Chàng trai ‘biến’ bánh mì, phở, cơm tấm... thành nhân vật hoạt hình

23/06/2024 13:28 GMT+7

Làm việc trong lĩnh vực vẽ minh họa, Nguyễn Hoàng Sơn (29 tuổi) đã vẽ những món ăn như: cơm tấm, phở, bánh mì... trở thành những nhân vật hoạt hình đặc biệt.

Từng tốt nghiệp ngành kiến trúc của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM năm 2018, nhưng Sơn không làm việc đúng với chuyên ngành vì nhận ra bản thân không phù hợp. Sơn đã bắt đầu đi học vẽ trên máy tính và hiện tại làm việc tự do, cụ thể là nhận thiết kế nhân vật trong các tựa game hay phim hoạt hình. Ngoài ra, thỉnh thoảng Sơn cũng tham gia sáng tạo ra trang phục, phụ kiện cho các nhân vật trong game.

Chàng trai ‘biến’ bánh mì, phở, cơm tấm... thành nhân vật hoạt hình- Ảnh 1.

Bánh mì được Sơn vẽ thành nhân vật hoạt hình

NVCC

Vì vừa đi làm, vừa vẽ nên mỗi bức tranh Sơn tốn thời gian khoảng 2 tuần để hoàn thành. Sơn sử dụng phần mềm photoshop để phác thảo, phối màu. Phải chỉnh sửa và thử nghiệm trên rất nhiều phiên bản mới cho ra được một bức tranh hợp lý về bố cục. 

Khi thực hiện những bức vẽ hoạt hình, Sơn muốn nhân hóa các món ăn truyền thống, đặc trưng của Việt Nam như: cơm tấm, phở... thành hình dạng giống con người. 

Chàng trai ‘biến’ bánh mì, phở, cơm tấm... thành nhân vật hoạt hình- Ảnh 2.

Bún đậu mắm tôm phiên bản nhân vật hoạt hình

NVCC

“Mình phải suy nghĩ rất nhiều để có thể liên kết những hình ảnh đặc trưng của một món ăn khớp với các bộ phận cơ thể con người. Ví dụ đĩa cơm tấm, mình thấy nó giống với chiếc mấn đội đầu. Thế là mình đã thay thế chiếc mấn thành đĩa cơm để đội cho nhân vật trong bức tranh. Tóc của nhân vật là sự liên kết từ những hạt gạo. Bó hoa cầm tay là từ hình ảnh những sợi bì”, Sơn chia sẻ. 

Khác với những đồng nghiệp luôn hướng tới chủ đề tương lai, tưởng tượng ra thế giới thần tiên... để tạo nên sản phẩm thiết kế hoành tráng, lạ lẫm. Cho rằng bản thân không có thế mạnh trong việc đó, nên những chủ đề mà Sơn chọn luôn gần gũi với đời sống con người, yếu tố mang đậm văn hóa dân tộc. 

“Có lần mình nhận được một lời mời làm việc từ đơn vị ở nước ngoài, họ yêu cầu tạo ra video ghi lại quá trình vẽ một bức tranh với chủ đề bất kỳ. Mình đã đắn đo rất lâu giữa việc lựa chọn một chủ đề phổ biến mà ai trên thế giới cũng biết, hay là yếu tố mang tính truyền thống, cá nhân của bản thân. Và cuối cùng, mình chọn món phở làm chủ đề chính cho video. Rất may mắn vì sau khi gửi video đi, mình đã nhận được phản hồi rất tích cực từ khách hàng”, Sơn chia sẻ. 

Chàng trai ‘biến’ bánh mì, phở, cơm tấm... thành nhân vật hoạt hình- Ảnh 3.

Món phở quen thuộc trở thành nhân vật hoạt hình sống động

NVCC

Trong quá trình thực hiện những bức vẽ, Sơn gặp khó khăn về việc tư duy, sáng tạo làm sao để những hình ảnh đặc trưng cho món ăn có tính liên kết, tạo ra một tổng thể hợp lý, thẩm mỹ. Ngoài ra, việc giữ xuyên suốt tinh thần, phong cách cá nhân trong từng bức tranh cũng khiến Sơn trăn trở. 

“Mình và đồng nghiệp luôn có nguyên tắc là phải đảm bảo làm sao trong 3 giây đầu tiên người xem nhìn vào bức vẽ, họ phải đọc được bao quát ý tưởng mà nghệ sĩ truyền đạt. Chỉ khi làm được điều đó thì bức vẽ mới đạt yêu cầu và thành công”, Sơn nói. 

Chàng trai ‘biến’ bánh mì, phở, cơm tấm... thành nhân vật hoạt hình- Ảnh 4.

Cơm tấm phiên bản hoạt hình do Sơn vẽ

NVCC

Khi làm việc với một số đơn vị ở nước ngoài, Sơn nhận ra yếu tố truyền thống của mỗi đất nước được bạn bè quốc tế áp dụng vào sáng tạo nghệ thuật rất nhiều. Vì vậy, Sơn mong muốn sử dụng yếu tố văn hóa của Việt Nam để sáng tạo ra những sản phẩm nghệ thuật mới lạ, với mục đích tạo được dấu ấn sâu sắc đến cho bạn bè quốc tế.

Chàng trai ‘biến’ bánh mì, phở, cơm tấm... thành nhân vật hoạt hình- Ảnh 5.

Nguyễn Hoàng Sơn

KIM NGỌC NGHIÊN

“Đất nước của chúng ta có một bề dày, chiều sâu về mặt văn hóa. Là một người trẻ, mình luôn muốn khám phá, khai thác những yếu tố đó. Và nếu có cơ hội, mình cũng muốn kể những câu chuyện văn hóa của Việt Nam cho bạn bè quốc tế nghe, từ đó họ sẽ chủ động tìm hiểu và áp dụng vào sáng tạo nghệ thuật”, Sơn chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.