Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Tiên Cảnh (H.Tiên Phước, Quảng Nam), chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thành luôn tâm niệm phải làm giàu trên chính mảnh đất này.
Anh Nguyễn Văn Thành kiểm tra chất lượng trùn quế trong trang trại mình |
MẠNH CƯỜNG |
Năm 2011, tốt nghiệp ngành cử nhân điện Trường cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng, Thành khăn gói vào TP.HCM tìm cơ hội lập nghiệp. “Đến thành phố lớn, cuộc sống xô bồ, mọi thứ khó khăn hơn nhiều so với tôi suy nghĩ. Dù kiếm được công việc đúng với chuyên ngành mình học, mức lương ổn định, nhưng thời gian sau thấy cuộc sống nơi đây không phù hợp với mình, nên năm 2016 tôi quyết định trở về quê tìm cơ hội lập nghiệp”, anh Thành nói.
Khi mới về quê, Thành chọn mô hình nuôi thỏ để khởi nghiệp và nuôi trùn quế để xử lý chất thải với quy mô nhỏ. Tuy nhiên, đầu năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát, đầu ra không còn ổn định nên Thành phải bán tháo hết số thỏ đang nuôi, lỗ vốn hơn 100 triệu đồng.
Nhận thấy trùn quế là loại khá dễ tính, dễ nuôi, chỉ cần hiểu được tập tính, chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ mang lại nguồn kinh tế rất cao nên Thành quyết định vay mượn bạn bè, gia đình khoảng 700 triệu đồng, đầu tư cơ sở vật chất rồi nhập giống từ Hà Nội về nuôi.
Tận dụng phần đất trống trong vườn nhà, Thành xây dựng trang trại với quy mô khoảng 1.500 m2. Anh phân thành từng ô rộng 1,5 m, dài khoảng 10 m và sâu khoảng 20 cm để nuôi trùn. Vừa “ráo” tay bón các chậu nuôi trùn, Thành cười nói: “Bỏ thành phố về quê nuôi trùn, đến giờ tôi thấy là quyết định đúng đắn...”.
Theo anh Thành, trùn quế là loài sinh sản nhanh. Nếu điều kiện sống thích hợp mỗi năm chúng có thể sinh sản từ 1.000 - 1.500 cá thể. Để trùn phát triển nhanh và sinh trưởng tốt đòi hỏi phải đảm bảo chế độ ăn phù hợp. Cứ 2 ngày cho ăn 1 lần, thức ăn chủ yếu là phân động vật và các chất thải hữu cơ có thể phân hủy trong môi trường tự nhiên. “Nuôi trùn quế không khó, vốn ít mà lợi nhuận mang lại cao”, anh Thành nói.
Anh chia sẻ trùn quế có thể nuôi quanh năm, mỗi tháng trang trại anh đưa ra thị trường 15 - 20 tấn phân trùn. Tùy mỗi loại phân sẽ có giá khác nhau. Phân dạng bột giá khoảng 4.000 đồng/kg; dạng viên 20.000 - 25.000/kg; dịch trùn quế có giá 100.000 đồng/lít. Riêng trùn giống thì khoảng 150.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, trang trại của anh thu về gần 500 triệu đồng/năm từ các sản phẩm trùn quế.
Nói về dự định trong tương lai, anh Thành cho biết mong muốn liên kết với các hộ gia đình, thanh niên trong địa bàn để mở rộng mô hình lên đến 10.000 m2. “Tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm mình có để hỗ trợ cho những người muốn theo đuổi mô hình này. Đầu ra tôi sẽ bao luôn nếu như mở rộng được mô hình. Hiện tại tôi đang kết hợp với 6 người trên địa bàn để mở Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ đất Quảng về sản phẩm phân hữu cơ và giá thể đất ươm mầm”, Thành chia sẻ.
Ông Lê Trường Hiền, Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh, cho biết dự án khởi nghiệp của anh Thành là một điểm sáng trên địa bàn xã. Sản phẩm trùn quế của anh được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là ý tưởng dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2020. “Ngoài việc tạo điều kiện để Thành dễ dàng trong việc phát triển mô hình ở địa phương, chúng tôi sẽ động viên các thanh niên trẻ, hộ gia đình phát triển nhân rộng các ý tưởng thoát nghèo từ mô hình này”, ông Hiền nói.
Bình luận (0)