Học cơ khí nhưng đam mê thiết kế đồ họa
Trong căn nhà nhỏ, anh Trí bày trí rất nhiều mô hình kiến trúc và đồ chơi do anh làm từ phế liệu là vỏ lon. Trong đó, mô hình nhà hát lớn Hà Nội được lồng khung trưng bày trước nhà và định giá 12 triệu đồng.
Anh Trí cho biết mô hình nhà hát lớn Hà Nội được làm từ 100 vỏ lon bia, chiều dài 1,7 m, rộng 1 m, cao 82 cm, mất hơn 1 tháng mới hoàn thiện. "Công trình nhà hát nguy nga, tráng lệ, là biểu tượng của di sản kiến trúc và nghệ thuật Pháp còn lưu lại ở thủ đô. Đây được xem là tuyệt tác nghệ thuật với sự kết hợp của nhiều phong cách kiến trúc khác nhau. Vì vậy, để hoàn thiện mô hình đòi hỏi tỉ mỉ và nhiều thời gian", anh Trí nói.
Từ lúc học THCS, anh Trí đã có ý tưởng sử dụng vỏ lon làm ra những món đồ chơi yêu thích, thân thiện môi trường, không phải tốn tiền cha mẹ. Khi đang học ngành cơ khí Trường CĐ nghề Cần Thơ, anh quyết định chuyển sang học thiết kế đồ họa cho thỏa đam mê và mày mò làm đồ chơi, mô hình từ vỏ lon kể từ năm 2019.
"Những sản phẩm đầu tiên ra đời là Vespa, Mobylette. Do có nhiều chi tiết khó, chưa quen tay nên mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện. Từ từ rồi quen, các sản phẩm về sau làm nhanh hơn và đẹp mắt hơn", anh Trí chia sẻ.
Không ngừng sáng tạo
Khi có ý tưởng về một sản phẩm mới, anh Trí lên mạng tìm tòi, học hỏi rồi cặm cụi sáng tạo linh kiện để lắp ráp. Mỗi sản phẩm từ 1 - 7 ngày để hoàn thiện, nhưng cũng có sản phẩm hàng tháng trời mới xong.
Suốt 4 năm miệt mài nghiên cứu và lắp ráp, anh Trí đã tạo ra hơn 50 mẫu đồ chơi, giá bán từ 50.000 - 400.000 đồng/món. Riêng những mô hình có kích thước "khủng" có giá lên đến hàng chục triệu đồng. Sản phẩm chủ yếu được bán trên trang mạng xã hội. Tất cả đều được trẻ em và người lớn yêu thích.
Yêu thích sản phẩm của anh Trí, chị Phạm Thị Bích Hồng (ngụ TP.Cần Thơ) cho biết sản phẩm từ vỏ lon của Trí vô cùng đa dạng mẫu mã và sống động đến từng chi tiết. Đặc biệt, chị ấn tượng bởi mô hình nhà hát lớn Hà Nội, từ kích thước, độ tinh xảo từ hoa văn, kiến trúc đều được mô phỏng gần như trọn vẹn.
"Tôi sẽ tiếp tục tận dụng phế liệu là vỏ lon để thực hiện ý tưởng ý làm mô hình động vật dạng 3D nhằm đáp ứng thị hiếu ngày càng đa dạng của trẻ em, học sinh, sinh viên", anh Trí chia sẻ.
Bình luận (0)