Chàng trai 'hô biến' lồng đèn, bánh trung thu thành trang sức

Nguyên Trang
Nguyên Trang
14/09/2018 09:56 GMT+7

Lồng đèn, bánh trung thu, mặt nạ thỏ ngọc… được Lâm Kim Long chế tác thành nhiều phụ kiện được giới trẻ yêu thích.

Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, công việc duy nhất mà Lâm Kim Long từng làm liên quan đến ngành học của mình là quản lý tiệm internet. Tự nhận mình là người làm việc tự do (freelancer), Kim Long cũng làm qua nhiều nghề, từ phụ trách kỹ thuật cho đoàn phim, hỗ trợ kỹ thuật điện trong xây dựng… bây giờ là nghệ nhân.
Kim Long tỉ mẩn trang trí cho lồng đèn Yi Nguyen

Đeo lồng đèn cá chép dạo phố
Là thế hệ trải qua sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, Lâm Kim Long mong muốn bằng khả năng của mình, tạo ra những sản phẩm mang tính ứng dụng cao, đưa sản phẩm thủ công gần với người trẻ. Cũng vì lý do đó, Kim Long tạo nên bộ phụ kiện dành cho các bạn trẻ theo chủ đề Tết Trung thu. “Hoa tai hình lồng đèn cá chép là sản phẩm em ưng ý nhất. Có 6 màu sắc khác nhau, hoa tai nhỏ nhỏ, rực rỡ sẽ dễ thu hút sự chú ý của nhiều người xung quanh. 'Lồng đèn' cá chép được làm bằng chất liệu giấy bóng kính như chất liệu làm đồng đèn truyền thống, phết 3 lớp màu, rồi vẽ tay từng nét uốn lượn trên thân bằng nhũ… chỉ khác đôi chút là khung bằng thép và kích thước nhỏ để phù hợp khi làm trang sức”, Kim Long chia sẻ.
Từ những năm lớp 9, Kim Long đã tham gia câu lạc bộ sáng tạo Eureka (Q.5, TP.HCM), tham gia nhiều cuộc thi làm lồng đèn mỗi dịp tết Đoàn viên. Nhờ thế, toàn bộ quy trình, làm, vẽ… đều được Long tái hiện đầy đủ khi làm hoa tai hình lồng đèn cá chép.
Ngoại trừ phần khung từ thép đã được nhiệt luyện để giúp định hình phần khung tốt hơn, thì quy trình tạo nên hoa tai cá chép đều phải dứt khoát, chỉ được làm một lần. “Do sử dụng giấy bóng kính để trang trí lồng đèn theo đúng phong cách truyền thống, nên đòi hỏi mình phải tỉ mỉ. Giấy được cắt theo viền khung, dùng nước làm ướt mép giấy rồi đính lại. Chờ khô lại phết màu lên trang trí. Giấy rất dễ bị nhũn khi gặp màu nước nên nét cọ của nghệ nhân phải chắc, mỗi nét đi một lần, hỏng là làm lại từ đầu”.
Bộ trang sức lồng đèn cá chép
Bánh trung thu giả như thật
Mùa trung thu này, các bạn trẻ có thể mang “bánh” đi khắp nơi với bộ 3 phụ kiện do Long chế tạo. “Bộ phụ kiện được làm từ chất liệu tổng hợp. Do có kích thước nhỏ, để đảm bảo độ tinh tế, sắc nét, mình vận dụng công nghệ in 3D vào tạo khuôn. Các phụ kiện sau khi đúc thành phẩm, mình phải vẽ tay lên từng lớp màu, từng lớp để tạo nên màu nâu hơn như vệt cháy của bánh thật...”.
Các bạn trẻ có thể mang “bánh” đi khắp nơi
Có lồng đèn, có bánh, không thể thiếu mặt nạ thỏ ngọc, biểu tượng của mùa trung thu. Kim Long hào hứng kể về sản phẩm của mình: “Mặt nạ được làm từ nhựa resin, rất bền. Các hoa văn trên mặt nạ cũng được vẽ tay hoàn toàn. Mình chế mặt nạ thỏ ngọc vừa bằng mặt dây chuyền nhỏ, khách có thể lồng dây đeo trên cổ. Nếu muốn cá tính hơn, có thể gắn dây da, thành charm đeo vào túi xách vẫn hợp” 
Mặt nạ thỏ ngọc

24 tuổi, nhưng tính về số năm “chơi” với những chất liệu khác nhau tạo ra phụ kiện thì Lâm Kim Long cũng thuộc nhóm “sự phụ” với 8 năm ngồi “nghịch”, chế vật dụng linh tinh. “Mình từng chế chai nhựa, lon nhôm thành lồng đèn, làm trang sức bạc, đồng, làm búp bê…. suốt nhiều năm. Ban đầu chỉ nghĩ đó là thú vui lúc rảnh rỗi, nhưng bây giờ, chính những thứ mình không cố tính học, chỉ làm vì đam mê lại giúp mình kiếm sống. Hiện giờ mình thoải mái, hạnh phúc với công việc đang làm. Mỗi ngày ngồi “chế” ra vài món lạ lạ, để phục vụ nhu cầu của khách. Đây cũng là cách giúp mình tái đầu tư, mua nguyên liệu làm nhiều sản phẩm khác. Mình cũng có kế hoạch làm bộ sản phẩm thật độc cho mùa lễ Halloween, cũng như Noel sắp tới”, Long chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.