Chàng sinh viên đạp xe xuyên Việt: “Nhiều người nói mình... 'khùng'

02/11/2018 07:44 GMT+7

Chuyến đi xuyên Việt bằng xe đạp của Nguyễn Chí Trung Thành, sinh viên năm thứ nhất Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, vừa hoàn thành, kéo dài trong 1 tháng, với hành trình 4.000 km.

Từ nhỏ, Trung Thành đã ước mơ thực hiện một chuyến đi xuyên Việt để tận mắt nhìn ngắm những khung cảnh đẹp của đất nước mà trước đây chỉ thấy trên truyền hình, sách báo. Đến khi vào năm nhất đại học, Thành bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi mơ ước này. Trong vòng 8 tháng ở Sài Gòn, Thành vừa học vừa đi làm thêm để dành tiền cho chuyến đi.
Thành kể: “Có lúc mình bị mất tiền ăn nhưng vì chuyến đi nên quyết không đụng vào số tiền dành dụm. Mình nhớ phải ăn mì gói 'cứu đói' qua ngày. Ngoài ra, mình còn tập luyện thể lực bằng cách hằng ngày đạp xe đi làm, đi học. Rồi mình còn tập chạy các chuyến ngắn từ quê Đắk Lắk ra Đà Lạt, Nha Trang, TP.HCM”.
“Với mình, việc đi xe đạp thật sự rất thú vị, nhất là lúc vượt đèo. Khi đó, mình sẽ cảm nhận được hết độ hùng vĩ của thiên nhiên. Còn một lý do khiến mình muốn đi thật sớm vì sợ nếu đi muộn những khung cảnh thiên nhiên có thể sẽ không còn nguyên vẻ đẹp vì nạn phá rừng. Thực hiện chuyến đi này, mình muốn vượt qua thử thách của bản thân, được trải nghiệm, chinh phục những ngọn đèo, cung đường tuyệt đẹp ở nhiều nơi”, Thành chia sẻ.

Khi đi, Trung Thành chỉ có 4 triệu đồng kinh phí nên phải tính toán chi tiêu hợp lý. Mỗi ngày, anh khởi hành từ 6 giờ sáng, đến 7 giờ tối thì nghỉ. Thường thì Thành sẽ xin ngủ nhờ nhà dân, không được thì kiếm chỗ chui vào túi ngủ nằm. “Suốt chuyến đi, hư xe mình tự sửa được. Sợ nhất là khi gặp mưa bão. Lúc đó, mình phải cắn răng chạy để tìm chỗ trú tạm. Còn chỗ nào mà không có hàng quán ăn, mình ăn lương khô đã chuẩn bị sẵn. Suốt chuyến đi, mình bị té xe 2 lần nhưng chỉ bị xây xát chứ không quá nghiêm trọng”, Thành nói.
Đến nay, Trung Thành đã đi qua hầu hết các tỉnh ở Tây nguyên, miền Trung và miền Bắc. Thành cho rằng bản thân đã chuẩn bị rất kỹ cho hành trình này và nó sẽ đánh dấu tuổi 19 của anh một cách ấn tượng nhất.
Khi quyết định thực hiện chuyến đạp xe xuyên Việt như thế, Trung Thành cũng nhận được nhiều sự nghi ngại của không ít người.
Thành chia sẻ: “Nhiều người nói mình khùng, tự hành xác. Họ còn nói mình nói dối khi đạp xe 300 km mà chỉ có 16 tiếng, nói mình thích sống ảo. Đó là cách nhìn của họ. Mình chỉ có thể chứng minh bằng hành trình đã qua. Với mình, đạp xe là cách dưỡng tâm trí, luyện tập cơ thể. Mình không để tâm đến nhận định của những người coi chuyến đi của mình là hành xác. Quan trọng là mình hài lòng với những gì bản thân đã làm và học được”.
Việc đạp xe một mình xuyên Việt có nhiều rủi ro. Nhưng Thành không lo lắng. Anh thấy đạp xe sẽ kiểm soát được tốc độ chạy hơn là xe máy. Ngoài ra, dọc đường đi anh còn có những người bạn cùng đam mê và chia sẻ. Giờ đường sá cũng được mở rộng, dễ đi hơn trước.
Trong suốt hành trình, Trung Thành ấn tượng nhất là ẩm thực của các vùng, miền. Anh kể: “Mình thích nhất khu vực miền Trung, từ Phú Yên tới Thanh Hóa. Các món ăn ở đây hợp khẩu vị của mình và giá rất rẻ. Nhưng đặc biệt, mình ấn tượng với ẩm thực của vùng núi Hà Giang. Mình thích các món làm từ ngô như mèn mén, rượu ngô… Món bánh cuốn của dân tộc H’Mông thì có hương vị ngon, thơm mùi gạo. Còn quang cảnh, mình thích ngắm núi rừng Cao Bằng, vừa hoang sơ, vừa hùng vĩ”.
Trung Thành còn ví von chuyến đi của mình là hành trình của tình người. Vì suốt thời gian đó, anh bạn nhận được rất nhiều giúp đỡ từ những người mới gặp lần đầu. Đó là khi Thành bị cảm lạnh ở Đồng Văn và được chị chủ nhà mang thuốc cho uống. Đó là nhóm bạn đi phượt gặp ở Hội An đã giới thiệu Thành đến những địa điểm thú vị tại đây. Và đặc biệt nhất là Thành gặp được hai du khách người Bỉ và Ý giúp đỡ chỗ ngủ. Họ cũng đi xuyên Việt bằng xe máy và suốt hành trình Thành còn gặp họ vài lần. Tất cả để lại trong Thành những cảm xúc khó quên.
Khi nói về bản thân, Trung Thành tươi cười nói: “Có 3 từ để nói về con người mình là: mơ mộng, bền bỉ và nhiệt huyết. Mình luôn là kẻ luôn mơ mộng làm những chuyện nhiều người cho là không thể. Mình luôn bền bỉ, quyết tâm chuẩn bị cho các dự định cá nhân. Quan trọng là mình không phí hoài tuổi trẻ và không bao giờ bỏ cuộc. Mình nghĩ chuyến đi bước ngoặt giúp bản thân trưởng thành hơn, để trang bị hành trang cho cả một cuộc đời còn dài phía trước”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.