Muốn tạo ra nông sản sạch hữu cơ bền vững
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất đỏ Tây Nguyên, chàng trai Trần Thái Bình (29 tuổi), ở tỉnh Gia Lai đã có 6 năm theo đuổi cách làm nông nghiệp hữu cơ. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành khoa học cây trồng của Trường ĐH Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk), Bình về làm việc cho một nông trại hữu cơ ở gần nhà.
Trái với những người trẻ khác, Bình thích cây cối, thích "chân lấm tay bùn" và hòa mình với thiên nhiên. Chàng trai cho biết ban đầu theo học nông nghiệp chỉ vì mong muốn sau này về phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, càng học anh chàng càng nhận ra những điều hay về nông nghiệp, nhất là nông nghiệp hữu cơ.
Chàng kỹ sư chia sẻ: "Trước thực trạng thiên nhiên đang ngày càng bị tàn phá, hệ sinh thái tự nhiên bị mất cân bằng do lối canh tác vô cơ, lạm dụng thuốc hóa học nên mình muốn theo đuổi một con đường bền vững hơn. Làm nông nghiệp hữu cơ vừa tạo được nông sản sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và ngay chính bản thân người làm nông nghiệp hữu cơ cũng được bảo vệ về mặt sức khỏe".
Tuy nhiên, làm nông nghiệp hữu cơ không hề dễ, khó hơn nhiều so với nông nghiệp vô cơ. Bình cho biết: "Làm nông nghiệp hữu cơ phải đối mặt với nhiều rủi ro về thời tiết, sâu bệnh hại. Hơn nữa, trong môi trường tự nhiên thường sẽ có côn trùng tốt và côn trùng xấu để giúp cân bằng hệ sinh thái. Tuy nhiên, muốn làm nông nghiệp hữu cơ bắt buộc phải xây dựng môi trường xung quanh thật tốt, tạo được môi trường giống như môi trường tự nhiên".
Nhưng đôi khi cái khó lại làm chàng trai này thích và muốn theo đuổi đến cùng. Sau khi hiểu về những lợi ích mà nông nghiệp hữu cơ mang lại, Bình đã thuyết phục gia đình và đang từng bước chuyển đổi sang hình thức hữu cơ. Đồng thời kết hợp với các dự án về nông nghiệp bền vững khác.
"Trước kia gia đình mình theo con đường nông nghiệp vô cơ nên giờ mình sẽ thay đổi dần dần để chuyển sang hướng nông nghiệp sạch và an toàn hơn. Trong tương lai mình mong muốn có thể liên kết với các chủ vườn khác để phát triển về du lịch nông nghiệp sinh thái ở tỉnh Gia Lai", Bình chia sẻ.
Tận dụng chất giọng trời phú để làm những điều có ích
Không chỉ mê cây cối, chàng trai này còn có giọng nói ấm áp, mang lại sự dễ chịu cho người nghe. Do đó, Bình muốn tận dụng chất giọng trời phú này để làm những điều có ích. Vì vậy, chàng trai trẻ đã bắt đầu bén duyên với podcast từ tháng 7.2021.
"Thời gian này dịch Covid-19 đang rất căng thẳng, mọi người ở nhà nhiều nên có nhu cầu nghe cái này cái kia và mình nhận thấy ở Việt Nam chưa có kênh podcast nào chia sẻ những nội dung về nông nghiệp nên mình mới làm thử. Do đó, kênh podcast "Hearty Plant Doctor" ra đời", chàng kỹ sư chia sẻ.
Đây là kênh podcast đầu tiên tại Việt Nam chia sẻ về nông nghiệp hữu cơ hướng đến một nền nông nghiệp bền vững và an toàn. Hiện tại Bình đã phát sóng được 50 tập trên các nền tảng như: Spotify, Apple podcast, Google podcast, Mây.vn... "Hearty Plant Doctor" từng lọt top 200 kênh podcast được nghe nhiều nhất trên bảng xếp hạng Spotify và top 70 trong cuộc thi Cast Camp 2021.
Nội dung chủ yếu của kênh podcast là nói về nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn. Và những kiến thức đó được đúc kết từ kinh nghiệm của chính bản thân Bình, kết hợp với những kiến thức mà chàng trai này tìm tòi học hỏi được từ những nguồn khác. Bình cho biết đối tượng nghe podcast chủ yếu là người trẻ muốn tìm hiểu về nông nghiệp.
Với tần suất mỗi tuần ra một tập, Bình một mình làm tất cả mọi thứ, tuy chỉ đơn giản là nghe và nói nhưng podcast cũng đòi hỏi rất nhiều công sức. "Để cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh mình phải mất mấy đêm liền. Thu âm thì dễ nhưng giai đoạn lên nội dung, viết kịch bản, lồng ghép các nội dung như thế nào cho hấp dẫn và khâu kỹ thuật khá mất thời gian", Bình cho biết.
Vì nắm bắt được tâm lý của người nghe, họ tìm đến podcast một phần muốn thoải mái tinh thần nên chàng kỹ sư trẻ hạn chế đưa những kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật. Thay vào đó, Bình lồng ghép vào những nội dung hài hước, dạng tâm sự, chia sẻ những trải nghiệm của bản thân chứ không chỉ đơn thuần là kiến thức nhà nông để thu hút người nghe.
Biết tới Bình qua kênh podcast, chị Kim Phùng Thủy, ở tỉnh Gia Lai chia sẻ: "Mình thường xuyên nghe podcast của Bình để cập nhật thông tin và cũng để dõi theo những gì bạn ấy đang làm. Podcast của Bình đem lại sự tươi vui, thoải mái cho người nghe, mình nghĩ điều đó đến từ chất giọng và cách nói chuyện hồ hởi, pha chút dí dỏm của Bình. Các nội dung Bình chia sẻ tương đối dễ hiểu và thiết thực, không quá đi sâu mà đơn giản, dễ tiếp thu cho cả người không rành rọt về nông nghiệp".
Thông qua kênh podcast của mình, chàng kỹ sư trẻ mong muốn mọi người hiểu rõ hơn về nông nghiệp hữu cơ và lan tỏa tinh thần làm nông nghiệp. "Nông nghiệp vốn dĩ kén người học vì cực. Còn mình là người làm nông nghiệp mang rất nhiều năng lượng và muốn mang những năng lượng đó vào trong các sản phẩm sáng tạo trên nền tảng số. Vì vậy mọi người đến với mình vì họ thấy được nguồn năng lượng tích cực, vui vẻ", Bình chia sẻ.
Ngày 17.3 vừa rồi Bình cùng hai người bạn đồng sáng lập dự án "Gia Lai trong tim tôi", một trong những hoạt động nằm trong dự án là tổ chức hoạt động nhặt rác nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi, hướng đến một Việt Nam xanh - sạch - đẹp.
Bình luận (0)