Sản phẩm làm ra được thu mua toàn bộ
Năm 2015, sau khi học xong chương trình năm nhất ngành điện tử viễn thông tại ĐH Đà Nẵng, Võ Ngọc Dũng (27 tuổi), ngụ tại xã Phú Xuân, H.Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, quyết định nghỉ học đại học. Rời giảng đường, chàng trai đến TP.HCM tìm cơ hội học nghề nhưng không mấy suôn sẻ.
Năm 20 tuổi, Dũng trở về quê, bắt đầu lại với điều thân thuộc, gần gũi nhất: làm nông dân. Nhưng khác với bố mẹ, Dũng chọn theo nông nghiệp hữu cơ.
"Thời điểm đó nông nghiệp hữu cơ còn tương đối mới ở Việt Nam. Ngoài tìm hiểu trên internet, mình đến nhà nông dân để tham quan vườn, học cách trồng hồ tiêu hữu cơ", Dũng nói.
Thực hành trên chính mảnh đất gia đình, chàng trai bắt đầu trồng xen canh tiêu, cà phê, nhiều loại cây rừng, cây ăn trái với diện tích 1 ha.
Khác với những hộ dân sử dụng trụ bê tông, Dũng dùng cây muồng đen cho tiêu bám vào phát triển. Chàng trai không bón thúc cho cây mau ra trái mà để chúng phát triển theo đúng chu kỳ sinh trưởng, từ 3 - 4 năm mới thu hoạch. May mắn ngay đợt thu hái đầu tiên, tiêu của Dũng bán được cho doanh nghiệp nước ngoài với giá gấp đôi tiêu thu mua trong nước.
"Số lượng họ mua chỉ 240 kg nên chưa có nhiều tác động tới thu nhập của gia đình. Dù vậy, mình có niềm tin vào con đường phía trước. Họ khen vườn tiêu đẹp, sau đó trao đổi về cách thu hái, rửa, phơi, nhặt sạn, đóng gói... đủ tiêu chuẩn xuất khẩu", Dũng nói.
Sau đợt hàng đầu tiên, doanh nghiệp này hiện vẫn duy trì mua từ 3 - 5 tấn tiêu/năm với giá 150.000 đồng/kg tiêu đen và 300.000 đồng kg/tiêu đỏ. Dũng nhận thấy lợi nhuận thu về từ canh tác hữu cơ tăng lên 50 - 75% so với cách làm cũ, chi phí phân bón cây cũng giảm xuống đáng kể.
Từ đây, chàng trai kết nối những nông hộ khác mở rộng diện tích canh tác, xây dựng vùng nguyên liệu tiêu và cà phê hữu cơ, sản phẩm làm ra được thu mua toàn bộ.
Dũng chia sẻ: "Lúc bắt đầu với lĩnh vực này, gia đình mình không đồng ý vì khác với suy nghĩ và cách làm của họ trước đây. Nhưng khi chứng minh bằng việc sản phẩm tiêu thụ tốt, vùng trồng ngày càng mở rộng, mọi người đã ủng hộ".
"Phát triển bản thân theo hướng mình yêu thích"
Nhờ nông nghiệp hữu cơ, năm 2019, Võ Ngọc Dũng quen biết biết tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền, Giám đốc Công ty Mekong Organics. Sau đó, chàng trai được tạo cơ hội học tập tại Viện Asian Rural Institute về lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ trong vòng 9 tháng ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, khó khăn bắt đầu khi chàng trai thừa nhận mình yếu tiếng Anh. "Vốn liếng ngôn ngữ chuẩn bị trước khi sang Nhật đều không có tác dụng", Dũng bộc bạch.
Vì bất đồng ngôn ngữ và tính cách rụt rè, chàng trai gặp nhiều áp lực, lên lớp học không hiểu bài, làm việc không biết ý cộng sự, giao tiếp hằng ngày khó khăn. Lạc lõng giữa đất khách, Dũng nhớ nhà và nghĩ đến việc kết thúc khóa học sớm để trở về quê. Nhưng sau đó chàng trai tự trấn tĩnh: "Vì sao mình tới đây? Bao nhiêu người kỳ vọng, quan tâm rồi quay về với một thất bại?".
Nghĩ vậy, Dũng quyết tâm thay đổi, chàng trai cố gắng bắt chuyện với mọi người sau giờ học, buổi tối qua phòng bạn nhờ dạy tiếng Anh. Sau 2 tháng, tình hình được cải thiện rõ rệt.
Nhờ học tập trong môi trường đa văn hóa, Dũng tự tin, mở lòng với mọi người và hòa đồng hơn, không cố tạo khoảng cách hay thể hiện cái tôi, cảm xúc tiêu cực với người khác. Từ đó, chàng trai có thêm mối quan hệ từ nhiều nơi trên thế giới. Câu chuyện về Dũng ở Việt Nam trồng cà phê và tiêu hữu cơ cũng được lan tỏa tới bạn bè nước ngoài.
"Những điều bản thân mong muốn và suy nghĩ trước đây giờ đã thực hiện được", Dũng bày tỏ.
"Điều quan trọng là bạn cần đầu tư phát triển bản thân theo hướng mình yêu thích, xây dựng nhiều mối quan hệ, gặp người có tư duy, trải nghiệm tốt để học hỏi, trau dồi. Học tập, nỗ lực nhiều, đi kèm may mắn, được mọi người ủng hộ, bạn sẽ thấy tự tin hơn trên con đường đã chọn", Dũng nói.
Bình luận (0)