Bắt đầu khởi nghiệp chỉ với số vốn khá ít ỏi, đến nay những chai trà kombucha của Lương Văn Hiếu (27 tuổi, ngụ tại P.7, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã có thương hiệu riêng và được nhiều đối tác lớn chú ý đến.
Món trà đặc biệt
Hiếu sinh ra trong một gia đình khó khăn ở H.Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), sau khi tốt nghiệp THPT vì thấy anh hiếu học nên tiến sĩ Neal F.Bermas, người sáng lập Streets International - một tổ chức đào tạo nghề của Hoa Kỳ có chi nhánh tại TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã quyết định trao tặng học bổng.
"Sau khi tốt nghiệp vào năm 2018, mình đến làm việc tại một khách sạn 5 sao ở TP.HCM. Trong nửa năm mình đã lên vị trí chính thức và có mức lương 12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, môi trường làm việc chưa phù hợp với mục tiêu lâu dài và bản thân lại thích tự do nên mình đã quyết định nghỉ sau 1 năm", Hiếu kể.
Thời điểm sau đó, anh bắt đầu quan tâm nhiều hơn vào lối sống thuần chay và các chế độ dinh dưỡng. Năm 2019, Hiếu làm trợ lý cho hai người chủ Ý và Pháp trong một công ty chuyên về sản phẩm chay và bắt đầu nghiên cứu về một thức uống đặc biệt có tên gọi kombucha.
"Trong một năm rưỡi làm việc tại đây, mình biết rất nhiều kiến thức về những lợi ích mà kombucha mang lại cho sức khỏe như: tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ giảm mỡ máu, điều trị tiểu đường, ung thư, giảm các bệnh lý về đường ruột… Mình bắt đầu học cách làm và lấy luôn chứng chỉ về chuyên gia dinh dưỡng thuần chay để khởi nghiệp", Hiếu bày tỏ.
Đến năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng, công ty mà Hiếu đang làm cũng phá sản và để duy trì hy vọng khởi nghiệp, Hiếu trụ lại thành phố với công việc bán bánh mì chay và song song với nghiên cứu kombucha.
"Lợi nhuận kiếm được khi ấy tầm 15 triệu đồng là mình đầu tư hết cho kombucha. Và phải mất tầm nửa năm thì mình mới có được công thức cho trà và mọi giấy tờ cần thiết để hình thành nên thương hiệu", chàng trai này cho hay.
Đến nay, các sản phẩm trà lên men kombucha của Văn Hiếu đã được đưa đến khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn của các tỉnh thành như: Mũi Né (tỉnh Bình Thuận), Lâm Đồng, khu vực Đông Nam Bộ và trên các sàn thương mại điện tử. Mỗi ngày, Hiếu có thể làm tầm 200 - 300 chai trà kombucha và mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng.
Khởi nghiệp bằng cả cái tâm
Chia sẻ về quá trình làm nên thương hiệu kompucha của riêng mình, Hiếu cho biết đây là quá trình rất gian nan vì tất cả công đoạn để làm ra sản phẩm đều là thủ công và mọi thứ đều do một mình Hiếu làm từ khâu ủ men, chiết rót cho đến phân phối sản phẩm.
Trong đó, vấn đề khó khăn nhất của Hiếu chính là tìm ra công thức riêng cho thức uống của mình. "Trà sẽ được lên men từ 7-10 ngày với con giống scoby (cộng sinh của vi khuẩn và nấm men), con giống này sẽ lên men trà và đường rồi tạo ra mẻ trà kombucha F1. Sau đó, nấu trà mới và cho lên men lần 2, để cho ra trà F2. Cuối cùng, với mẻ trà F2 này sẽ được ủ khoảng 1 ngày trong nhiệt độ phòng để lợi khuẩn tiếp tục ăn đường, cho ra thành phẩm với vị tươi mới hòa quyện độ chua ngọt cân bằng", Hiếu mô tả quá trình làm trà kombucha.
Tuy nhiên, thời gian đầu, sản phẩm liên tục thất bại vì Hiếu không tìm được nguồn nguyên liệu chất lượng để cho ra vị trà chuẩn. Để có được trà, Hiếu đã thử nhiều loại khác nhau mới tìm ra được loại trà san tuyết - là những cây trà cổ thụ hiếm hoi còn được giữ gìn ở Hà Giang. Còn nguồn đường thì anh chọn loại đường mật thốt nốt truyền thống ở tỉnh An Giang sau khi không hài lòng với các loại đường tinh luyện hay đường thốt nốt đã pha trộn.
"Ngoài ra, các thảo dược như hương thảo, gừng và trái cây như xoài, chanh dây, dâu tây thì mình thường tìm hiểu nông trại trước. Thông qua người quen biết, đến thăm trực tiếp vườn hoặc được đối tác, bạn bè uy tín giới thiệu. Khi được biết là vườn canh tác sạch thì mình mới yên tâm nhập về cho vào trà", anh chàng này bày tỏ.
Khi được hỏi: "Vì sao không đưa sản phẩm vào dây chuyền công nghiệp?", Hiếu bày tỏ: "Hiện nay, trên thị trường vẫn có dòng trà kombucha đóng lon rất tiện lợi để xuất đi xa so với dòng truyền thống vì đã trải qua quá trình thanh trùng nên lợi ích của men sống tự nhiên và dinh dưỡng cũng giảm đi. Do đó, mình vẫn gắn bó với cách làm thủ công vì muốn mọi công đoạn mình làm đều đặt cái tâm vào, có thể gia giảm khẩu vị theo nhu cầu của khách".
Là đối tác với Văn Hiếu, Trần Thị Mai Yến, Sáng lập Trạm Xanh bày tỏ: "Tôi rất thích sản phẩm kombucha làm thủ công của Hiếu, vị ngon và có chất lượng nguyên bản hơn sản phẩm công nghiệp. Ngoài ra, Hiếu cũng rất quan tâm đến việc làm ra sản phẩm hợp với tiêu chí về sức khỏe, không chất bảo quản và thân thiện với môi trường".
Ngoài việc bán kombucha, Hiếu còn tham gia các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng như: làm bánh, hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho người vô gia cư, quyên góp cho các tổ chức phi lợi nhuận… và gần đây nhất là có chuyến đi đến buôn Hangka (tỉnh Lâm Đồng) để dạy học tình nguyện cho các trẻ em người Châu Mạ.
"Khi gầy dựng một thương hiệu cá nhân thì phải dành thời gian và tâm huyết cho nó, đặc biệt là có kinh phí duy trì từ hoạt động bán thời gian để có xoay sở. Kiên trì với công thức, thương hiệu vì muốn được khởi nghiệp tự do thì phải đánh đổi khoảng thời gian đầu khó khăn để chứng tỏ bản thân có thể vượt qua và đặt cả cái tâm vào sản phẩm chứ không hời hợt", chàng trai khởi nghiệp với trà kombucha cho hay.
Bình luận (0)