Chàng trai 2K ung thư máu ước nấu bữa cơm đãi ba mẹ: 'Mẹ sao khóc hoài?'

15/08/2019 13:42 GMT+7

Giàu có, hạnh phúc… có lẽ là ước mơ của nhiều người. Nhưng với Khôi, khi biết mình bị ung thư máu không thể chữa khỏi, phải hóa trị để kéo dài thời gian sống, Khôi chỉ mong có thể nấu được cho ba mẹ một bữa cơm.

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM một ngày giữa tháng 7…
- 19 tuổi, em đã làm được gì cho ba mẹ trước khi đổ bệnh?
- Học.
- Em học cho em chứ sao học cho ba mẹ?
- Em học dở lắm, đáng lẽ em nghỉ học từ năm lớp 10, nhưng mẹ nói mãi em mới đi học nghề.
Câu chuyện của tôi và Nguyễn Nhật Khôi (19 tuổi, quê TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa) đang dang dở thì bà Đỗ Thị Thu Hòa (45 tuổi, mẹ Khôi) chen ngang. “Mới học được 2 năm thì nó mang căn bệnh này, rồi nghỉ luôn tới giờ chứ học hành gì nữa”, vừa nói, bà Hòa vừa rơm rớm nước mắt.

Nghỉ việc chăm con ung thư

Ngày nhận tin 80% con bị ung thư máu, bầu trời trước mặt bà Hòa như sụp đổ. Ngay trong bệnh viện, bà đã khóc như mưa, mặc cậu con trai ở bên vô tư: “Trời, có gì mà mẹ phải khóc dữ vậy!”.
Sau khi làm các xét nghiệm xác định lại một lần nữa, bác sĩ yêu cầu Khôi phải nhập viện gấp. Bà Hòa xin nghỉ hẳn việc để từ Khánh Hòa vào Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM chăm sóc con. Tất cả mọi việc sinh hoạt của Khôi từ vệ sinh, tắm rửa, thay quần áo đều do một tay bà lo. Cũng từ đây, chàng trai 19 tuổi sức dài vai rộng như trở về những ngày thơ bé trong vòng tay mẹ.

Dù rất cố gắng lạc quan giống con, nhưng bà Hòa vẫn không thể kìm được nước mắt khi nghĩ về tương lai...

Vũ Phượng

Cứ nhìn con, nước mắt bà lại lăn dài… Khôi vẫn không hiểu chuyện gì xảy ra. Cho đến khi tạm xuất viện chờ đợt hóa trị tiếp theo, Khôi mới biết mình bị ung thư máu giai đoạn 4b - không còn cơ hội chữa khỏi, chỉ có thể điều trị để kéo dài sự sống. Khôi không khóc, cũng chẳng buồn càng khiến trái tim người mẹ thêm đau nhói.
Những ngày Khôi nằm viện, ba Khôi tuy không vào được với con nhưng ở nhà chẳng đêm nào có thể ngon giấc. Ông cắm mặt vào mấy sào ruộng, rẫy và làm lọng tre để bán cho những người đánh bắt hải sản mong kiếm đủ tiền thuốc men cho Khôi và người con đầu đang là sinh viên năm 3 của trường Đại học Sư phạm kỹ thuật.
Bà Hoa tâm sự: “Cứ thấy tôi khóc là Khôi la, nói: “Mẹ khóc cái gì mà khóc. Mẹ nhìn mẹ của mấy bé bị ung thư trong bệnh viện nè, có người mẹ nào khóc đâu. Mẹ phải vui lên thì con mới mau khỏi bệnh được”. Nghe con nói vậy nên tôi cố động viên mình, phải lạc quan lên giống con. Nhưng nghĩ đến tương lai thì… chẳng biết sẽ được thêm mấy năm nó la tôi như thế này nữa”.
Mỗi lần thấy Khôi vào thuốc, sốt, uể oải, ăn vào là ói, trái tim người mẹ lại như đau nhói, bà len lén con lau nước mắt. Hơn 1 năm như thế, hai mẹ con ở viện nhiều hơn ở nhà. Khoản tiền dành dụm cho Khôi và anh trai lấy vợ cũng phải lấy hết ra để lo thuốc men, viện phí cho Khôi.

Nếu được xuất viện và khỏe mạnh em sẽ nấu cơm cho ba mẹ. Em sẽ nấu món “tủ” của mình là canh chua, em tin chắc rằng ba mẹ sẽ rất thích. Nhưng đợt này chắc lâu lắm, vì em vẫn đang phải truyền thêm máu mới có thể vô thuốc được

Nguyễn Nhật Khôi (19 tuổi, bệnh nhân ung thư máu)

“Cách mỗi đợt hóa trị được về quê nghỉ ngơi 5 - 7 ngày, tôi và chồng cứ ở nhà với con suốt chứ chẳng nỡ đi đâu. Thật lòng là nghe bác sĩ nói thời gian của con không còn nhiều nên tôi rất sợ, trân trọng mọi khoảnh khắc được ở bên con. Mà Khôi thì cứ vậy, cười nói hồn nhiên cả ngày, chẳng bao giờ thấy nó nói đau hay mệt gì”, bà Hòa chia sẻ.

Lạc quan tuổi 19

Trên khoa Nội 2, Khôi được bố trí nằm một mình ở giường cạnh cửa sổ. Với lấy bịch máu treo ở đầu giường cầm trên tay, Khôi cười bảo: “Đợt này em yếu nên phải truyền cho đủ máu mới vào thuốc được”. Các vết ban đỏ nổi khắp tay chân, dù ngứa nhưng Khôi cắn răng chịu chứ không gãi.

Mẹ con Khôi nhận cơm từ thiện ăn qua bữa vì kinh tế gia đình eo hẹp, có bao nhiêu cũng đều dốc vào thuốc men cho Khôi

Vũ Phượng

Khôi là một trong số rất ít những người trẻ bị ung thư mà tôi gặp lại luôn lạc quan và tươi cười như thế. Khôi kể: “Em biết ung thư là bệnh nặng thôi chứ chẳng nghĩ ngợi gì. Có buồn, có lo cũng không giúp mình hết bệnh được. Từ lúc bị bệnh đến nay em chỉ khóc duy nhất một lần đó là lúc vào toa thuốc nặng, đau quá em không thể chịu được. Vậy mà mẹ em cứ khóc hoài”.
Không như những bạn bè cùng tuổi, Khôi không có các cuộc tụ tập bạn bè mà dành nhiều thời gian cho gia đình. Dù học ở TP.Nha Trang cách nhà hơn 30 km nhưng cuối tuần nào Khôi cũng về nhà để được ăn cơm mẹ nấu và phụ giúp ba mẹ công việc nhà.
Khôi cũng tâm sự: “Em có người bạn gái trên mức tình bạn trong khoảng thời gian đi học. Nhưng giờ em như này nên em cũng không dám hi vọng gì. Cũng 2 - 3 tháng nay tụi em không liên lạc với nhau. Nhưng em không buồn mấy, vì những lúc như thế này, mẹ vẫn ở bên em, chăm sóc và lo cho em từng chút một”.

Ước mơ nấu cơm đãi ba mẹ

Trước khi bị bệnh, Khôi được mẹ định hướng cho học ngành điện công nghiệp để ra trường có thể trở thành một người thợ điện. Vậy nhưng mọi thứ giờ đây đều dở dang… Khôi phải bảo lưu kết quả học ở trường để tập trung trị bệnh.
Vì dành nhiều thời gian cho gia đình nên Khôi không hối hận khi biết mình chỉ vô thuốc để kéo dài sự sống. Nhưng Khôi vẫn luôn hi vọng có một phép màu nào đó sẽ xảy đến để Khôi có thể khỏe lại, có cơ hội chăm sóc ba mẹ. Hơn hết là để mẹ không còn buồn và khóc nữa.

Dù bệnh nặng nhưng Khôi luôn cố lạc quan để mẹ yên lòng

Vũ Phượng

“Nếu được xuất viện và khỏe mạnh em sẽ nấu cơm cho ba mẹ. Em sẽ nấu món “tủ” của mình là canh chua, em tin chắc rằng ba mẹ sẽ rất thích. Nhưng đợt này chắc lâu lắm, vì em vẫn đang phải truyền thêm máu mới có thể vô thuốc được”, Khôi bộc bạch.
Trao đổi với PV Thanh Niên, BS Nguyễn Thị Thanh Son, Khoa Nội 2, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM (bác sĩ điều trị của Khôi) cho biết bệnh của Khôi ở dạng tiến triển rất nhanh. Hiện tại, tác dụng phụ của điều trị là tế bào máu của Khôi bị giảm.
“Đợt này nếu Khôi khỏe hơn, xét nghiệm máu ổn định thì chúng tôi sẽ hội chẩn lại để xin toa khác. Các phác đồ hiện tại chỉ có thể xem như là phác đồ “cứu vớt”, tức là được lúc nào hay lúc đó…”, BS Son chia sẻ.
Ước mơ được nấu cho ba mẹ bữa cơm nhỏ nhoi ấy của Khôi còn dang dở, còn nụ cười rạng rỡ của Khôi vẫn nở trên môi lại chính là ước mơ lớn nhất của ba mẹ em. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.