiều người khen mình giỏi, làm được nhiều việc thôi!”. Nói đến đấy, tự dưng Gyh chợt ngừng lại, đôi mắt nhờ đục của anh rưng rưng.
Tiễn chúng tôi ra về, Gyh đứng nơi bậc cửa buồn buồn. Nét khắc khổ gieo lại nơi người đàn ông mới tuổi 40 khiến anh già hơn nhiều so với tuổi của mình. Thấy cảnh đó và có lẽ cũng cùng cảm nghĩ, ai nấy đều lặng đi!
Tiễn chúng tôi ra về, Gyh đứng nơi bậc cửa buồn buồn. Nét khắc khổ gieo lại nơi người đàn ông mới tuổi 40 khiến anh già hơn nhiều so với tuổi của mình. Thấy cảnh đó và có lẽ cũng cùng cảm nghĩ, ai nấy đều lặng đi!
|
Bình luận (0)