Chàng KTS ‘kỳ lạ nhất TP.HCM’ khi giúp 28 người nước ngoài tìm được cha mẹ ruột ở VN

24/01/2023 08:10 GMT+7

Bận rộn với công việc của một kiến trúc sư (KTS) nhưng suốt 2 năm qua, anh Đỗ Hồng Phúc (27 tuổi. TP.HCM) vẫn miệt mài trên hành trình tìm kiếm người thân tại Việt Nam cho nhiều người nước ngoài hoàn toàn miễn phí. Chàng KTS đã làm nên điều kỳ diệu khó tin: 28 cuộc đoàn tụ xuyên biên giới.

Người làm nên những kỳ tích và phép màu

* Chào anh Đỗ Hồng Phúc! Cảm ơn anh dù rất bận rộn nhưng vẫn dành thời gian cùng báo Thanh Niên ngày hôm nay. Năm vừa qua anh công việc và cuộc sống của anh vẫn tốt chứ?

Anh Đỗ Hồng Phúc (áo xanh) là anh chàng kiến trúc sư mê tìm kiếm người thân thất lạc

cao an biên

Cảm ơn báo Thanh Niên đã có lời mời phỏng vấn dành cho tôi trong dịp đặc biệt như vậy! Năm 2022 với tôi là một năm thực sự đáng nhớ. Bên cạnh công việc của một KTS, tôi vẫn tiếp tục hành trình hỗ trợ các trường hợp người Mỹ, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Úc… tìm kiếm người thân tại Việt Nam.

Tính riêng năm 2022, tôi đã hỗ trợ tìm thấy 15 trường hợp. Còn trong suốt 2 năm qua, khoảng 28 gia đình đã đoàn tụ người thân khi tìm đến tôi. Thực sự đây là một hành trình không thể nào quên.

* Điều gì đã thôi thúc anh vẫn miệt mài với công việc tìm kiếm thân nhân cho người nước ngoài trong suốt 2 năm qua?

Để trả lời cho câu hỏi này, chắc tôi nên nói về lý do mà mình bắt đầu. Nhiều năm trước, bà ngoại tôi ở quê Đồng Tháp đột nhiên bỏ đi và từ đó không còn bất kỳ một tin tức nào. Dù tôi và gia đình đã cố gắng tìm kiếm nhưng không có kết quả. Từ đó, tôi thấm thía nỗi đau khi lạc mất người thân là như thế nào.

Phép màu và kỳ tích là có thật, nhưng không phải do tôi tạo ra mà là do sự quyết định của họ. Họ mở lòng mình tha thứ và tìm lại những người từng bỏ rơi chẳng hạn, chính sự vị tha đã giúp họ tìm được phép màu cho cuộc đời của mình và cả người thân. Tôi luôn trân trọng những người biết tìm về với nguồn cội của mình, bởi họ là người có trái tim vị tha và ấm áp!

KTS.Đỗ Hồng Phúc

Khi tôi lên đại học và theo học ngành kiến trúc tại một trường đại học ở TP.HCM, tôi đã thực hiện một đồ án tốt nghiệp có tên: “Trung tâm lưu trữ thông tin nhân đạo và tìm kiếm thân nhân, con lai trong chiến tranh Việt Nam tại TP.HCM”. Từ đây, tôi có cơ hội được biết đến nhiều trường hợp người nước ngoài gốc Việt mong muốn tìm kiếm người thân ở Việt Nam. Đó có thể là những đứa trẻ từng bị cha mẹ bỏ rơi, cho người nước ngoài nuôi, những đứa trẻ Babylift sang nước ngoài rồi lạc mất người thân ở Việt Nam…

Nhờ anh Phúc, nhiều trường hợp thất lạc người thân sau hàng thập kỷ được trùng phùng

cao an biên

Tôi không để mọi thứ dừng lại ở một đồ án tốt nghiệp mà hiện thực hóa nó bằng việc hỗ trợ họ tìm kiếm. Sau những trường hợp đầu tiên được tìm thấy, tự nhiên mình bị “cuốn” vào lúc nào không hay. Tự nhiên thấy người ta đoàn tụ, thấy người ta hạnh phúc, khóc, cười… tôi cũng khóc, cười theo họ. Cứ vậy tìm tới giờ luôn!

* Trong 15 trường hợp tìm thấy thân nhân năm vừa qua, câu chuyện nào làm anh ấn tượng nhất?

Thật lòng mà nói mỗi một trường hợp tìm thấy tôi đều nhớ, đều ấn tượng hết bởi mỗi người là một câu chuyện nhiêu khê. Nhưng nếu phải chọn, hẳn tôi sẽ nhớ tới Emma Kiener, một cô gái Pháp 25 tuổi vừa tìm thấy gia đình ở TP.HCM hồi tháng 7.

Anh Phúc là một trong những người tử tế nhất tôi từng gặp. Anh đã đồng hành và giúp đỡ tôi trong suốt hành trình tìm gia đình Việt Nam. Cảm ơn anh vì tất cả!

Chị Emma (25 tuổi, người Pháp)

Thực ra từ những ngày đầu tiên khi tôi bắt đầu làm việc này, Emma đã chủ động liên hệ nhờ tôi hỗ trợ. Suốt hơn 1 năm, tôi cũng đã đi tìm, đã nhờ mạng xã hội nhưng không có kết quả. Cho đến một ngày, khi cô ấy bay từ Pháp về TP.HCM để tìm mẹ, phép màu đã xảy ra khi chỉ sau 1 ngày đăng tin, người chị cùng mẹ khác cha đã nhận ra và liên lạc với cô ấy.

Những ngày Emma về TP.HCM tìm mẹ, anh Phúc đã đồng hành và hỗ trợ cô gái Pháp hết mình

cao an biên

Tiếc là mẹ ruột cô ấy đã mất từ lâu, nhưng cuối cùng Emma cũng đã có 1 người chị và biết rõ ngọn nguồn câu chuyện của mình. Ngày Emma cùng cha mẹ nuôi người Pháp - Hà Lan về Việt Nam, tôi ra sân bay đón và hỗ trợ họ. Tôi dẫn cô ấy đi khám phá khắp TP.HCM, hỗ trợ xét nghiệm ADN… nên có nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

* Việc tìm kiếm người thân cho một trường hợp có mất nhiều thời gian không anh? Trường hợp kỷ lục mà anh tìm thấy nhanh nhất là trong bao lâu?

Thực ra cái này cũng không nói trước được, tùy vào dữ kiện mình có và cả sự may mắn nữa. Có những trường hợp có thông tin rõ ràng, tôi tìm nhanh và thuận lợi nhưng những trường hợp có thông tin mơ hồ thì tốn nhiều thời gian hơn, đôi khi đến giờ vẫn chưa tìm được.

Tôi cũng nhớ với câu chuyện của ông Ton Ogi-Robbins (52 tuổi, người Mỹ), là con lai của một người lính Mỹ và mẹ Việt Nam. Tôi hỗ trợ ông ấy tìm thấy được gia đình ở Việt Nam chỉ sau… 2 tiếng đồng hồ đăng bài lên mạng xã hội. Bản thân tôi cũng bất ngờ!

Anh Phúc dành thời gian rảnh rỗi của mình để tìm người thân

cao an biên

Dù mẹ ông ấy đã mất cách đây không lâu, người cha ở Mỹ cũng không thừa nhận nhưng ông vẫn còn một người em cùng mẹ khác cha ở TP.HCM. Dự tính tháng 12 này, ông ấy sẽ về Việt Nam đoàn tụ cùng cậu em trai.

* Nhiều người nói rằng, anh mang đến kỳ tích và phép màu cho cuộc đời của họ. Anh nghĩ sao?

(Cười!)

Thật ra tôi nghĩ tất cả là do chữ duyên! Tôi làm được việc này cũng nhờ sự hỗ trợ của một số bạn bè tốt bụng. Phép màu và kỳ tích là có thật, nhưng không phải do tôi tạo ra mà là do sự quyết định của họ. Họ mở lòng mình tha thứ và tìm lại những người từng bỏ rơi chẳng hạn, chính sự vị tha đã giúp họ tìm được phép màu cho cuộc đời của mình và cả người thân.

Tôi luôn trân trọng những người biết tìm về với nguồn cội của mình, bởi họ là người có trái tim vị tha và ấm áp!

Ước sao những cuộc trùng phùng…

* Công việc của một kiến trúc sư hết sức bận rộn. Vậy thời gian đâu anh tìm người thân cho người khác?

Với anh Phúc, tìm người thân không phải là trách nhiệm, mà là một hành trình khám phá và trải nghiệm đầy thú vị

cao an biên

Thực ra tôi cũng có cuộc sống của mình, cũng phải đi làm mỗi ngày để “kiếm cơm”. Những lúc sắp xếp được công việc, nhất là những ngày cuối tuần chẳng hạn, tôi sẽ đi tìm. Tôi làm miễn phí hoàn toàn, nên không bị áp lực là mình phải tìm thấy trường hợp này trong tuần này, tháng này. Tôi chỉ biết mình sẽ cố gắng hết sức trong khả năng.

* Vậy thời gian đâu anh dành cho riêng mình?

Thực ra tôi coi việc tìm kiếm người thân cho người ta chính là thời gian dành cho riêng mình đó. Cuối tuần, tôi vọt xe đi tỉnh này tỉnh kia để tìm thông tin chẳng hạn, cũng là cách tôi xả stress sau 1 tuần làm việc mệt mỏi. Tôi không coi việc tìm người thân là trách nhiệm, là áp lực của mình mà xem nó như một hành trình khám phá và trải nghiệm. Như vậy thì sẽ hay hơn!

* Theo như anh nói, có vẻ mình được nhiều hơn là mất trong hành trình này?

Cái mình mất là thời gian, công sức và tiền bạc. Nhưng tôi được nhiều hơn, và được nhất chính là tìm thấy được hạnh phúc và ý nghĩa trong cuộc sống của mình. Mỗi câu trường hợp tôi tìm thấy, chứng kiến họ trùng phùng sau hàng chục năm, có khi là nửa thế kỷ, tôi thấy mình cũng hạnh phúc lây. Tôi cũng “lãi” được một vài người bạn, cộng sự khi họ hỗ trợ tôi trên hành trình này.

Hạnh phúc của anh là chứng kiến những cuộc đoàn tụ

cao an biên

* Khép lại năm 2022, điều anh tự hào và nuối tiếc là gì?

Tự hào nhất, tất nhiên, là những trường hợp mình đã tìm thấy rồi. Nhưng nuối tiếc và day dứt nhất, có lẽ là những trường hợp tôi vẫn chưa thể tìm được người thân cho họ. Có những lần tôi phải xuống Vũng Tàu, Đồng Nai… tận 2 lần để dò tìm tin tức, song không có kết quả.

Suốt thời gian qua, báo Thanh Niên đã đồng hành cùng tôi trong nhiều câu chuyện tìm kiếm thân nhân. Thanh Niên là một tờ báo uy tín và có sức ảnh hưởng, chính điều đó đã giúp tôi làm nên nhiều cuộc đoàn tụ trong năm vừa qua và hy vọng 2023 tới đây, quý báo vẫn sẽ tiếp tục cùng tôi trên chặng hành trình này.

KTS Đỗ Hồng Phúc

Hiện tôi vẫn còn gần 100 hồ sơ cần đoàn tụ với thân nhân, nhưng vẫn chưa thể giải quyết hết. Tôi ưu tiên những trường hợp có thông tin rõ ràng và khả quan. Năm 2023 tới đây, tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc của mình, vẫn sẽ bước tiếp hành trình này đến khi nào không còn ai nhờ mình tìm người thân nữa thì thôi.

* Nếu có một điều ước trong năm mới, anh sẽ ước gì?

Tôi ước sao cho tất cả những ai thất lạc người thân của mình sẽ sớm được trùng phùng. Bởi cuộc đời này, không nỗi đau nào bằng nỗi đau chia cắt.

Hành trình của anh Phúc vẫn sẽ còn tiếp tục...

nvcc

Suốt thời gian qua, báo Thanh Niên đã đồng hành cùng tôi trong nhiều câu chuyện tìm kiếm thân nhân. Thanh Niên là một tờ báo uy tín và có sức ảnh hưởng, chính điều đó đã giúp tôi làm nên nhiều cuộc đoàn tụ trong năm vừa qua và hy vọng 2023 tới đây, quý báo vẫn sẽ tiếp tục cùng tôi trên chặng hành trình này.

Cảm ơn anh Phúc vì cuộc trò chuyện hết sức thú vị. Chúc anh đạt được mục tiêu trong năm mới!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.