Chàng trai bỏ ngang đại học để trở thành 'ông trùm' handmade
06/05/2016 08:28 GMT+7
5 năm 'bơi' trong cuộc sống lập nghiệp vô vàn khó khăn ở Sài Gòn, nhưng Đỗ Viết Tuấn khẳng định chưa bao giờ hối tiếc vì quyết định của mình.
Tự động phát
Đi ngược
Năm 2011, khi đang là sinh viên năm thứ 2 khoa Luật kinh tế, Trường đại học Luật Hà Nội, "cậu ấm" Đỗ Viết Tuấn quyết định bỏ học, từ bỏ cuộc sống "ăn sung, mặc sướng", rồi khăn gói vào Sài Gòn để theo đuổi lý tưởng riêng. Quyết định "đi ngược" của Tuấn như tiếng sét đánh ngang tai bố mẹ của cậu.
"Hồi đó em quyết liều một phen, bỏ nhà đi với chỉ một cái ba lô và 5 triệu đồng tiền tiết kiệm. Em chưa bao giờ vào Sài Gòn nhưng cũng chẳng đắn đo, lo tính gì. Em bị gia đình từ mặt, không liên lạc gì trong hơn 1 năm. Nghĩ lại cũng chẳng hiểu ngày xưa do tuổi trẻ bồng bột hay ăn nhầm gan trời mà dám bỏ đi như vậy", Viết Tuấn chia sẻ.
|
Vào Sài Gòn "nhiều hoa, lắm lệ" đã khiến Viết Tuấn bị vỡ mộng trong khoảng thời gian khá dài. Vốn được bố mẹ chăm chút từ nhỏ, không phải động tay chân vào bất cứ việc gì nên khi sống tự lập, chưa nói đến chuyện lập nghiệp, đã là cả một thử khách rất lớn với Tuấn.
"Số tiền 5 triệu em tiêu chi li được 2 tháng là hết. Em tìm được công việc làm thêm trong một cửa tiệm pizza ở Đề Thám, quận 1. Có ngày làm ca tối, hơn 1 giờ sáng mới tan ca, không có tiền đi xe ôm nên cứ đeo cái tạp giề đi bộ về nhà trọ ở Trần Xuân Soạn (quận 7). Tới 3 giờ sáng mới về đến nhà. Rồi triều cường lên, đang ngủ được khoảng 30 phút lại phải dậy mắt nhắm mắt mở tát nước ra khỏi nhà. Nếu sáng hôm sau phải làm ca thì 7 giờ lại phải dậy đi làm rồi. Đó có lẽ là những ngày sống khổ nhất đời em. Suốt mất tháng trời em sụt gần chục ký", Tuấn tủm tỉm kể lại.
|
Cái khó ló cái khôn
Trong một lần tình cờ xem chương trình dạy làm đồ handmade (đồ làm bằng tay) trên truyền hình, Tuấn ấn tượng đến mức muốn thử làm theo. Càng bước vào thế giới handmade, Tuấn càng mê, và càng quyết tâm khởi nghiệp với những món đồ tự chế.
"Em lên mạng tìm thông tin, tìm những hội nhóm các bạn thích làm đồ handmade. Rồi em nghĩ mình sẽ làm một chương trình hướng dẫn các bạn trẻ biết sáng tạo từ những đồ tái chế, thú vị và cũng có ích. Rất may là em tìm được một nhóm các bạn cùng chung chí hướng lập thành một đội, người góp công, người góp của để thực hiện những clip đầu tiên".
Tháng 2.2012, Tuấn và các đồng đội cho ra mắt số đầu tiên của loạt chương trình handmade trên YouTube với tên gọi TV Show D.I.Y (do it yourself). Phản ứng tích cực từ những người xem đã giúp TV Show D.I.Y trở thành một kênh được tiền trên YouTube.
Từ thành công bước đầu đó, Tuấn tiếp tục thực hiện những chuyên mục giao lưu với các nhân vật có tiếng trong làng handmade Việt, tổ chức các lớp dạy làm handmade, hội chợ handmade trong các trường đại học ở Sài Gòn, "ôm sô" thực hiện hoàng loạt chương trình khéo tay hay làm trên truyền hình...
Đặc biệt, thời gian gần đây, Tuấn nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các công ty nước ngoài: "Họ muốn em làm hướng dẫn người tiêu dùng làm những đồ tái chế từ chính những vỏ lon, hộp giấy... bỏ đi sau khi sử dụng sản phẩm. Ý tưởng này rất hay, nó khiến cho khách hàng cảm nhận được sự tử tế, ý thức bảo vệ môi trường từ thương hiệu họ đang dùng".
Tuấn được bạn bè gọi vui là "ông trùm" của đồ handmade. Nhưng có một điều lạ là Tuấn chỉ hướng dẫn mọi người làm handmade chứ không bao giờ bán đồ handmade. Tuấn chia sẻ: "Em cảm thấy buồn vì nhiều lần tổ chức hội chợ, thấy đồ handmade của các bạn bỏ công cả tuần ra làm mà đem đi bán, mà người mua trả giá rẻ quá. Nhiều người vẫn chưa hiểu được giá trị thực sự của những món đồ handmade".
Nguồn thu từ những ý tưởng về handmade giúp Tuấn vững vàng hơn trong con đường lập nghiệp. Quan trọng hơn cả là thành công này đã giúp Tuấn được đoàn tụ với gia đình.
"Em được báo chí mời phỏng vấn, cả kênh truyền hình VTV cũng về tận nhà em để làm phóng sự về quyết định đi ngược của em. Bố mẹ hiểu được em muốn tự lập, muốn tự đi bằng đôi chân của mình nên không giận em nữa. Phải bươn chải ở Sài Gòn nhưng em chưa bao giờ hối tiếc vì mình đã chọn nơi này để lập nghiệp", Tuấn chia sẻ.
|
Sau hơn 5 năm gắn bó với Sài Gòn, tình yêu mà Tuấn dành cho mảnh đất nhiều nắng này mỗi ngày lại thêm lớn. Mới đây, Tuấn đã tự tạo trang fanpage Facebook Sài Gòn Vi Vu để chia sẻ những thông tin, hình ảnh đẹp về văn hóa Sài Gòn. Trang fanpage ý nghĩa của Tuấn đang được một tổ chức văn hóa quốc tế đặt lời mời hợp tác phát triển thêm để lan tỏa rộng rãi hơn tới cộng đồng.
Bình luận (0)