Chàng trai 9X rời phố về quê trồng nông sản sạch

07/01/2022 07:36 GMT+7

Với khát vọng muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê nhà, anh Nguyễn Danh Trầm (sinh năm 1991, ở Phú Yên) đã quyết định rời phố về quê để viết tiếp những ấp ủ từ lâu của mình về mô hình trồng nông sản sạch .

Bước đầu thực hiện đã mang lại hiệu quả cao, là động lực để anh Trầm tiếp tục phấn đấu ở hướng đi mới này.

Trên cung đường nhựa phẳng phiu, sạch đẹp qua những thôn xóm của làng nghề đan lát, làng sen ngút ngàn của thôn Vinh Ba, thuộc xã Hòa Đồng, H.Tây Hòa (Phú Yên), hỏi về chàng thanh niên rời phố về quê trồng nông sản sạch, ai ai cũng biết và tấm tắc khen ngợi, trẻ mà giỏi quá!

Anh Trầm bên vườn cây ăn trái cho năng suất cao

DƯƠNG TRÍ

Trước khi bén duyên với nông sản sạch, anh Trầm từng là hướng dẫn viên du lịch tại Nha Trang. Năm 2019, đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi thứ, ngành du lịch “đứng bánh” nên anh quyết định trở về quê nhà để làm vườn. Mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt với làn da hơi rám nắng, anh nở nụ cười hiền với chúng tôi: “Tất bật cả ngày ngoài vườn, chứng kiến cây quả phát triển mà vui. Nhiều lúc cũng không nghĩ mình sẽ bén duyên với nghề trồng trọt như thế này, nhưng đó cũng là động lực để tôi phấn đấu mỗi ngày”.

Bằng quyết tâm khi chọn hướng đi mới cho mình, anh Trầm vẫn luôn bền bỉ cố gắng, không nản chí mà tiếp tục suy nghĩ, tìm tòi rồi tự nghiên cứu để hướng đi của mình được thành công. Trên khuôn viên gần 3.000 m² vườn nhà và hơn 1.000 m² đất vườn thuê lại các hộ lân cận để trồng sâm, len lỏi những lối đi đầy hoa trái, chúng tôi không khỏi trầm trồ trước sự quy hoạch rất hợp lý khi kết hợp nhiều mô hình của anh.

Về chăn nuôi có bò, gà, vịt, ao nuôi cá; còn về trồng trọt có nhân sâm Phú Yên; vườn cây ăn trái có bưởi da xanh, mãng cầu Thái, mãng cầu thường, chuối, đu đủ, cà chua bi và rau sạch các loại… Thành công bước đầu đã mỉm cười với người nông dân trẻ này. Năm 2020, sau khi trừ các khoản chi phí, anh thu về gần 100 triệu đồng.

Ngoài việc tìm đầu ra để tiêu thụ sản phẩm, làm sao sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải đạt chất lượng luôn được anh Trầm quan tâm hàng đầu. Anh đã bắt tay vào việc thực hiện các tiêu chí khu vườn kiểu mẫu theo đề án của huyện đề ra. Từ đó, anh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khâu chăn nuôi, trồng trọt, xây lắp hệ thống nước tưới tự động khắp vườn…

Theo anh Trầm, việc chọn giống tốt để lai ghép sẽ cho năng suất cao và nhanh thu hoạch. Bên cạnh đó, anh nói không với thuốc trừ sâu, phân bón hóa học mà tự chế tạo thuốc trừ sâu thảo mộc từ gừng, ớt, tỏi để diệt côn trùng gây bệnh trên cây trồng; ủ phân hữu cơ vi sinh bằng các chế phẩm sinh học để sử dụng…

Khi có được lối đi vững trên thị trường, anh Trầm còn chia sẻ mô hình trồng sâm đến với nhiều hộ gia đình tại địa phương để cùng tham gia. Có được khoản thu nhập vào thời điểm gần cuối năm, ai ai cũng phấn khởi. Vào những dịp lễ tết, đơn hàng nhiều để kịp nhu cầu của thị trường, anh phải tuyển thêm lao động thời vụ. Thời gian tới, anh còn lên ý tưởng phát triển mô hình du lịch sinh thái kết hợp chụp ảnh để tăng thu nhập cũng như đa dạng các loại hình nông nghiệp địa phương.

Ông Nguyễn Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Tây Hòa, đánh giá: “Anh Trầm là một hội viên nông dân giỏi, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập. Việc làm của anh đã lan tỏa đến nhiều nông dân trong suy nghĩ, cách làm, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả để làm giàu cho bản thân, gia đình, góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.