Mới học lớp 1 nhưng đã to bằng đàn anh lớp 5
Thân hình quá khổ khiến anh Nhân nặng nề, mệt mỏi. Mỡ bụng anh dày thành tảng, cột sống bị thoát vị, thoái hóa, mắc nhiều bệnh nền như đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa.
"Tôi bắt đầu tăng cân nhanh từ năm 6 tuổi. Mới đi học lớp 1 nhưng tôi to bằng đàn anh lớp 5. Đến năm lớp 6, tôi đứng nhất trường về cân nặng. Năm 19 tuổi, tôi đạt số cân lớn nhất trong cuộc đời 264 kg", anh Nhân nhớ lại.
Anh Nhân cho biết mình có sở thích uống nước ngọt, ăn thức ăn nhanh. Chính sở thích này khiến cân nặng của anh tăng mất kiểm soát.
Cuối năm 2023, khi cơ thể phát tín hiệu đáng báo động, cũng là lúc anh quyết định không thể tiếp tục sống với thân hình hiện tại. Anh rời TP.HCM lên TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) bắt đầu bước vào hành trình giảm cân .
"Cổ của tôi bị gai đen dày kín, những cục thịt thừa mọc chi chít. Chỉ cần đi bộ một đoạn ngắn là tôi đã thở phì phò. Tôi sẽ làm khổ bố mẹ nếu cứ mãi mắc kẹt trong thân hình này. Tôi quyết định giảm cân", anh Nhân chia sẻ.
Giảm cân bằng tập luyện, dinh dưỡng khoa học
Những ngày đầu, anh Nhân tập bơi và đi lại dưới nước. Bơi có thể được xem bài tập vàng với những người béo phì hạng nặng.
"Bơi an toàn vì lực nâng của nước giúp giảm đáng kể sức ép đè lên cột sống, khớp gối, bàn chân. Các bài tập nặng trên cạn đối với những người béo phì nặng có thể gây tác dụng ngược. Trước khi bơi, tôi khởi động kỹ bằng các động tác tay không hoặc dùng dây kháng lực. Bơi giúp đốt nhiều năng lượng và cải thiện sự linh hoạt của vùng hông, chi dưới", anh Nhân chia sẻ.
Khi đã giảm được một số cân nhất định, anh Nhân được huấn luyện viên cho tập kháng lực. Dần dần anh đạp xe, đi bộ, tập cardio cường độ cao và nâng tạ. Các bài tập xen kẽ, khiến cơ bắp anh không bị quen nhờn, từ đó duy trì hiệu quả đốt năng lượng. Cường độ tập luyện của anh được huấn luyện viên phối hợp với bác sĩ để đảm bảo không bị quá sức.
Mỗi tuần, anh được ngâm đá trị liệu để giảm sưng, giảm đau và hạ nhiệt sau thời gian vận động cường độ cao dưới sự giám sát hỗ trợ của các bác sĩ và chuyên gia.
Về chế độ dinh dưỡng, anh Nhân cho biết anh nặng đến 230 kg nhưng thực chất lại bị suy dinh dưỡng do thiếu hụt trầm trọng các loại vi chất. Do đó, mỗi ngày anh uống bổ sung vitamin tổng hợp và chia nhỏ các bữa ăn từ 5 - 6 bữa/ngày.
"Tôi ngủ sớm, dậy sớm đọc sách, uống cà phê đen không đường, ăn khoai lang. Một ngày tôi ăn từ 5 đến 6 bữa, chia nhỏ lượng thức ăn, giúp cơ thể vừa không quá no, vừa không bị đói. Tập luyện 2 ca mỗi ngày...", anh Nhân chia sẻ.
Tiếp tục giảm cân để được phẫu thuật cắt bỏ da thừa
Sau khi giảm từ 230 kg về 162 kg, từ việc chỉ di chuyển được vài chục mét là mệt, hiện tại anh Nhân đã có thể chạy, vận động tốt hơn. Tuy nhiên, việc giảm cân nhanh khiến cơ thể xuất hiện nhiều phần da nhão, chảy xệ.
"Tôi cần giảm về mốc 100 kg. Khi ấy tôi sẽ được bác sĩ cắt da thừa", anh Nhân chia sẻ.
Trải qua hành trình giảm cân, anh Nhân cho biết thói quen ăn uống mà anh thấy có hại cho cơ thể nhất chính là sử dụng thực phẩm công nghiệp và chế biến đồ ăn quá kỹ. Thực phẩm công nghiệp chứa nhiều chất béo chuyển hóa khiến tích mỡ và cholesterol nhanh chóng, từ đó có thể gây xơ vữa động mạch và hàng loạt vấn đề khác về tim mạch. Nên ăn thực phẩm nguyên bản được chế biến thô như luộc, hấp thì mới giữ lại được nhiều chất dinh dưỡng.
"Đối với các bạn đang muốn giảm cân, hãy lắng nghe cơ thể mình và học cách yêu thương nó. Đừng sa đà vào những lời quảng cáo giảm béo nhanh mà tìm đến các phương pháp tiêu cực như trà giảm cân, kẹo tan mỡ. Giảm béo là một quá trình dài, là kết quả của việc xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực", anh Nhân bộc bạch.
Ngày 26.5, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Long, Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Trường Đại học Tây Nguyên, cho biết anh Nhân bị béo phì từ nhỏ và có nhiều bệnh lý nền là khó khăn lớn nhất trong quá trình giảm cân.
"Nhân bị đái tháo đường rất nặng, tích mỡ nội tạng rất nhiều, rối loạn mỡ máu, rối loạn chuyển hóa. Mỡ nội tạng lắng đọng trong tim gây ảnh hưởng đến tim mạch... Do vậy các vấn đề tập luyện hay dinh dưỡng của anh Nhân cần được kiểm soát rất gắt gao. Nếu tập luyện quá sức có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, xuất huyết não, nhồi máu não... Hay trong ăn uống phải chọn lựa các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, thực phẩm cần tránh cho người bị axit uric cao...", bác sĩ Long cho hay.
Chính vì có nhiều vấn đề khó khăn, nên bác sĩ Long đã phối hợp cùng Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hải Thủy, Phó chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam để thăm khám cho Nhân trong quá trình giảm cân.
"Đến nay, qua 4 tháng giảm cân, các vấn đề bệnh lý nền của Nhân cơ bản được kiểm soát, các chỉ số xét nghiệm công thức máu ổn định, là tín hiệu khả quan", bác sĩ Long chia sẻ.
Bình luận (0)